Startup Việt hỗ trợ giao hàng bằng xe điện qua 'ATM' pin

Tiết kiệm chi phí, tăng hiệu suất giao hàng và tích hợp công nghệ trên ứng dụng điện thoại, liệu những lợi thế đó có chinh phục được Viettel hay Baemin phát triển 'mảnh đất' xe máy điện cho giao hàng.

Một mạng lưới các ATM mới đang xuất hiện tại các thành phố của Việt Nam. Thay vì cung cấp tiền mặt, những trạm 'ATM' này phân phối pin cho xe máy điện. Công ty khởi nghiệp của dự án này hy vọng hệ thống của họ sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc để thuyết phục được 240 triệu người lái xe xăng trong khu vực Đông Nam Á chuyển sang sử dụng xe máy điện.

Xe máy điện có thể đóng vai trò then chốt trong việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ở các nước như Việt Nam, một trong những thị trường xe máy lớn nhất thế giới. (Ảnh: Liên Hoàng)

Xe máy điện có thể đóng vai trò then chốt trong việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ở các nước như Việt Nam, một trong những thị trường xe máy lớn nhất thế giới. (Ảnh: Liên Hoàng)

Selex Motors, được Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ, cho biết những chiếc xe điện này có giá dưới 1.000 đô la vì người người tiêu dùng không trả tiền trước để mua pin. Thay vào đó, họ sử dụng một mạng lưới tủ khóa tự động để đổi pin khi cần điện, trả tiền pin khi sử dụng, về cơ bản là các trạm ATM cung cấp pin.

Selex cho biết họ bán xe điện cho các doanh nghiệp giao hàng có cam kết giảm lượng khí thải carbon như Lazada, DHL và các doanh nghiệp khác. Tự nhận là nhà sản xuất xe điện đầu tiên trong khu vực hướng đến dịch vụ hậu cần chặng cuối, công ty khởi nghiệp Selex đang mở rộng tới người tiêu dùng và quảng cáo rằng công nghệ pin của họ đã được cấp bằng sáng chế tương thích với 70% xe tay ga điện trên thị trường.

CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên trước đây đã từng làm việc trong ngành hàng không vũ trụ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng việc chuyển sang nền tảng cơ sở hạ tầng mới nhằm phục vụ lợi ích công cộng, đặc biệt là khi cuộc cách mạng xe điện toàn cầu đặt ra mối lo ngại về cách bảo đảm kim loại cho pin, tối ưu hóa tuổi thọ của pin và thải bỏ chúng một cách có trách nhiệm.

Được biết Schneider Electric Energy Access Asia, ADB Ventures và Vietnam's Touchstone Partners nằm trong số các nhà đầu tư đã bơm tổng cộng 5,5 triệu USD vào Selex. Các đối thủ khác cũng đang tìm cách cung cấp điện cho 70 triệu chiếc xe máy ở Việt Nam bao gồm Dat Bike và VinFast.

“Đối với khách hàng, điều này cũng mang lại lợi ích cho họ và đối với các nhà sản xuất, một loại pin được tiêu chuẩn hóa sẽ dẫn đến sự tương đồng về thiết kế”, độc quyền "không có ý nghĩa gì", bởi vì cơ sở hạ tầng năng lượng là "sở hữu công", CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên nói.

Không phải ai cũng theo đuổi triết lý đó. Những gã khổng lồ công nghệ đã cố gắng ép buộc khách hàng vào hệ sinh thái của họ, khiến chính quyền phải can thiệp. Mỹ đã khuyến khích Tesla tạo các trạm sạc cho các loại ô tô khác, trong khi Châu Âu yêu cầu Apple phải tạo ra các bộ sạc điện thoại tương thích với sản phẩm của các công ty khác.

Khi được hỏi liệu pin tương thích của Selex có thể khuyến khích người lái xe mua xe điện hay không, CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên nói: "Đó là toàn bộ mục đích. Chúng tôi muốn hệ thống đổi pin được chia sẻ và sử dụng phổ biến vì điều đó sẽ giúp ích cho toàn bộ."

Ở Việt Nam, mọi người đều có tiền để mua một chiếc xe đạp và thậm chí là mua một chiếc xe máy đã qua sử dụng với giá 500 đô la hoặc một chiếc mới với giá gấp 100 lần.

Xe giao hàng chỉ là một phần của thị trường xe điện cỡ nhỏ tại Việt Nam, vốn đã chậm chân hơn so với các nước láng giềng trong việc chiếm lĩnh xe điện. Bên cạnh taxi, xe buýt điện và các phương tiện giao thông công cộng khác, các cố vấn của Liên Hợp Quốc cho biết việc điện khí hóa xe hai bánh ở một quốc gia tràn ngập xe máy là điều hợp lý nhất.

Sau cuộc phỏng vấn, CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên bước ra con đường ngập nắng đến bên chiếc tủ đựng pin màu xanh có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh đặt trước văn phòng của anh ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở đó anh trình diễn cách một người giao hàng cho Grab, Baemin hoặc Viettel sẽ sử dụng trạm đổi pin: Sau khi thả một bưu kiện hoặc hành khách, người lái xe nhìn thấy trên điện thoại của mình báo rằng ắc quy của chiếc xe đang bị hao. Anh ấy chạm vào điện thoại để xác định vị trí "ATM" và khi đến đó, anh ấy sẽ đổi pin trực tiếp tại trạm đổi pin chỉ mất chưa đầy 2 phút để có thể tiếp tục di chuyển.

Logistics là "mạch máu" của nền kinh tế, công ty chuyển phát Viettel Post cho biết đang sử dụng xe tải và xe máy điện, bao gồm của cả Selex.

Ông Đinh Thanh Sơn, Phó Giám đốc Viettel Post, giải thích rằng chiến lược này “góp phần giảm lượng khí thải ra môi trường trong khi vẫn mang lại hiệu suất vận chuyển tối ưu”.

"Cuộc cách mạng xe điện phụ thuộc vào tài nguyên... ở một số quốc gia và điều đó sẽ phụ thuộc vào địa chính trị."

CEO Selex Nguyễn Hữu Phước Nguyên

Lazada thuộc sở hữu của Alibaba đã đưa ra ý tưởng phát triển xe điện Selex dành cho giao hàng thương mại điện tử.

"Nhờ thiết kế độc đáo, xe máy điện tử của Lazada Logistics có khả năng vận chuyển đặc biệt (về trọng lượng và khối lượng) và rất thuận tiện để vận hành bằng cách thay pin", công ty cho biết. Chúng cũng có chi phí vận chuyển và "bảo dưỡng" thấp hơn so với xe máy chạy bằng xăng thông thường.

Những chiếc xe máy có thể chứa ba cục pin, được làm từ pin của Samsung hoặc LG, và có thể điều chỉnh để chở hành lý hoặc người. Lazada sử dụng một mạng lưới hoán đổi khác ở Indonesia, ở đó, họ cũng triển khai xe điện và trợ cấp một số chi phí cho xe điện của tài xế.

CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên hy vọng sẽ hòa vốn trong ba năm và có thể tiếp cận Indonesia và Thái Lan trong hai năm. Cả hai quốc gia đều có nền kinh tế lớn hơn Việt Nam, nhưng cũng có các đối thủ cạnh tranh như Electrum, công ty được Gojek chống lưng, đang đặt mục tiêu cung cấp 2 triệu xe máy điện tử vào năm 2030.

Ngược lại, Gojek cũng sẽ sử dụng xe điện tại Việt Nam, vào tuần trước họ đã ký thỏa thuận với Dat Bike để cung cấp xe điện tại Việt Nam. Điều đó diễn ra sau thỏa thuận tương tự của đối thủ gọi xe là Be Group để mua xe điện VinFast vào tháng 3.

CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên không tiết lộ số lượng xe điện đã bán được nhưng Việt Nam có số lượng xe máy điện nhiều nhất Đông Nam Á với hơn 1 triệu xe.

CEO Selex Nguyễn Hữu Phước Nguyên không thích "khu vườn có tường bao quanh" trong đó các công ty yêu cầu các phụ kiện không tương thích với mạng lưới của họ, chẳng hạn như pin hoặc bộ sạc. (Ảnh: Liên Hoàng)

Cùng với hai người bạn, Nguyễn Hữu Phước Nguyên đã đứng ra thành lập Selex sau thời gian làm việc cho chính phủ và chuyên nghiên cứu các sản phẩm quốc phòng tuyệt mật mà anh thậm chí không được phép tiết lộ cho chính vợ mình.

Trong chiếc áo phông của công ty có dòng chữ "TÔI CÓ THỂ", người kỹ sư cho biết Selex sẽ sử dụng dữ liệu khách hàng để mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài năng lượng như một dịch vụ, mặc dù các tài xế có thể chọn không tham gia. Anh nói, các dịch vụ mới có thể bao gồm bảo trì phòng ngừa và bán các tiện ích bổ sung, chẳng hạn như bảo hiểm.

Bên cạnh việc cạnh tranh với những gã khổng lồ sản xuất ô tô điện, từ Honda đến Piaggio, CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên cũng thừa nhận những khó khăn trong cuộc đua về pin kim loại. Việt Nam đang tăng cường phát triển đất hiếm, nhưng Trung Quốc dẫn đầu về khai thác và chế biến kim loại, trong khi thế giới phụ thuộc vào coban của Congo và niken của Indonesia.

“Đây sẽ là một vấn đề dài hạn, bởi vì cuộc cách mạng dường như phụ thuộc vào tài nguyên, vào một số khoáng sản nhất định và thiếu sự lan tỏa đáng kể,” CEO của Selex nói. "Nó tập trung chủ yếu ở một vài quốc gia và điều đó sẽ phụ thuộc vào địa chính trị."

Thành An (theo Nikkei)

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//y-tuong/startup-viet-ho-tro-giao-hang-bang-xe-dien-qua-atm-pin-1092835.html