Su-35, S-400 sẽ được Nga 'đại hạ giá' sau khi bị F-35I qua mặt?

Tư lệnh Không quân Israel mới đây đã công bố việc tiêm kích tàng hình F-35I Adir tham chiến và tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Syria, cho thấy năng lực rất đáng gờm của nó.

Sự kiện chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35I Adir được xác nhận đã tham gia các chiến dịch quân sự của Không quân Israel (IAF) là một trong các thông tin mang lại nhiều sự chú ý nhất trong những ngày qua.

Điều đáng nói ở đây đó là phải đến khi chính Israel công bố thì truyền thông quốc tế mới biết rằng F-35I đã thực chiến.

Còn trước đó toàn bộ hệ thống phòng không của cả Nga, Syria lẫn Iran đều chẳng đưa ra được dấu hiệu nào chứng minh điều ngược lại.

Thậm chí hồi tháng 3, khi hãng thông tấn Al-Jarida của Kuwait thông báo F-35I đã bí mật thực hiện chuyến bay trinh sát xuyên lãnh thổ 3 quốc gia Syria, Iraq.

Chiếc F-35I khi đó đã quần thảo trên bầu trời các địa điểm tình nghi là cơ sở hạt nhân của Iran, tuy nhiên Nga vẫn một mực khẳng định rằng đây chỉ là thông tin bịa đặt.

Ngoài sự kiện trên, vụ tấn công bằng bom GBU-39 SDB II diễn ra vào ngày 29/4 cũng đã được nhận định gần như chắc chắn 100% là "tác phẩm" của F-35I Adir.

Mới đây, IAF đã công bố bức ảnh chiếc F-35I của họ hoạt động ngay trên bầu trời thủ đô Beirut của Lebanon trong khi vẫn đeo thiết bị làm tăng diện tích phản xạ radar trên lưng.

Tuy nhiên vẫn chẳng có tuyên bố nào được người Nga đưa ra cho thấy họ đã phát hiện được nó.

Đây là điều bất thường vì sau khi hàng loạt tổ hợp phòng không của Syria bị Không quân Israel phá hủy thì Nga rất cần một hành động có thể phô trương thanh thế như lần họ công bố dữ liệu radar về đường bay của tiêm kích Israel ngay từ khi chúng mới cất cánh.

Liên kết các dữ kiện trên lại với nhau thì rất có thể ý kiến cho rằng thực chất các đài radar cảnh giới của tổ hợp S-400, S-300V4 mà Nga triển khai trên lãnh thổ Syria đã hoàn toàn bất lực trước chiếc chiến đấu cơ tàng hình của Israel là chính xác.

Như vậy tính năng thực tế của S-400 lại tiếp tục bị đặt một câu hỏi lớn vì kể từ khi có mặt tại Syria đến nay vai trò của nó chẳng khác gì một vật trưng bày.

S-400 chưa từng phóng một quả đạn đánh chặn nào để tiêu diệt mục tiêu bay của đối phương, nó cũng chẳng thể đưa ra cảnh báo sớm cho quân đội Syria hay thậm chí là chính người Nga trước các mối đe dọa.

S-400 với đài radar công suất lớn và có kích thước "siêu khủng" còn bị vô hiệu hóa dễ dàng bởi F-35I.

Cho nên chẳng có gì bảo đảm rằng radar N035 Irbis lắp trên Su-35 với tính năng kỹ chiến thuật kém hơn nhiều lại đủ sức đối phó với chiếc tiêm kích thế hệ 5 của Israel.

Một lần lại phải nhắc rằng trong các quảng cáo của Moskva, S-400 và Su-35 được mô tả như những siêu vũ khí đủ sức đối đầu tất cả những loại máy bay tốt nhất của Mỹ gồm F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

Nhờ vậy mà chúng đang "đắt như tôm tươi" cho dù mức giá chẳng hề rẻ (400 triệu USD cho S-400 và 85 triệu USD cho Su-35).

Nhưng với màn thể hiện nghèo nàn vừa qua, triển vọng xuất khẩu của Su-35 cùng S-400 đang có nguy cơ bị đổi chiều và thậm chí còn trở nên ế ẩm.

Trong tương lai ngắn hạn, nhiều khả năng Moskva sẽ phải đưa ra chính sách kích cầu bằng cách "đại hạ giá" hai vũ khí này.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-su35-s400-se-duoc-nga-dai-ha-gia-sau-khi-bi-f35i-qua-mat/769102.antd