Start-up thất bại: Khởi sự nhiệt tình, thực hiện lại thiếu quyết tâm

Đa phần các start-up gặp thất bại là chưa dành toàn bộ thời gian cho công việc khởi nghiệp trong khi vẫn duy trì một công việc có thu nhập ở một vị trí khác và biến start-up trở thành việc phụ.

Ông Tuấn Hà, Tổng giám đốc Vinalink và VAG Media trao đổi cùng VietnamPlus về những kinh nghiệm giúp các doanh nghiệp start-up “go global.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Tuấn Hà, Tổng giám đốc Vinalink và VAG Media trao đổi cùng VietnamPlus về những kinh nghiệm giúp các doanh nghiệp start-up “go global.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam đang chứng kiến làn sóng phát triển của những công ty khởi nghiệp sáng tạo. Và, với những ý tưởng kinh doanh độc đáo cùng năng lực cạnh tranh được cải thiện, một số start-up đã không dừng thị trường trong nước mà đã định hướng hoạt động ra thị trường quốc tế.

Ông Tuấn Hà, Tổng giám đốc Vinalink và VAG Media đã có cuộc trao đổi cùng VietnamPlus về những kinh nghiệm giúp các start-up tăng trưởng đột phá và triển khai hoạt động tại ngoài nước bên lề Hội thảo “Vietnam Startups Go Global” thuộc Đề án 844 -“Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025,” do iMentor - hệ sinh thái khởi nghiệp EMI, VAG Media tổ chức cùng với nhà tài trợ Công ty cổ phần Tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel).

- Là cố vấn giàu kinh nghiệm trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và phát triển các start-up ra quốc tế, ông có thể chia sẻ những thành công của những “chiến binh” non trẻ của Việt Nam tại thương trường lớn?

Ông Tuấn Hà: Hiện nay, có khá nhiều start-up Việt Nam ra toàn cầu và đã thành công. Họ có một điểm chung là thích ứng rất nhanh sau khi nhận ra được các vấn đề, mặc dù trước đó trong nước chưa từng được trải qua môi trường như vậy.

Và, khi quen được môi trường đó họ đã vượt lên. Tại các thị trường lớn như Mỹ, Singapore, một số start-up Việt đang chiếm vào những vị trí quan trọng trong thị trường ngách…. Ví dụ, việc bán hàng online hiện có khoảng 10.000 bạn start-up Việt Nam hoạt động hiệu quả trên Amazon.

Thật ra, start-up không có gì “đao to búa lớn.” Như trong lĩnh vực game, nhiều start-up Việt thậm chí nằm trong top dẫn đầu, có thể kể đến Amanotes của Nguyễn Tấn Bình, câu chuyện rất “kỳ vỹ” một bạn trẻ khởi xướng một doanh nghiệp rất bình thường song lại xếp thứ 3 toàn cầu với gần 100 triệu người tải ứng dụng.

Nhiều start-up thành công trên thị trường quốc tế, tuy nhiên cộng đồng trong nước ít khi chú ý và thường chỉ có những người trong ngành mới biết họ đến từ Việt Nam.

- Thực tế cho thấy, rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp khi “chạy” được một chặng đã đuối sức, thậm chí có những người đã gần như chạm tới thành công thì lại “buông tay” trong phút cuối. Theo ông, đâu là nguyên do của vấn đề này?

Ông Tuấn Hà: Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, nguyên nhân chính là hầu hết các start-up khởi sự rất nhiệt tình song quá trình thực hiện lại không dành hết quyết tâm. Đa phần các bạn gặp thất bại là chưa dành toàn bộ thời gian cho hoạt động khởi nghiệp của mình trong khi vẫn duy trì một công việc có thu nhập ở một vị trí khác. Điều này chẳng khác gì biến start-up trở thành việc phụ, do đó rất dễ thất bại.

Như vậy, rõ ràng một số start-up “đem con bỏ chợ,” không chuyên tâm làm từ sáng đến tối và thậm chí khi có cố vấn nhưng vẫn làm theo ý mình với “cái tôi” rất cao cộng thêm nhược điểm là tư duy ngắn hạn, quản trị không bài bản và dễ nản trí.

Trong khi, các ông chủ tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới mỗi ngày thường làm tới 20 giờ và ngủ chỉ có 4 giờ. Chưa kể, nhiều bạn nghe đến start-up là thích song chỉ làm vài giờ mỗi ngày hay cho rằng chỉ cần chỉ bỏ tiền ra và đợi người khác làm cho hoặc thậm chí làm rất chăm nhưng không tuân thủ theo các mục tiêu trọng yếu của công việc.

Tôi cho rằng nếu đi đúng “con đường” thì start-up sẽ có hiệu quả!

- Theo ông, các start-up nên tìm đến các cố vấn sẽ thuận lợi hơn trong sự nghiệp của mình?

Ông Tuấn Hà: Các start-up có thể tự đi hoặc lựa chọn cố vấn hỗ trợ. Tuy nhiên, với cá nhân tôi đã từng mò mẫm hơn 10 năm khi lựa chọn con đường khởi nghiệp. Những người cố vấn có kế hoạch tư vấn hàng tháng và giúp cho các start-up tìm ra “con đường” tối ưu, giống như muốn tiến ra toàn cầu không học thì sẽ gặp rất nhiều thách thức khó lường.

Trên thị trường, các start-up có thể chọn các cố vấn miễn phí song họ chỉ giúp tư vấn vài giờ. Với những start-up nhỏ có mong muốn được hướng dẫn một “con đường” thì nên chia cổ phần cho cố vấn, còn các doanh nghiệp lớn thì trả tiền, thuê theo giờ...

Bên cạnh đó, các bạn trẻ nên nghĩ tới hướng khởi nghiệp từ ngay trong cơ quan của mình. Tại sao các bạn trẻ nghĩ đến khởi nghiệp là phải đi một mình, hãy mạnh dạn đề xuất các ý tưởng ngay trong công ty. Bởi, công ty đã có “con đường” và khi có ý tưởng mới, hãy đề xuất với lãnh đạo cho phép được làm hạch toán riêng cho dự án.

Thất bại thường gặp nhất trong hoạt động khởi nghiệp là các bạn bước ra ngoài không ai hỗ trợ trong khi phải tự xoay sở mọi việc và chi trả tất cả chi phí...

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/startup-that-bai-khoi-su-nhiet-tinh-thuc-hien-lai-thieu-quyet-tam/579842.vnp