Startup Teforia: Chết vì đòi hỏi… người tiêu dùng thông thái

Bài học từ cái chết của Teforia là: Đừng đòi hỏi người tiêu dùng thông thái với sản phẩm, mà cần sản phẩm thích ứng với người tiêu dùng.

Không phải thiết bị nào thông minh thì cũng sẽ có thị trường. Đó là trường hợp của startup trà đắt tiền Teforia kiếm được 17,1 triệu USD tiền tài trợ cũng phải chính thức “rút phích cắm” công việc sản xuất máy pha trà thông minh sau ba năm hoạt động.

Mặc dù thị trường trà được xem là hứa hẹn với mức tăng trưởng cao, nhưng không phải ai cũng có thể bắt được mạch thị trường này, kể cả Teforia - cái tên từng được mệnh danh là Starbucks của thế giới trà.

Teforia, nhà sản xuất máy pha trà giá 1.500 USD, đã phải đóng cửa vào tháng 10/2017. Trong bản thông báo có viết: Việc kinh doanh cần nhiều tài chính và thời gian để thay đổi thị trường, và chúng tôi không thể huy động vốn trong bối cảnh các công ty sản xuất đồ dùng thông minh cho nhà bếp cũng đang gặp khó khăn.

Teforia không phải là nhà sản xuất đồ dùng nhà bếp thông minh đầu tiên phá sản. “Bom tấn” Juicero đã trở thành “bom xịt”, sau khi hứa hẹn về túi nguyên liệu kèm theo máy pha chế sinh tố được bán với giá bình quân 700 USD.

Ra mắt năm 2014 bởi hai người sáng lập Allen Han (từng làm ở Microsoft) và Kris Efland, máy pha trà Teforia cũng đầy công nghệ khi tích hợp Wi-Fi và Bluetooth, được kết nối với một ứng dụng di động có thông tin về các loại trà và giúp lưu lại công thức. Bạn có thể pha bằng trà mua riêng, nhưng nhà sản xuất thường khuyến khích khách hàng trả tiền cho gói trà độc quyền của họ được gọi là Sips, với chi phí từ 50-2,5 USD/túi tùy loại.

Năm 2015, Fast Company viết rằng: “Được thiết kế để vừa đẹp vừa dễ sử dụng, Teforia sử dụng dữ liệu cộng đồng để trà của bạn hoàn hảo mọi lúc.” Nhưng chính cái chữ “hoàn hảo” này đã giết chết Teforia.

Tạo ra tiếng vang thì dễ, nhưng để bán được thì rất khó. Lý do lớn nhất khiến Teforia thất bại mặc dù có số vốn khả quan là do không có thị trường. Ai cũng có thể nhận diện được sản phẩm, nhưng không có nhiều người quyết định mua. Ngay cả với những người đam mê trà cũng sẽ lăn tăn trước việc phải bỏ ra cả nghìn đô la cho một cái máy pha, nhất là khi sản phẩm ra lò cũng không ngon hơn so với cách thực hiện truyền thống. Bộ tách đi kèm quá mỏng manh, hoàn toàn không khiến cho việc thưởng trà trở nên thuận tiện và thú vị hơn.

Ngay cả khi giá cả hợp lý thì nhu cầu với máy pha trà cũng không cao. Những người muốn tiện lợi, họ đã có trà túi lọc. Những người thưởng trà, họ thích cái cảm giác pha truyền thống. Máy pha trà nằm giữa sự tiện lợi và nghệ thuật, một vị thế khá khó xử.

Công ty còn “ngầm” chỉ trích mọi người chưa sẵn sàng và cũng không đủ “tinh tế” để thưởng lãm hết các chi tiết đắt giá của sản phẩm, mà họ thì không thể chờ đến khi người tiêu dùng “thông thái”. Nhưng sự đổ lỗi này không khiến cho tình hình khả quan hơn. Không ai muốn là người bị chỉ trích. Và tuyên cáo của Teforia cũng đầy mâu thuẫn. Mục tiêu của máy pha nói riêng (cũng như bất kỳ công cụ nào nói chung) là mang lại sự tiện lợi và giúp cho ai cũng có thể là người “tinh tế”, chứ không phải “dạy” họ phải trở nên như thế nào. Chính bản thân những người sáng lập Teforia cũng nói với Fast Company rằng nhà bếp có thể thông minh hơn, bởi các thiết bị ai cũng có thể dùng.

Nhưng xét về phương diện tiện dụng, Teforia lại cũng chưa tới. Máy được đi kèm ứng dụng để giúp tùy chỉnh ứng với loại trà muốn pha, hoặc có thể sử dụng các thông số có sẵn cho một số loại thông dụng. Tuy nhiên, ngay cả với cùng một loại trà, người dùng cũng phải tùy chỉnh, dựa trên tình trạng của lá trà khi ấy. Teforia đã cố gắng khắc phục điều này bằng cách cung cấp túi trà riêng phù hợp với các thông số, nhưng không dễ để thuyết phục người dùng từ bỏ thương hiệu trà yêu thích để chuyển sang sản phẩm của Teforia.

Bên cạnh đó, cũng hợp lý khi mọi người trở nên hoài nghi về đồ dùng nhà bếp thông minh, khi trong cùng thời gian đó, loại máy pha đắt đỏ tương tự với lời hứa hẹn làm ra “ly nước ép hoàn hảo” Juicero hoàn toàn gây thất vọng.

Bài học từ cái chết của Teforia là: Đừng đòi hỏi người tiêu dùng thông thái với sản phẩm, mà cần sản phẩm thích ứng với người tiêu dùng. Hay nói gọn hơn: Không có thị trường thì làm gì cũng không xong; Ảnh: Teforia

Bài học từ cái chết của Teforia là: Đừng đòi hỏi người tiêu dùng thông thái với sản phẩm, mà cần sản phẩm thích ứng với người tiêu dùng. Hay nói gọn hơn: Không có thị trường thì làm gì cũng không xong; Ảnh: Teforia

Trong thế giới cà phê, mọi người thường đam mê một chiếc máy pha tuyệt vời. Pha cà phê là một loại khoa học về tính tối ưu hóa và hoàn thiện. Ngược lại, dù có nhiều điểm giống cà phê, nhưng không có tách trà hoàn hảo, bất chấp công thức trà không thay đổi suốt hàng nghìn năm qua. Hương vị trà của trà mang đậm tính cá nhân, tính thưởng thức và cả tâm trạng của người pha. Máy Teforia có cung cấp một số lựa chọn cá nhân hóa, nhưng vẫn hướng đến mục tiêu “bất khả thi” là làm ra một tách trà hoàn hảo. Nhưng trà không phải cà phê. Đặc biệt trong phân khúc cao cấp mà Teforia nhắm đến, mọi người thường quan tâm đến hành trình hơn là điểm đến. Họ muốn là người kiểm soát và thưởng trà theo cách riêng của mình, chứ không phải một cái máy.

Lục Kiếm

Từ Khóa : startup khởi nghiệp startup thất bại startup đồ uống

Theo songmoi

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/startup-teforia-chet-vi-doi-hoi-nguoi-tieu-dung-thong-thai-165503.html