Su-30SM2 mang sức mạnh của Su-35 khi có khách hàng lớn

Nga quyết định tăng sức mạnh cho tiêm kích Su-30SM2 bằng động cơ AL-41F-1S - cặp động cơ giúp máy bay tăng tốc mà không cần bật chế đột đốt sau.

Phi công thử nghiệm danh dự, Đại tá Igor Malikov cho biết, phiên bản mới Su-30SM2 được trang bị động cơ phản lực vector đa hướng AL-41F-1S mới sẽ chính thức cất cánh vào cuối năm 2020.

"Loại động cơ mạnh hơn vốn được trang bị cho Su-35 sẽ cho lực đẩy dự trữ lớn hơn. Điều này có nghĩa là số lượng đạn dược và thiết bị mà máy bay có thể mang theo sẽ tăng lên. Vector phản lực đa hướng tạo ra cho máy bay khả năng không chiến cơ động", Đại tá Igor Malikov cho biết.

Tiêm kích Su-30SM Nga hộ tống máy bay Tu-160.

Tiêm kích Su-30SM Nga hộ tống máy bay Tu-160.

Khi máy bay chiến đấu nhanh chóng thay đổi vị trí, các thiết bị cần đảm bảo theo dõi được chuyển động của mục tiêu một cách nhuần nhuyễn, còn phi công thì phải có khả năng sử dụng tên lửa không-đối-không tấn công mục tiêu. Ngoài ra, Su-30SM2 còn được nâng cấp hệ thống quang học, radar và hệ thống quan sát.

Vị đại tá Nga cho biết, AL-41F-1S là động cơ tua bin hai trục mô-đun với bộ điều khiển vectơ lực đẩy và điều khiển kỹ thuật số tích hợp cung cấp một lực đẩy sau khi đốt cháy đầy đủ lên tới 14000 kgf.

Với cặp động cơ mới giúp cho Su-30SM2 có thể đạt tốc siêu âm mà không cần bật chế độ đốt sau. Đặc biệt, nhờ sở hữu những đặc tính kỹ thuật cực hiện đại kết hợp với cặp động cơ mới, Su-30SM2 có thể tránh được đòn tấn công bằng tên lửa của đối phương.

Một trong những đặc tính sống còn của Su-30SM2 là chủ động né tránh được tên lửa bắn từ phía sau máy bay. Và chắc chắn rằng dòng tiêm kích này sẽ không bị trúng tên lửa bắn từ phía sau như trường hợp máy bay Su-24 của Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi tháng 11/2015 ở Syria.

"Tăng lực, sau đó chuyển sang chế độ nhào lộn và máy bay ngóc đầu lên lộn vòng 360 độ, trở lại vị trí ban đầu. Trong thời gian đó tên lửa đã vọt qua phía dưới và bay đi mất dạng", phi công Nga tiết lộ.

Ông cũng nói thêm rằng tên lửa không-đối-không không đủ năng lượng để có thể vòng trở lại tấn công máy bay lần nữa. Bản chất của chiêu tránh tên lửa của Su-30SM2 thực chất là khả năng "không chiến quần vòng" mà dòng chiến đấu cơ từng thực hiện thành công nhiều lần trong diễn tập.

Động tác này được nâng lên tầm cao mới khi chiếc Su-30SM được trang bị cặp động cơ AL-41F-1S. Phiên bản Su-30 mới này có thể né tránh các dòng tên lửa không đối không dẫn đường bán chủ động bằng radar nhờ khả năng tác chiến điện tử tự thân.

Ngoài ra, nhờ khả năng cơ động trên không với cặp động cơ mới, Su-30SM2 có thể tạo các đường bay phức tạp làm tên lửa đối phương mất mục tiêu. Đây là những khả năng đặc biệt Su-30SM2 có thể làm được so với các đối thủ cùng thế hệ.

Nguồn tin quân sự Nga cho biết, Su-30SM2 là phiên bản được Nga ưu tiên để xuất khẩu và được giới thiệu tại sự kiện Army 2020 vừa qua. Chính những tính năng tối tân của Su-30SM2 đã khiến nhiều khách hàng muốn móc hầu bao trang bị.

Theo nguồn tin này, khách hàng muốn mua Su-30SM2 với số lượng lớn nhất là Iran với số lượng khoảng vài chục chiếc. Cùng với đó một số quốc gia tại châu Phi, Nam Mỹ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến phiên bản mạnh nhất của Su-30 khi tham dự Army 2020.

Được biết, Iran từng nói đến kế hoạch mua Su-30 của Nga từ năm 2016 để nâng cao khả năng chiến đấu cho lực lượng Không quân vốn đang dựa vào số lượng lớn máy bay cũ do Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc chế tạo.

"Iran cần một trong các phiên bản cao cấp nhất của Su-30, tương tự hoặc mạnh hơn các phiên bản Su-30 biên chế trong không quân Ấn Độ, Malaysia, Algeria và Nga", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan tuyên bố.

Tại thời điểm năm 2016, dù 2 bên đã tiến hành một số cuộc đàm phán nhưng việc ký hợp đồng chính thức vẫn chưa thể thực hiện do còn một số vướng mắc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, với sự ra đời của phiên bản Su-30SM2, rất có thể Iran sẽ là khách hàng đầu tiên.

Theo Hòa Bình/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/su-30sm2-mang-suc-manh-cua-su-35-khi-co-khach-hang-lon/20200915101939634