Startup Mỹ quan tâm lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới

Một số công ty khởi nghiệp (startup) ở Mỹ đang xúc tiến xây dựng thế hệ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ với sự trợ giúp của Chính phủ Mỹ nhằm cải tiến hoạt động cung cấp điện năng cho nước này.

Phòng điều khiển lò phản ứng hạt nhân của NuScale

Phòng điều khiển lò phản ứng hạt nhân của NuScale

Mỹ là một trong những quốc gia đặt mục tiêu rất cao về việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch trong tương lai. Điện hạt nhân tiếp tục được quốc gia này xác định là một trong những nguồn quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng. Nhóm cố vấn về khí hậu của Tổng thống Joe Biden cho rằng, để đạt mục tiêu cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch vào năm 2035, năng lượng hạt nhân là nguồn điện hầu như không có carbon quan trọng cần được duy trì và mở rộng.

Hiện nước Mỹ có 93 lò phản ứng cung cấp 18% lượng điện năng nhưng đang có dấu hiệu xuống cấp nhanh chóng. 6 lò đã phải ngừng sử dụng từ năm 2017. Chính phủ của Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch cung cấp khoản viện trợ 1,2 tỷ USD để gia hạn vận hành các nhà máy điện hạt nhân đã hoặc sắp hết thời gian hoạt động. Động thái này được đánh giá là sẽ góp phần tạo thêm động lực kinh tế cho các địa phương được hưởng lợi từ nguồn năng lượng trên. Bên cạnh đó, trước nhu cầu sử dụng điện năng của nước Mỹ, chính phủ đã xúc tiến kế hoạch xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, với sự tham gia của các công ty khởi nghiệp.

Tương lai của lĩnh vực hạt nhân được cho là sẽ dựa vào các lò phản ứng module cỡ nhỏ (SMR), tương tự như các lò đang dùng để vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các lò SMR được quảng bá là lựa chọn rẻ tiền hơn các lò phản ứng hạt nhân truyền thống, nhờ thời gian xây dựng ngắn hơn và cần ít nhiên liệu hơn để vận hành, dẫn tới ít rác thải hạt nhân hơn.

Theo giới chuyên gia, SMR đã được nghiên cứu phát triển qua vài thập niên, giờ đã đến lúc sử dụng loại lò này trong bối cảnh Mỹ vừa thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), theo đó sẽ hỗ trợ tới 30% mức đầu tư. Một số công ty Mỹ đang tự thiết kế các lò SMR hoặc lò AMR (lò phản ứng module nâng cao) của riêng mình. Sau khi được Ủy ban Quản lý hạt nhân (NRC) cấp phép từ tháng 1-2023, Công ty NuScale ở Portland dự kiến khởi công xây dựng nhà máy gồm 6 module trọng điểm. Nhà máy sẽ được vận hành đầy đủ vào năm 2030 tại TP Idaho Falls, bang Idaho.

Bên cạnh NuScale, TerraPower là một công ty được tỷ phú Bill Gates hỗ trợ, dự kiến sẽ khởi công xây dựng lò phản ứng đầu tiên mang tên Natrium vào tháng tới tại Kemmerer, Wyoming. Lò Natrium sẽ được xây dựng gần một nhà máy điện sắp phải đóng cửa vào năm 2028. Khác với mô hình NuScale và giống với các lò phản ứng thông thường, sử dụng nước áp lực, lò Natrium dựa trên “công nghệ muối nấu chảy”, không gây nguy cơ nổ và không đòi hỏi cấu trúc chứa bằng bê tông truyền thống.

Một công ty khởi nghiệp khác của Mỹ là Tập đoàn Hạt nhân siêu an toàn (USNC), có trụ sở tại Seattle đang dự định xây nhà máy tại Champagne, bang Illinois, dự kiến vận hành vào đầu năm 2027. Người quản lý bộ phận hạt nhân của Công ty USNC, ông Daniel Stout, cho biết, cũng như với các SMR khác, mô hình của USNC bao gồm nhiều phần cơ bản, giúp giảm chi phí và thời gian xây dựng.

Theo thăm dò của Viện Gallup, người dân Mỹ vẫn đang chia rẽ về việc sử dụng năng lượng hạt nhân, dù số người phản đối đang giảm dần từ 54% vào năm 2016 xuống còn 47% vào năm 2022.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/startup-my-quan-tam-lo-phan-ung-hat-nhan-the-he-moi-post688012.html