Su-35S của Nga lần đầu tiên phóng tên lửa R-37M

Máy bay chiến đấu Su-35S trở thành phương tiện thứ ba được trang bị loại tên lửa không đối không R-37M.

Nga lần đầu tiên phóng thành công tên lửa không đối không R-37M trên máy bay chiến đấu Su-35S. Hoạt động này diễn ra nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trung tâm thử nghiệm bay 929 của Bộ Quốc phòng Nga mang tên V.P. Chkalov. Đây là học viện chính của lực lượng hàng không vũ trụ và lực lượng vũ trang Nga, các thiết bị hàng không và vũ khí hàng không đều được kiểm tra ở đây trước khi đưa vào phục vụ trong quân đội.

Máy bay chiến đấu Su-35S lần đầu tiên phóng thành công tên lửa R-37M.

Máy bay chiến đấu Su-35S lần đầu tiên phóng thành công tên lửa R-37M.

“Tên lửa R-37M được trang bị cho tiêm kích đa năng thế hệ thứ năm Su-57 và tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31BM. Máy bay chiến đấu siêu cơ động thế hệ tư Su-35S với véc tơ lực đẩy đã trở thành phương tiện chiến đấu thứ ba nhận được sản phẩm đầy hứa hẹn này”, ông Konstantin Makienko, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ cho biết.

Tên lửa R-37 được phát triển bởi Phòng thiết kế chế tạo máy Vympel, được phát triển dựa trên tên lửa không đối không R-33 để trang bị cho máy bay đánh chặn MiG-31M.

Việc phát triển loại tên lửa được bắt đầu vào ngày 8/4/1983. Năm 1989 các chuyến bay thử nghiệm tên lửa R-37 được bắt đầu. Các cuộc thử nghiệm tên lửa tiếp tục cho đến năm 1997. Sau năm 1997, liên quan đến sự vi phạm hợp tác với các doanh nghiệp Ukraine về việc tạo ra hệ thống dẫn đường tên lửa, phía Nga đã quyết định phát triển một hệ thống dẫn đường mới do chính Nga sản xuất.

Vào năm 2007, Tổng công ty vũ khí tên lửa chiến thuật đã bắt tay vào việc chế tạo tên lửa R-37M. Năm 2011, Nga đã quyết định sản xuất hàng loạt loại tên lửa này. Năm 2014, tên lửa R-37M được bàn giao cho quân đội.

R-37M là phiên bản hiện đại hóa của tên lửa R-37, được chế tạo hoàn toàn ở Nga không hợp tác với các nước khác trong Liên Xô cũ.

R-37M được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu máy bay chiến đấu, máy bay cường kích, máy bay ném bom, máy bay vận tải quân sự, máy bay trực thăng, tên lửa hành trình vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, ở mọi góc độ, trong các điều kiện gây nhiễu điện tử mạnh, trên mặt đất và mặt nước.

Loại tên này được trang bị động cơ nhiên liệu rắn và hai chế độ phóng. Hệ thống dẫn đường của R-37M là quán tính với hiệu chỉnh vô tuyến trong giai đoạn đầu và điều khiển radar chủ động ở gia đoạn cuối của quỹ đạo.

Tên lửa có chiều dài 4,06 m, đường kính 0,38 m, sải cánh 0,72 m. Trọng lượng trước khi phóng không quá 510 kg. Trọng lượng đầu đạn khoảng 60 kg, loại đầu đạn nổ phân mảnh.

Tốc độ của tên lửa R-37M đạt 6 Mach. Tốc độ bay tối đa của các mục tiêu bị tiêu diệt là 2500 km/h. Tầm bắn 200 km (theo các nguồn khác 300 km). Độ cao tiêu diệt mục tiêu tối đa lên tới 25000 m.

Loại tiêm kích Su-35S sẽ có thể mang từ hai đến bốn tên lửa R-37M. Với tầm bắn 200 km, R-37M vượt qua các loại vũ khí trang bị trên máy bay hiện đại, đặc biệt là tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM của Mỹ. Điều này sẽ cho phép Nga chiếm rất nhiều lợi thế trong cuộc chiến chiếm ưu thế trên không, ông Konstantin Makienko kết luận.

Nguyễn Đông

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-35s-cua-nga-lan-dau-tien-phong-ten-lua-r-37m-3420184/