Startup công nghệ và nhà nông, sao vẫn chưa gặp nhau?

Nhà nông cần công nghệ, các startup công nghệ thì muốn kết nối nhà nông nhưng tại sao hai bên vẫn chưa gặp nhau?

Theo đánh giá của chuyên gia Tony Wheeler, tư vấn cho chính phủ liên bang Úc về khởi nghiệp và đầu tư, sau chuyến thăm các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Tháp ngày 8-8, ông nhận thấy một số doanh nghiệp tại tỉnh quan tâm nhiều về việc sử dụng công nghệ vào nông nghiệp. Tuy vậy, một số doanh nghiệp vẫn chưa chọn được đúng công nghệ phù hợp với doanh nghiệp của mình.

Ngày 9-8, tại Diễn đàn Kết nối khởi nghiệp công nghệ và nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp tại Đồng Tháp cũng bày tỏ sự cởi mở với các công nghệ, nhưng để lựa chọn công nghệ nào hợp với việc sản xuất giữa một rừng công nghệ đang quảng cáo đang làm họ lúng túng.

Nhà nông lấn cấn

Một nông trại ở Đồng Tháp. Ảnh: Mỹ Huyền

Doanh nghiệp Nguyễn Văn Hiếu có dự án hữu cơ trồng xoài, cam, bưởi đang chủ động mời startup về thử nghiệm công nghệ tại doanh nghiệp của mình, vì anh không biết giải pháp công nghệ nào mới phù hợp với hệ thống sản xuất tại công ty. Nhưng anh biết rằng với kế hoạch mở rộng quy mô vùng trồng, công nghệ sẽ giúp anh giảm nhiều chi phí hơn.

Doanh nghiệp mứt dừa Diệu Hương cũng vậy, chị Ngọc Diệu đang làm mứt dừa bằng phương pháp thủ công, chị cũng muốn áp dụng máy móc để cắt dừa bằng máy và trộn nguyên liệu mùi rau củ cho nhanh nhưng chị đang lúng túng không biết phơi sấy mứt như thế nào nếu dùng máy móc để sản xuất, chị đang tìm lựa chọn một được công ty công nghệ nào có công nghệ phù hợp để được tư vấn nhưng vẫn chưa thấy.

Ông Tony Wheeler nói khi khách hàng còn lúng túng chưa biết chọn công nghệ nào phù hợp, nghĩa là các startup cũng đang lúng túng trong việc bán hàng của mình. Ông nhấn mạnh các startup phải phấn đấu rất nhiều để thể hiện sự cần thiết của mình trong quá trình tự động hóa sản xuất. Các startup có đội ngũ công nghệ giỏi rồi nhưng họ cần phải làm tốt hơn việc bán hàng để người sử dụng là các doanh nghiệp nông nghiệp hiểu rõ mình nên dùng công nghệ như thế nào để cải tiến nông nghiệp. Giao tiếp giữa các startup và các nhà sản xuất nông nghiệp rất quan trọng, không chỉ để startup bán hàng mà còn hiểu được nhu cầu và các xu hướng của ngành sản xuất nông nghiệp.

Một số startup đã có cơ hội giao lưu với các doanh nghiệp tại tỉnh trong diễn đàn, nhưng cũng cần có một thời gian để điều chỉnh giữa nhu cầu của nguồn cung và nguồn cầu trên thị trường. Startup Fman giới thiệu giải pháp đo độ ô nhiễm của nước hồ nuôi tôm hay cảm biến đo nhiệt độ cho nhà nuôi yến… sử dụng công nghệ IoT (Internet kết nối vạn vật) nhưng các doanh nghiệp tại Đồng Tháp quan tâm đến các giải pháp đo nhiệt cho vùng nuôi ong và các vùng trồng nấm rơm hơn. Nếu chuyển đổi sang các sản phẩm chuyên biệt để trồng nấm hoặc nuôi ong, startup này phải nghiên cứu riêng cho từng sản phẩm. Nhưng chi phí nghiên cứu có rẻ không?

Công nghệ tự động nhưng...

Thực tế cho thấy việc áp dụng công nghệ tại Đồng Tháp hiện vẫn chưa được như ý. Ví dụ việc ươm cây giống áp dụng công nghệ nhà màng IoT tự động hóa việc canh tác tại một trung tâm. Người quản lý tại đây cho biết việc ứng dụng nhà màng IoT trong việc ươm trồng cây giống sử dụng các bộ cảm biến đo nhiệt độ và độ ẩm không khí, điều khiển hệ thống mái di động khi nhiệt độ tăng cao đã gặp vấn đề trong quá trình vận hành do người lắp đặt công nghệ chưa hiểu được nhu cầu của người sử dụng dẫn đến các thiết bị hoạt động liên tục (quạt, phun sương, hệ thống mái di động) trong khi nhiệt độ trong nhà trồng đã đạt đến thông số mong muốn. Đôi khi hệ thống mái di động xảy ra sự cố trong quá trình vận hành dẫn đến hậu quả có thể làm sập cả nhà màng.

Do đó việc áp dụng tự động hóa hệ thống mái di động (giảm nhiệt độ nhà màng) cần phải có những giải pháp phù hợp hơn khi đưa vào ứng dụng thực tế. Ứng dụng IoT cũng đòi hỏi quy trình sản xuất nông nghiệp phù hợp với việc tự động hóa bằng IoT.

Hiện tại, những người sản xuất tại trung tâm vẫn chọn phương pháp bán tự động bằng hệ thống tự động để bảo đảm an toàn cho cây trồng và tài sản nhà màng.

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc của startup AgriConnect nói đây là một trong những vấn đề của các công ty ứng dụng công nghệ thông minh vào nông nghiệp, họ thật sự chưa thấu hiểu những nhu cầu và mong muốn thiết thực của nhà nông, cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp. Do đó, ông nhấn mạnh việc xây dựng công nghệ IoT cho nông nghiệp cần dựa trên một nền tảng về nông nghiệp và sự kết nối giữa các startup, các chuyên gia về nông nghiệp và nhà nông sẽ mang lại một ngành nông hiệu quả cao đúng nghĩa.

Giá của công nghệ hóa có rẻ không?

Các chuyên gia đang trao đổi tại Diễn đàn Kết nối khởi nghiệp công nghệ và nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp.

Vấn đề giá cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất khi ứng dụng vào quy trình sản xuất của mình. Một thiết bị giám sát nhà đông trùng hạ thảo có cài đặt sẵn phần mềm giá đã 2 triệu, nếu diện tích 20m2 cần 20 thiết bị, tổng cộng là 40 triệu đồng cho một hộ kinh doanh cỡ nhỏ. Nhưng khi cần dùng các thiết bị công cụ công nghệ xử lý nước thải, mỗi giải pháp được đầu tư cũng mất ít nhất 1 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận đầu tư chưa thấy được ngay hoặc các lợi ích vô hình như lợi ích cho môi trường cũng làm người sản xuất nông ngần ngại để đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải. Chưa kể đến việc hiện nay nhà nông khi bán được sản phẩm, họ sẽ không có động lực mạnh mẽ để áp dụng công nghệ triệt để vào nông nghiệp.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276880/startup-cong-nghe-va-nha-nong-sao-van-chua-gap-nhau.html