Su-30SM rơi xuống biển, Ka-52 lao xuống đất, 'tuần lễ tử thần' của Nga tại Syria

Chỉ vỏn vẹn chưa đầy một tuần lễ, Nga đã mất đi hai khí tài hiện đại là máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM và trực thăng tấn công hiện đại Ka-52, cùng với đó là 4 phi công cừ khôi đã thiệt mạng.

Không thể phủ nhận sức mạnh của không quân Nga khi tham chiến tại chiến trường Syria. Họ đã lột xác hoàn toàn với sức chiến đấu gây kinh hoàng cho phiến quân Syria cũng như sự ngạc nhiên cho phương Tây.

Không quân Nga đã thực sự lớn mạnh, họ không còn là cái bóng ngày nào của không quân Liên Xô.

Đưa sang Syria, ngoài những phi công chiến đấu tài ba, Nga còn triển khai hàng loạt khí tài hạng nặng bao gồm các loại trực thăng tấn công mới nhất và chiến đấu cơ hiện đại nhất của mình.

Giới chuyên gia cho rằng, ngoài mục đích tiêu diệt phiến quân, phô diễn sức mạnh trước phương Tây, Nga còn muốn nhân đây để quảng bá vũ khí của mình cho thị trường xuất khẩu.

Trong số những vũ khí được triển khai thì tiêm kích hạng nặng Su-30SM và trực thăng tấn công Ka-52 là hai trong số 4 vũ khí uy lực nhất của không quân Nga bên cạnh tiêm kích Su-35 và trực thăng Mi-28.

Nếu như Su-35 thể hiện xuất sắc nhiệm vụ trên chiến trường thì trực thăng Mi-28 lại không thành công như mong đợi.

Hai chiếc tự rơi do lỗi kỹ thuật đã khiến cho việc dùng Mi-28 để truy kích phiến quân phải giao cho trực thăng Ka-52 và cường kích Su-25 đảm nhận.

Gánh nặng phô diễn sức mạnh quảng bá và diệt phiến quân được Nga giao trọng trách cho Su-30SM và Ka-52.

Tuy vậy vận đen không quân Nga gặp phải những ngày qua liên quan đến hai khí tài được coi là con át chủ bài trên bầu trời Syria khiến không ít chuyên gia quân sự lo lắng.

Chỉ chưa đầy 1 tuần lễ Bộ Quốc phòng Nga phải nhận 2 đòn chí mạng, đó là 2 chiếc máy bay thuộc hàng "gia bảo" - những thứ vũ khí đỉnh cao gồm Su-30SM và Ka-52 bị rơi ở Syria.

Đau đớn cho người Nga ở chỗ là những sự cố này lại không đến từ các nguyên nhân do chiến đấu mà là tự rơi. Hoặc là "va phải chim", hoặc là lỗi kỹ thuật.

Và còn nghiệt ngã hơn đó là 4 phi công thuộc hàng tinh túy nhất của Không quân Nga đã thiệt mạng.

Không một phi công nào trong số 2 vụ việc được cho là tai nạn kể trên kịp nhảy dù, mặc cho những lời quảng cáo lan truyền bấy lâu nay là ghế phóng dù khẩn cấp của Nga trên tiêm kích Su-30SM, trên trực thăng tấn công Ka-52 đều là hàng tốt nhất.

Hiện chưa có thông tin chính xác về vụ tiêm kích Su-30SM của Nga lao xuống biển, nhưng nguyên nhân sơ bộ mà Không quân Nga cung cấp là máy bay gặp sự cố va phải chim, các phi công đã cố gắng cứu máy bay nên không kịp thoát nạn.

Còn với vụ trực thăng tấn công rơi thì nguyên nhân ban đầu cũng mới được nhận định là có thể do lỗi kỹ thuật, nhưng cũng như 2 phi công trên Su-30SM, tổ bay trên chiếc trực thăng tấn công "Cá sấu Mỹ - biệt danh của Ka-52" đầy uy lực đã thiệt mạng và thi thể của họ đã được tìm thấy, đưa về căn cứ sân bay Khmeimim - đầu não của Không quân Nga ở Syria.

Các sự cố nghiêm trọng liên tiếp xảy ra với Không quân Nga

Hình ảnh chiếc máy bay tiêm kích Su-30SM của không quân Nga sau khi lao xuống biển hôm 3-5 vừa qua.

Dù Nga phát đi thông báo "lỗi kỹ thuật" khiến Ka-52 đâm xuống đất nhưng đây đó vẫn có giả thiết cho rằng không loại trừ khả năng chiếc trực thăng tấn công này đã dính tên lửa phòng không vác vai của các nhóm phiên binh thánh chiến.

Chưa có kết luận chính xác về chiếc Ka-52 bị rơi, nhưng dù rơi vì lý do gì đi nữa thì việc Nga quảng bá dòng trực thăng duy nhất trên thế giới có ghế thoát hiểm này đã không cứu nổi phi công, ít nhiều sẽ gây tổn hại tới chiếc trực thăng tấn công mà Nga hy vọng sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ đạo này.

Nếu Ka-52 bị phiến quân bắn rơi bằng tên lửa vác vai thì chứng tỏ những quảng bá của Nga về hệ thống gây nhiễu và mỗi bẫy của chiếc máy bay này đã không còn an toàn.

Mặt khác cũng cho thấy Nga đang gặp phải vấn đề trong chiến đấu với nhóm phiến quân thánh chiến tại Syria.

Còn nếu rơi vì kỹ thuật thì điểm hạn chế của trực thăng Ka-52 sau quá trình hoạt động liên tục ở chiến trường đỏ lửa Syria đã dần bộc lộ.

Ka-52 là một trong những chiếc trực thăng tấn công mạnh mẽ nhất của Nga, nó cũng là dòng trực thăng tấn công hiện đại nhất thế giới được trang bị cánh quạt đồng trục và ghế thoát hiểm cho phi công, đây là tính năng mà chưa có dòng trực thăng nào trên thế giới có được.

K-52 là sản phẩm của hãng chế tạo trực thăng nổi tiếng Kamov, Nga.

Mẫu trực thăng này là biến thể nâng cấp từ Ka-50 với nhiều cải tiến quan trọng. Ka-52 được giới thiệu lần đầu vào tháng 12-2006, chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào tháng 6-1997.

Ka-52 được thiết kế với 2 phi công ngồi cạnh nhau tạo sự tương tác tốt hơn trong hoạt động chiến đấu.

Phần mũi trực thăng rộng hơn tạo thêm không gian cho các thiết bị điện tử mới.

Ngoài radar phía trên, Ka-52 còn lắp hệ thống cảm biến hiện đại phía bên dưới cho phép chiếc trực thăng này có thể tấn công mục tiêu bất kể ngày đêm.

"Cá sấu Ka-52" có buồng lái nhà kính hiện đại được trang bị 4 màn hình hiển thị đa chức năng SDM-66, thiết bị khuếch đại hình ảnh, thiết bị thu nhận tín hiệu GPS, phi công bên trái được trang bị thêm màn hình hiển thị HUD.

Ka-52 là trực thăng tấn công đầu tiên trên thế giới trang bị ghế phóng K-37-800M giúp phi công thoát ra ngoài trong trường hợp trực thăng bị trúng đạn hoặc gặp sự cố nghiêm trọng.

Cận cảnh chiếc ghế phóng K-37-800M trang bị trên trực thăng Ka-52. Rất tiếc chiếc ghế này đã không giúp hai phi công Nga thoát hiểm trong tai nạn hôm 7-5 vừa qua.

Ka-52 được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, chống tăng, chi viện hỏa lực hay tấn công các mục tiêu đường không ở tốc độ thấp trong mọi điều kiện thời tiết.

Ka-52 được vũ trang cực mạnh với 6 giá treo vũ khí hai bên hông.

Các giá phóng này có thể trang bị hỗn hợp vũ khí bao gồm: 6 tên lửa chống tăng bám chùm laser bán tự động Vikhr cùng 2 bệ phóng rocket không điều khiển B8V-20 80 mm.

Tên lửa Vikhr được trang bị đầu đạn liều đúp có thể xuyên giáp đến 900 mm sau giáp phản ứng nổ, tầm bắn 12 km.

Ngoài ra Ka-52 cũng có thể trang bị 4 tên lửa không đối không tầm ngắn Igla-V để đối phó với chiến đấu cơ của đối phương.

Một khẩu pháo tự động 2A42 30 mm gắn ở bên hông phải để tấn công bộ binh hoặc phá hủy xe cơ giới của địch.

Pháo có tầm bắn hiệu quả 1.500 m với các mục tiêu mặt đất, 2.500 m với các mục tiêu đường không.

Ka-52 được trang bị một loạt các hệ thống cảm biến hiện đại cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Cảm biến chính của trực thăng là hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại FLIR Samshit.

Hệ thống này bao gồm 1 hệ thống ngắm bắn quang-điện tử Shkval, máy do xa laser, camera hồng ngoại, thiết bị chỉ thị mục tiêu laser.

Cảm biến chính của trực thăng là hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại FLIR Samshit với phạm vi hoạt động khoảng 15km.

Ka-52 còn được trang bị một radar Phazotron FH-01 bước sóng milimet. Radar FH-01 có 2 ăng ten, 1 để xác định mục tiêu trên không, 1 để xác định mục tiêu trên mặt đất.

Tuy nhiên, radar này chỉ có phạm vi hoạt động giới hạn ở phía trước mũi trực thăng.

Ka-52 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử toàn diện với máy thu cảnh báo radar, laser, hệ thống gây nhiễu hồng ngoại-điện tử cùng 2 hệ thống phóng mồi bẫy UV-26.

Điểm vượt trội của Ka-52 so với các trực thăng tấn công khác là khả năng cơ động rất cao với thiết kế rotor đồng trục độc đáo.

Trực thăng này có thể bay lùi với tốc độ 130 km/h, bay ngang với tốc độ 100 km/h. Ka-52 được trang bị 2 động cơ VK-2500 công suất 2.400 mã lực/chiếc.

Hệ thống động lực này giúp trực thăng đạt tốc độ tối đa 370 km/h (nhanh nhất trong các trực thăng tấn công hiện nay), tốc độ hành trình 260 km/h, trần bay 5.500 m, tầm bay với tối đa nhiêu liệu khoảng 1.100 km

Mỗi phi công đều có thiết bị hiển thị mục tiêu trên mũ bay Topovl. Buồng lái Ka-52 còn được trang bị hệ thống định vị vô tuyến FAZOTRON, hệ thống dẫn đường-tấn công dành cho trực thăng NASH.

Ka-52 Alligator với thiết kế cánh quạt đồng trục độc đáo, hỏa lực cực mạnh, cảm biến tiên tiến, khả năng cơ động cao được đánh giá vào tốp đầu trong những dòng trực thăng mạnh mẽ nhất thế giới.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-su30sm-roi-xuong-bien-ka52-lao-xuong-dat-tuan-le-tu-than-cua-nga-tai-syria/766958.antd