STV – Đài truyền hình thu nhỏ của sinh viên trường báo

Câu lạc bộ Truyền hình sinh viên STV – Mô hình một đài truyền hình thu nhỏ của những sinh viên Học viện Báo chí ưa thích truyền hình đã cho sinh viên có cơ hội được làm nghề trước khi ra trường.

Thầy Đinh Ngọc Sơn - Cha đẻ của STV, Học viện Báo chí & Tuyên truyền

Ngủ lại ở studio để làm việc

Thạc sỹ Đinh Ngọc Sơn – người sáng lập câu lạc bộ STV - Phó Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình – Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Cách đây hơn mười năm, điều kiện thực hành của sinh viên rất khó khăn, lúc đó nhà trường chỉ có một vài máy quay, giờ lên lớp thì ít mà lượng sinh viên thì nhiều do đó tạo ra một mâu thuẫn: học lí thuyết nhiều, thực hành không được bao nhiêu. Tôi nghĩ ra ý tưởng: Tại sao không thành lập ra một câu lạc bộ để ngoài giờ học chính quy ra, các bạn yêu nghề có một nơi để sản xuất ra chương trình, được quay phim, được dựng phim, được viết lời bình, được đọc, để có nơi các bạn được làm nghề? Như vậy, khởi đầu của STV là một ý tưởng thầy mong muốn rằng sinh viên phải được làm nghề nhiều hơn khi học nghề báo. STV bắt đầu bằng sự ham học của các bạn sinh viên chứ không mang tính bắt buộc.”

Những ngày mới thành lập, thầy Sơn đã cùng các sinh viên trong câu lạc bộ trải qua nhiều khó khăn và có những kỉ niệm vô cùng đáng nhớ. Thầy tâm sự: “Kỉ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là khi chúng tôi kí hợp đồng sản xuất chương trình với VTV6 - giai đoạn VTV6 mới ra đời có chương trình “Thế hệ tôi”. Khi đã nhận chương trình phát sóng có nghĩa là phải sản xuất để đúng giờ nộp băng. Khi người ta kiểm tra hoặc đánh giá các lỗi sẽ yêu cầu mình sửa lại, sau khi sửa tiếp tục nộp sẽ tạo áp lực về mặt thời gian.

Một kỉ niệm thầy nhớ nhất là những buổi trưa, buổi tối, thầy trò thường xuyên ăn bánh mỳ ở trên studio. Có những đêm thầy trò phải ngủ lại ở studio để đảm bảo hôm sau có chương trình nộp phát sóng. Đấy là những thế hệ sinh viên đã làm việc thực sự nghiêm túc và rất yêu nghề. Gần như những bạn đó đến nay đều đứng vững khi làm nghề. STV là nơi sinh ra không phải để lấy thành tích báo cáo mà thực chất là nơi để cho sinh viên có cơ hội va chạm với nghề, được tổ chức sản xuất, được chủ động đưa ra những ý tưởng. Các bạn trong câu lạc bộ đã liên tục đưa ra các format chương trình và chạy thử nó. Đến khi format ổn định các bạn đưa vào sản xuất và tạo ra các ê-kíp sản xuất. Kết quả lớn nhất của STV là đã để cho các sinh viên được trải nghiệm một quy trình sản xuất và chính các bạn đã tạo ra những sản phẩm từ những quy trình đó và đó là cái thành công nhất. Từ quy trình sản xuất đó, các bạn biết được áp lực sản xuất của truyền hình là gì? Và dần dần các bạn biết đánh giá một sản phẩm truyền hình.”

Các thành viên trong câu lạc bộ STV cùng nhau quay series hài "Cười cùng Vô Va"

Môi trường tốt để trải nghiệm

Bạn Vũ Đức Nhật – Chủ nhiệm câu lạc bộ STV - Sinh viên khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Hoạt động chủ yếu của câu lạc bộ là sản xuất các sản phẩm truyền hình theo phong cách sinh viên. Chúng tôi làm những bản tin, những phóng sự, những clip hài, những ấn phẩm truyền thông. Đây là môi trường rất tốt giúp cho các bạn học chuyên ngành truyền hình có thể sử dụng các kĩ năng được học trên lớp để làm những sản phẩm đầu tiên. Đây là môi trường giúp các bạn va vấp, trải nghiệm với nghề truyền hình trước khi các bạn bước vào các môi trường chuyên nghiệp. Tuy là câu lạc bộ Truyền hình sinh viên nhưng những bản tin, phóng sự chúng tôi làm cũng trải qua những công đoạn giống như của một đài truyền hình thực thụ.

Câu lạc bộ đã liên kết với các kênh truyền hình, trang tin tức để mở rộng hoạt động. Trước đây, câu lạc bộ có hợp tác với kênh VTV6, kênh truyền hình tương tác VTV lite để sản xuất các seri hài, clip giải trí, câu lạc bộ cũng hợp tác với công ty Mgif (trang tin về địa chỉ vui chơi ăn uống ở Việt Nam). Câu lạc bộ có sản xuất những clip, phóng sự về du lịch, ẩm thực, trải nghiệm và được phát sóng trên VTC và báo Lao động...

“Năm nay, để thu hút tân sinh viên, chúng tôi đã đặt những photobooth (khung chụp ảnh) để các bạn check in, sẽ sớm tổ chức buổi tuyển thành viên khóa mới. Câu lạc bộ cũng sẽ có kế hoạch truyền thông cho đợt tuyển thành viên, đó là bộ ảnh của câu lạc bộ, clip giới thiệu câu lạc bộ. Khoa Phát thanh – Truyền hình có hỗ trợ kinh phí cho câu lạc bộ để duy trì hoạt động hàng tháng. Ngoài ra cũng có những nguồn thu khác từ những bên câu lạc bộ hợp tác. Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng mạnh hoạt động đối ngoại của STV để mở rộng hợp tác, không chỉ với Đài truyền hình, với các báo mà còn hướng tới hợp tác với doanh nghiệp, nhãn hàng để đưa câu lạc bộ mở rộng hơn cũng như tạo một nguồn thu cho câu lạc bộ để tạo điều kiện cho các thành viên tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa”, Chủ nhiệm câu lạc bộ STV nói.

Thành viên của STV tác nghiệp

Câu lạc bộ đã giúp bạn Nhật cũng như các bạn sinh viên khác yêu thích truyền hình có nhiều cơ hội học hỏi lẫn nhau, làm quen với nghề, Vũ Nhật tâm sự: “Có thể nói, STV là cái nôi nghề cho các bạn sinh viên đam mê truyền hình. Bản thân mình từ việc tham gia câu lạc bộ ngay từ năm nhất đã giúp trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản về sản xuất truyền hình. Nếu mình không tham gia câu lạc bộ thì những kỹ năng ấy không thể có ngay được khi chỉ nhờ vào việc học trên lớp. Mình được trực tiếp tham gia vào một tòa soạn thu nhỏ, từ đó tạo cho mình một sức ép, cho mình làm quen được với môi trường làm việc sau này. Khi tham gia STV, mình có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều anh chị khóa trước truyền đạt lại những kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra các anh chị còn giúp giới thiệu câu lạc bộ với các đơn vị hợp tác và giới thiệu những thành viên xuất sắc của câu lạc bộ vào những đơn vị các anh chị đang công tác. Câu lạc bộ đã cho mình một mái nhà với những người bạn cùng niềm đam mê, cùng chí hướng.”

Khi có một môi trường để đưa những lí thuyết trên lớp vào thực hành như câu lạc bộ STV, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khi tham gia câu lạc bộ chắc chắn đã được tiếp thêm tự tin và kỹ năng để khi bước ra khỏi cánh cổng trường sẽ có cơ hội làm được nghề mà mình theo đuổi.

Một số thành tích nổi bật của STV có thể kể đến như: Giải Nhì “Giải Báo chí Sóng trẻ năm 2016” (cuộc thi do khoa Phát thanh – Truyền hình nhà trường tổ chức); Giải Nhất “Giải Báo chí Sóng trẻ năm 2017”. Các thành viên trong câu lạc bộ có những giải thưởng từ các cuộc thi như: Đoạt hai giải đặc biệt của cuộc thi “Tuyên truyền về an toàn lao động cho trẻ em tuổi vị thành niên” của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam ILO tổ chức, trong đó một sản phẩm của thành viên câu lạc bộ đã được đại diện cho Việt Nam thi quốc tế và cũng đã đoạt giải thưởng.”

Lường Thị Xuyến

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/stv-dai-truyen-hinh-thu-nho-cua-sinh-vien-truong-bao-47886