Startup Việt Nam hãy mạnh dạn vươn ra thị trường quốc tế

'Startup Việt Nam nếu quen môi trường ở nước ngoài thì sản phẩm của họ sẽ vươn lên vị trí số 1 rất nhanh' - ông Tuấn Hà, CEO Vinalink và Công ty Cổ phần Tiếp thị và Truyền thông VAG (VAG Media) khẳng định tại hội thảo 'Vietnam Startups Go Global' nhằm chia sẻ những bí quyết tạo ra tăng trưởng đột phá và vươn ra thị trường quốc tế dành cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Hội thảo do Câu lạc bộ iMentor - hệ sinh thái khởi nghiệp EMI, VAG Media tổ chức, cùng với nhà tài trợ chính là Công ty cổ phần Tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel). Đây là một trong những nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Chương trình có sự tham gia của gần 100 chủ doanh nghiệp và đại diện của các startup trong nước.

Kiên trì theo đuổi mục tiêu

Startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, góp phần đưa nền kinh tế đất nước vươn tầm thế giới. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chứng kiến làn sóng phát triển mạnh mẽ của những công ty khởi nghiệp sáng tạo. Với những ý tưởng kinh doanh độc đáo, cùng năng lực cạnh tranh cải thiện rõ rệt, rất nhiều startup đã không dừng lại ở việc phát triển trong nước, mà còn định hướng doanh nghiệp của mình hoạt động trên thị trường quốc tế hay nói cách khác là “go global”. Tuy nhiên, xây dựng một startup đã khó, đưa startup trở thành một doanh nghiệp toàn cầu lại càng khó hơn.

Ông Tuấn Hà, CEO Vinalink và VAG Media chia sẻ tại hội thảo

Ông Tuấn Hà, CEO Vinalink và VAG Media chia sẻ tại hội thảo

Là một startup thành lập năm 2016, đến nay đã có mặt tại Việt Nam, Indonesia, Singapore và được đánh giá là nhà cung cấp nền tảng tiếp thị liên kết (Affiliate) hàng đầu Đông Nam Á, bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc phát triển kinh doanh Ecomobi cho biết, để đầu tư ra nước ngoài, việc đầu tiên, DN phải tìm hiểu về thị trường đó. Chúng tôi đã quyết định chọn Indonesia để đầu tư ngay từ thời điểm sáng lập công ty vì các chỉ số đều cho thấy thuận lợi như đông dân, phát triển công nghệ, người dân có thói quen online…

Vì vậy, Indonesia thường được coi là thị trường chủ chốt cho các công ty công nghệ trước khi vươn ra toàn khu vực. “Tuy nhiên, khi trực tiếp đầu tư, chúng tôi mới nhận thấy có rất nhiều khó khăn, đó là sự khác biệt về văn hóa, cách suy nghĩ của người dân; khó khăn trong tiếp cận luật, chính sách và đi tìm khách hàng…” - bà Đỗ Kim Dung nói và cho hay, sau thời gian kiên trì theo đuổi mục tiêu, hiện tại đã có những doanh nghiệp lớn ở Indonesia đang sử dụng sản phẩm của công ty và mục tiêu trong thời gian tới công ty sẽ đầu tư sang Malaysia, tiến tới “thôn tính” thị trường Đông Nam Á.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc FastGo Việt Nam - một startup về ứng dụng gọi xe thông minh do người Việt sáng lập và hiện FastGo đã có mặt tại 3 quốc gia: Việt Nam, Myanmar và Singapore - chia sẻ, sau 5 năm “chinh chiến” ở nước ngoài, chúng tôi hiểu rằng, mặc dù hành trình vươn ra thị trường quốc tế không phải lúc nào cũng “màu hồng” nhưng chúng ta hãy cứ mạnh dạn và phải đi ra thế giới. Học từng ngày, điều chỉnh từng ngày và hy sinh từng ngày mới có thể thành công. Đặc biệt, cần định hình ngay từ đầu từ việc làm sản phẩm, chiến lược kinh doanh, sử dụng con người… chúng ta sẽ có một nền tảng vững chắc cũng như hướng đi đúng và kiên trì đúng mục tiêu theo đuổi.

Tận dụng nền tảng thương mại điện tử

Theo thống kê của tạp chí Echelon, Singapore, một trong những tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động, trong khi ước tính cuối năm 2015 mới chỉ khoảng 1.800 doanh nghiệp. Nhiều startup đã thu hút được quỹ đầu tư trong và ngoài nước rót vốn, đây được xem là điều kiện thuận lợi giúp các công ty khởi nghiệp thực hiện tham vọng vươn ra thế giới. Cụ thể, năm 2018, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã thu hút tới 890 triệu USD vốn đầu tư, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo

Chia sẻ bí kíp giúp startup Việt Nam tạo ra được những tăng trưởng đột phá và vươn ra thị trường quốc tế, ông Tuấn Hà, CEO Vinalink và VAG Media cho rằng, yếu tố quan trọng là các startup cần hiểu biết sản phẩm và thị trường. Đó là cần làm ra một sản phẩm đỉnh mà mình tâm huyết và tìm thị trường mục tiêu để khởi nghiệp; hoặc tìm thị trường mục tiêu trước xem cái nào cần giải quyết mà chưa có ai giải quyết để làm ra sản phẩm đỉnh của mình đáp ứng thị trường mục tiêu để khởi nghiệp.

“Việc tìm hiểu thị trường nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, khác biệt về tính năng và cạnh tranh về giá. Đặc biệt, khi chúng ta đưa ra một sản phẩm mới, không ở đâu có, cần có một công thức thử nghiệm tốc độ tăng trưởng. Chẳng hạn, cho 1.000 - 2.000 người dùng thử sản phẩm, để xem phản hồi của họ, từ đó sẽ quyết định việc mình có đi tiếp hay không” - ông Tuấn Hà bày tỏ và khẳng định, startup ở Việt Nam nếu quen môi trường ở nước ngoài thì sản phẩm của họ sẽ vươn lên vị trí số 1 rất nhanh. Thực tế đã có rất nhiều startup Việt Nam thành công ở nước ngoài. Do đó, các startup hãy cứ mạnh dạn tiến ra thị trường thế giới.

Theo ông Tuấn Hà, người Việt Nam rất thông minh, nhưng vấn đề còn lại là phải quen môi trường làm ăn ở nước ngoài, vì vậy các startup cần thực hiện việc “nằm vùng” một thời gian để am hiểu văn hóa, thị trường của họ. Cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất giúp doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế đó là tận dụng các nền tảng của các “ông lớn” thương mại điện tử như Amazon, Alibaba…

Theo các chuyên gia, việc triển khai Đề án 844 đã tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, góp phần “khơi thông” dòng vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp với các kênh đầu tư mới và hình thức đầu tư đa dạng hơn. “Trong thời gian tới, Nhà nước nên cho phép thành lập các sàn gọi vốn cộng đồng lấy cổ phần (equity-based crowdfunding). Đây là mô hình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới, hỗ trợ rất lớn cho các startup về vốn” - ông Tuấn Hà chia sẻ.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/startup-viet-nam-hay-manh-dan-vuon-ra-thi-truong-quoc-te-121387.html