Su-35 bỏ xa F-22 ở nhiều chỉ số

Theo Sputnik, dù là chiến đấu cơ thế hệ 4++ nhưng nhiều chỉ số của Su-35 được đánh giá vượt trội trước tiêm kích thế hệ 5 F-22 của Mỹ.

Tuy nhiên, để có được một số tính năng nhỉnh hơn F-22, nhà sản xuất Nga phải tiến hành một vài thay đổi trên dòng chiến đấu cơ siêu cơ động này. Trong đó, chủ yếu là gói nâng cấp thiết bị điện tử. Cụ thể, hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N035 Irbis-E.

Sau khi nâng cấp, tiêm kích Su-35 có khả năng bám bắt 30 mục tiêu ở khoảng cách 400 km, đồng thời khai hỏa diệt 8 mục tiêu cùng lúc. Một đại diện của Không quân Nga cho biết, gói nâng cấp này khiến cho Su-35 có những năng lực hơn hẳn tiêm kích thế hệ 5 F-22 của Không quân Mỹ.

Tiêm kích Su-35.

Theo những thông tin được công khai, radar PESA (Passive Electronically Scanned Array - Radar quét mảng pha điện tử thụ động) gồm có một nguồn tín hiệu phát sóng ở tần số duy nhất, sau đó năng lượng được truyền đến các yếu tố phát ra khác nhau ở mặt trước của ăng ten.

Hệ thống radar PESA làm việc bằng cách kết nối một ăng ten với máy phát vô tuyến rất mạnh để phát một xung ngắn của tín hiệu. Các ăng ten này được kết nối với máy thu có độ nhạy cao để khuếch đại tín hiệu dội lại từ mục tiêu.

Ưu điểm hàng đầu của radar PESA là có thể giám sát một khu vực rộng lớn hơn nhiều so với radar quét cơ khí truyền thống. Bộ vi xử lý của radar PESA liên tục tạo ra các búp sóng phụ, cho phép theo dõi trong khi đang quét.

Nó còn tập trung được một chùm tia nhỏ vào mục tiêu nhất định để dẫn đường cho tên lửa sử dụng radar bán chủ động công kích. Một ưu điểm khác của radar PESA là phạm vi tìm kiếm tương đối xa, số lượng mục tiêu phát hiện được cùng lúc tương đối nhiều. Bên cạnh đó, radar PESA khá đơn giản trong chế tạo và sử dụng.

Trước khi Su-35 được nâng cấp hệ thống radar, hệ thống radar PESA đầu tiên trên thế giới là Zalson có phạm vi tìm kiếm mục tiêu lên tới 400 km hiện đang được Nga trang bị cho tiêm kích đánh chặn MiG-31.

Với việc được nâng cấp hệ thống radar PESA, tiêm kích Su-35 có tầm quan sát gần gấp đôi hệ thống radar AESA AN/APG-77 trên tiêm kích F-22 của Không quân Mỹ hiện nay - có tầm hoạt động hiệu quả chỉ từ 200 - 250 km.

Tiêm kích F-22.

Trong khi người Mỹ luôn tin rằng, tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 Raptor là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới hiện nay nhưng tạp chí quốc phòng National Interest của Mỹ khẳng định, người Nga sở hữu Su-35 vượt trội hơn so với F-22 của Mỹ.

Tờ báo Mỹ cho biết, đến nay hầu hết người Mỹ vẫn tin rằng F-22 là một cỗ máy hiện đại, ưu việt nhất thế giới và điều này cho thấy người Mỹ quá ảo tưởng. Chiếc máy bay hiện đại F-22 của Mỹ tồn tại một số nhược điểm chết người, trong đó phải kể đến khả năng mù trong vùng sóng hồng ngoại.

Theo đó, những đối thủ chính của F-22 đã có đầy đủ cảm biến dò tìm và theo dõi trong vùng sóng hồng ngoại có nghĩa là cho phép phát hiện mục tiêu nhờ tín hiệu nhiệt.

Ngoài ra, tiêm kích F-22 cũng không có trạm radar phụ, điều này có nghĩa là sau khi khởi động tên lửa không thể câp nhật những dữ liệu mới. Do thiếu trạm radar này nên khi máy bay thay đổi góc quay có thể mất khả năng định vị mục tiêu.

Chính vì vậy, dù là dòng tiêm kích thế hệ 5 nhưng F-22 không được đánh giá cao khi so sánh với chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35 của Không quân Nga.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-35-bo-xa-f-22-o-nhieu-chi-so-3371039/