Steve Jobs là chất keo gắn kết nhà thiết kế Jony Ive với Apple

Nhà thiết kế Jony Ive gắn bó với Apple suốt 27 năm. Và người tạo nguồn cảm hứng, khơi gợi nhiệt huyết cho ông chính là Steve Jobs.

Jonathan Ive sinh ngày 27/2/1967 tại Chingford, ngoại ô London (Anh). Khi còn là sinh viên đại học, ông đã linh cảm về ngày mà mình có thể thiết kế một chiếc Macintosh. "Tôi đã phát hiện ra Mac và cảm thấy mình có một sợi dây kết nối với những người đã tạo ra sản phẩm này... Tôi thấy mình hiểu được công ty thế nào, hay nó nên trở thành gì", Jony Ive hồi tưởng. Ảnh: Business Insider.

Jonathan Ive sinh ngày 27/2/1967 tại Chingford, ngoại ô London (Anh). Khi còn là sinh viên đại học, ông đã linh cảm về ngày mà mình có thể thiết kế một chiếc Macintosh. "Tôi đã phát hiện ra Mac và cảm thấy mình có một sợi dây kết nối với những người đã tạo ra sản phẩm này... Tôi thấy mình hiểu được công ty thế nào, hay nó nên trở thành gì", Jony Ive hồi tưởng. Ảnh: Business Insider.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Ive bắt đầu công việc thiết kế với Tangerine, từ đó có một hợp đồng tư vấn với Apple. Năm 1992, Apple đã mời ông về làm việc tại bộ phận thiết kế của công ty. Năm 1996, Ive trở thành trưởng nhóm thiết kế của Apple. Nhưng ông nhận định đây là khoảng thời gian ông bị lãng phí tài năng, bởi công ty đã quá tập trung vào lợi nhuận thay vì hoàn thiện sản phẩm. "Tất cả những gì họ muốn từ nhóm của tôi là thiết kế lại các thiết bị đã tồn tại ngoài thị trường với mức chi phí rẻ nhất có thể. Tôi muốn bỏ việc", Ive tâm sự về những ngày đầu ở Apple. Ảnh: Business Insider.

Năm 1997, khi Ive đang chuẩn bị bỏ việc thì Steve Jobs trở về Apple làm CEO thay Gil Amelio (bên trái). Jobs nhanh chóng nhận ra tài năng của Ive. Ảnh: Reuters.

Theo cuốn Steve Jobs của Walter Isaacson, Jobs và Ive thường xuyên đi ăn trưa với nhau, Jobs cũng ghé qua phòng Ive cuối giờ làm hàng ngày. "Jony như một người thân trong gia đình chúng tôi. Steve có thể thay thế bất kỳ ai, trừ Jony", Laurene Powell, vợ của Jobs, mô tả tình bạn của họ. Jobs và Ive chia sẻ những triết lý thiết kế tương tự nhau, coi sự đơn giản là nét tinh tế tối thượng.

Cú hích đầu tiên từ Jobs và Ive là iMac thế hệ đầu, ra mắt năm 1998. Ive muốn người dùng cảm nhận một cỗ máy vượt thời đại và bắt mắt. Máy tính có vỏ nhựa trong mờ, giúp người dùng nhìn thấy bảng mạch bên trong. Jobs nhấn mạnh mọi thứ đều được thiết kế tinh tế từ trong ra ngoài. Ảnh: Walter Isaacson.

Họ còn làm một tay cầm ở đuôi màn hình để hỗ trợ di chuyển, mặc dù không phải ai cũng muốn mang máy đi khắp nơi. "Bộ phận đó làm tăng sự kết nối giữa người dùng và cỗ máy. Ở Apple cũ, suy nghĩ này của tôi sẽ bị loại bỏ. Tôi không giải thích nhiều, nhưng Steve có thể cảm nhận được và đồng tình", Ive kể với Isaacson. Ảnh: Walter Isaacson.

Jobs và Ive thích thử nghiệm những vật liệu khác nhau cho các thiết bị. PowerBook G3 của Apple được làm bằng nhựa nhưng PowerBook G4 sử dụng titan bóng bảy. Hai năm sau đó, họ lại chuyển sang nhôm ở phiên bản tiếp theo. Ảnh: Wikipedia.

Có một thời gian, Jobs và Ive bị mê hoặc bởi công nghệ anod nhôm và đã áp dụng nó cho iMac, iPod Nano và sau đó là iPhone. Với công nghệ này, nhà sản xuất nhúng nhôm vào bể hóa chất để biến đổi bề mặt chúng thành các màu sắc khác nhau. Vì không đủ thành phẩm, Apple đã xây thêm nhà máy tại Trung Quốc để cung ứng nguyên liệu này với sự giám sát trực tiếp của Ive. Ảnh: Apple.

"Một trong những điều cốt lõi trong cách làm việc của chúng tôi là sự quan tâm tới quy trình làm việc. Bạn không thể chỉ đưa bản thiết kế cho nhân viên và mong đợi sản phẩm cuối sẽ tốt. Tôi học được từ các nhà thiết kế thời trang là phải luôn có mặt trong tất cả các khâu và tôi cũng đã bỏ nhiều tháng trực tiếp giám sát quá trình sản xuất sản phẩm", Ive nói với tờ Vogue năm 2018. Ảnh: Vogue.

Theo New Yorker, Laurene Powell chia sẻ rằng chồng cô và Jony làm việc rất ăn ý vì Ive đã tạo ra những sản phẩm truyền tải cảm giác "trân trọng". Ảnh: Business Insider.

Jobs và Ive có chung quan điểm về thiết kế của iPod, máy nghe nhạc cầm tay ra mắt năm 2001 của Apple. Ive cho rằng iPod nên có màu trắng tinh khiết và có phần lưng là kim loại. Toàn bộ chiếc máy, kể cả tai nghe lẫn nguồn sạc đều sử dụng màu trắng. Ý tưởng đó được Jobs đồng tình ngay lập tức. Ảnh: Business Insider.

Jobs và Ive đều là người cầu toàn. Họ thậm chí còn chăm chút kĩ càng cho bao bì sản phẩm của Apple. "Tôi thích cảm giác đập hộp một thứ gì đó. Ta có thể làm cho việc này mang tính chất nghi thức hơn, làm tăng sự đặc biệt của sản phẩm. Ngay cả việc đóng mở bao bì cũng có thể tạo nên một câu chuyện thú vị cho người dùng", Ive chia sẻ. Ảnh: Business Insider.

Cả hai đã liên tục tìm cách cải tiến các sản phẩm của Apple. Ngay trước khi iPad đầu tiên ra mắt, Jobs đã có ý tưởng cho phiên bản sau của thiết bị này. Ông đã đưa cho Ive tài liệu về nam châm, cho rằng họ có thể sử dụng nó để kết nối một cái vỏ bọc có thể tháo rời với thiết bị, khi mở ra có thể bật máy. Ý tưởng này cũng đã trở thành hiện thực. Ảnh: Business Insider.

Đôi khi việc đặt thiết kế lên hàng đầu của họ cũng phản tác dụng, như việc Jobs và Ive đòi sử dụng một miếng nhôm mỏng ở các cạnh của chiếc iPhone 4, bỏ qua sự lo ngại của các kĩ sư khác cho rằng nó sẽ làm nhiễu sóng thiết bị. Và rồi họ đã tạo nên cú phốt Antennagate vì chiếc máy này gặp lỗi về thu phát sóng. Ảnh: Flickr.

Làm việc với Job, người nổi tiếng có tính cách thất thường là điều không hề dễ dàng. Ông là người đưa ra quyết định rất nhanh, hay phủ định các ý tưởng của các nhà thiết kế. Ive tâm sự với Isaacson rằng ông nhiều lúc phải nhún mình để đảm bảo những ý tưởng tốt nhất có cơ hội được sử dụng. Ảnh: Business Insider.

Jony Ive đã từng phải cẩn thận khi thể hiện ý tưởng sử dụng các thao tác cử chỉ dựa trên cảm ứng đa điểm với Jobs. Ảnh: Business Insider.

Mối quan hệ của họ không hoàn hảo. Đôi khi Ive không đáp ứng được kỳ vọng thiết kế của Jobs, hay có những lúc Jobs chi tiền cho những thứ mà Ive không thấy xứng đáng. Dù vậy, theo The Times, Ive cho rằng công việc của ông và Apple sẽ chẳng đi tới đâu nếu không có Jobs. "Anh ấy rất thông minh với những ý tưởng lớn và táo bạo", Ive nhận định. Ảnh: Business Insider.

Một trong những sự hợp tác cuối cùng của Jobs và Ive là Công viên Apple, khuôn viên mới của công ty khai trương vào năm 2017 ở California. Tòa nhà 4 tầng, rộng 3 triệu m2 này có thể chứa hơn 12.000 nhân viên và có hơn 6.000 cây xanh. Ảnh: Business Insider.

Công viên Apple thể hiện rất nhiều ý tưởng thẩm mỹ của bộ đôi Jobs và Ive. Ví dụ, tòa nhà có các tấm kính nối liền từ sàn tới trần, không một mảnh kính nào thẳng. Chúng đều cong và kết hợp với nhau để trông hoàn toàn liền mạch, thuần khiết. Ảnh: The Guardian.

Trụ sở Apple có hình dạng như một vòng tròn đơn giản, nhưng lại có kết cấu bên trong phức tạp. Công viên này cũng tự tạo nguồn năng lượng riêng, nhờ các tấm pin mặt trời lót trên mái nhà. Nó nằm trên 700 đĩa thép không gỉ khổng lồ, nhằm bảo vệ nền móng của tòa nhà tránh khỏi các thảm họa của tự nhiên như động đất. Jobs và Ive quan tâm tới việc xây dựng một công trình có thể tồn tại qua nhiều thế hệ. Ảnh: Business Insider.

Sau khi Jobs qua đời vào năm 2011 vì bệnh ung thư, sự kết hợp của bộ đôi này không còn nữa. Mặc dù vẫn ở lại Apple, nhưng sự nhiệt tình của Jony đã giảm. Theo Bloomberg, là "giám đốc thiết kế" nhưng Ive chỉ có mặt tại công ty 2 lần một tuần. Ảnh: Bloomberg.

Trong 4 năm qua, Ive dành nhiều thời gian để đi du lịch, làm việc với các nhà thiết kế trong các dự án đấu giá từ thiện. Bloomberg cho biết ông "thỉnh thoảng" bỏ lỡ các sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple. Ảnh: Bloomberg.

Cuối tháng 6, Apple tuyên bố Ive sẽ rời khỏi đây để thành lập một công ty mới mang tên LoveForm, trong đó Apple sẽ là một trong những khách hàng đầu tiên. Ive cho biết tên công ty được lấy cảm hứng từ Jobs. Ảnh: Financial Times.

Jony Ive và Steve Jobs không còn ở Apple, nhưng ảnh hưởng của họ sẽ còn mãi với công ty. Ảnh: Reuters.

Tuấn Anh Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/steve-jobs-la-chat-keo-gan-ket-nha-thiet-ke-jony-ive-voi-apple-post965333.html