Su-22 Việt Nam tiếp tục tung cánh bay bảo vệ bầu trời tổ quốc

Sáng 17-8-2018, Trung đoàn Không quân 937 - Sư đoàn 370 đã tổ chức ban bay cán bộ, đánh dấu sự kiện cường kích cánh cụp cánh xòe Su-22 được tiếp tục hoạt động sau tai nạn xảy ra với chiếc mang số hiệu 8551.

 Như tin đã đưa, hôm 26-7, một chiếc máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe Su-22UM3K số hiệu 8551 của Trung đoàn không quân 921 đã gặp nạn trong khi thực hiện chuyến bay huấn luyện tại Nghệ An.

Như tin đã đưa, hôm 26-7, một chiếc máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe Su-22UM3K số hiệu 8551 của Trung đoàn không quân 921 đã gặp nạn trong khi thực hiện chuyến bay huấn luyện tại Nghệ An.

Vụ tai nạn trên đã khiến cho 2 phi công dày dạn kinh nghiệm của Trung đoàn 921 hy sinh, đây là tổn thất rất lớn đối với Không quân cũng như Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.

Như một biện pháp bảo đảm an toàn, sau đó các máy bay Su-22 đã được lệnh tạm ngừng hoạt động để điều tra nguyên nhân tai nạn rồi mới được cất cánh trở lại.

Phải đến ngày 17-8-2018, Báo Phòng không - Không quân mới đưa tin về việc Trung đoàn 937 đã thực hiện thành công ban bay cán bộ trên máy bay Su-22M4, đánh dấu sự hoạt động trở lại của Su-22 sau gần 1 tháng.

Đúng 6 giờ 10 phút, chuyến bay trinh sát khí tượng do Thượng tá Lý Hải Lâm - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng và Trung tá Lê Hồng Long - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn hạ cánh an toàn xuống sân bay, mở đầu cho ban bay cán bộ của Trung đoàn.

Tiếp đó, từ 6 giờ 50 phút đến 9 giờ 10 phút, các chuyến bay liên tiếp cất cánh thực hiện nội dung bài bay theo kế hoạch.

Do làm tốt công tác chuẩn bị, ban bay đã hoàn thành thắng lợi với 15 lần chuyến, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Thành công của ban bay cán bộ góp phần củng cố niềm tin, xây dựng tinh thần quyết tâm để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 937 tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu năm 2018.

Việc cường kích cánh cụp cánh xòe Su-22 của Trung đoàn 937 - Sư đoàn 370 cất cánh trở lại đồng nghĩa với việc các trung đoàn khác trang bị Su-22 cũng đã hết lệnh đình chỉ bay.

Đây là điều rất cần thiết vì khi Su-22 tạm ngừng hoạt động thì việc bảo vệ bầu trời phải trông cậy hoàn toàn vào phi đội Su-27 và Su-30 vốn số lượng cũng không đông đảo.

Cần lưu ý rằng các máy bay cường kích Su-22 của Việt Nam ngoài nhiệm vụ cơ bản còn phải đảm nhiệm thêm vai trò tiêm kích phòng không tạm thay thế MiG-21 đã nghỉ hưu.

Trong tương lai không xa, có thể Không quân Việt Nam sẽ mua sắm một loại tiêm kích hạng nhẹ thế hệ mới để san sẻ bớt nhiệm vụ quá sức mà Su-22 đang phải thực thi.

Tuy nhiên trong ít nhất là 10 năm nữa, nhưng đôi cánh ma thuật này vẫn tiếp tục giữ vai trò xương sống trong thế trận của Không quân nhân dân Việt Nam.

Mặc dù đã trải qua nhiều năm sử dụng nhưng tất cả các máy bay chiến đấu Su-22 của Việt Nam đều được đánh giá vẫn đảm bảo toàn bộ các yêu cầu kỹ thuật.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-su22-viet-nam-tiep-tuc-tung-canh-bay-bao-ve-bau-troi-to-quoc/778856.antd