Stanislav Shushkevich: Cho tới hôm nay vẫn không hối tiếc

Tháng 12/1991, bốn tháng sau âm mưu chính biến bị thất bại, thủ lĩnh của ba nước cộng hòa thuộc diện 'anh cả đỏ' là Tổng thống CHLB Nga (nay gọi là LB Nga), Boris Yeltsin, Tổng thống Ukraina, Leonid Kravtsuk và Chủ tịch Xôviết Tối cao Belarus, Stanislav Shushkevich, tại khu nghỉ mát trong Cánh rừng Belovesh trên lãnh thổ Belarus gần biên giới với Ba Lan đã cùng nhau ký thỏa ước chối bỏ Hiệp ước Liên bang có từ năm 1922 và bằng cách này đã chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Xôviết. Và tuyên bố thành lập Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập (SNG).

Đây là sự kiện cho tới hôm nay vẫn làm dấy lên những ý kiến khác nhau. Tháng 12 năm nay, báo Nga Komsomolskaya Pravda đã cử phóng viên tới gặp gỡ hai nhân vật có liên quan tới sự kiện trên là nguyên Chủ tịch Xôviết Tối cao Belarus, Stanilav Shushkevich và chính trị gia Nga Sergei Baburrin, một trong 7 Đại biểu Xô viết Tối cao Nga duy nhất đã bỏ phiếu chống lại việc phê chuẩn thỏa ước Belovezh.

Từ trái sang phải: Tổng thống Ukraina Leonid Kravtsuc, Chủ tịch Xôviết Tối cao Belarus Stanislav Shushkevich và Tổng thống CHLB Nga Boris Yeltsin tại Belovezh.

Từ trái sang phải: Tổng thống Ukraina Leonid Kravtsuc, Chủ tịch Xôviết Tối cao Belarus Stanislav Shushkevich và Tổng thống CHLB Nga Boris Yeltsin tại Belovezh.

Từ yeltsin tới Kravtsuk

PV: Ai đã mời Tổng thống Nga tới Belarus và vì mục đích gì?

Stanislav Shushkevich: Chính phủ của chúng tôi khi đó, thủ tướng Kebich, rất muốn mời Yeltsin tới. Khi đó, chúng tôi đang vấp phải nhiều vấn đề trong việc cung cấp khí đốt và dầu mỏ. Mùa đông đã cận kề mà tiền thì lại không có. Mọi người cho rằng tôi có quan hệ tốt với ông Yeltsin. Ngày 20-10-1991, ông Gorbachev đã triệu tập Xôviết Quốc gia ở khu Novo-Ogarevo. Ông ấy mang tới văn bản Hiệp ước Liên bang mới. Tất cả đều đã im lặng. Tôi phát biểu đầu tiên và nói thẳng ra rằng, tôi không thích hiệp ước đó. Và tôi sẽ rất không tiện trình ra Xôviết Tối cao ở nước cộng hòa của mình một Hiệp ước như thế. Rồi bỗng nhiên ông Yeltsin nổi cơn thịnh nộ và đả phá không thương tiếc văn bản Hiệp ước đó.

Thái độ Gorbachev thì sao?

- Ông ấy đứng dậy và bỏ đi. Đầy tự ái. Lãnh đạo Uzbekistan, ông Karimov, nói với tôi: “Các anh gây mâu thuẫn giữa chúng tôi với Tổng thống rồi. Các anh hãy đi theo và mời ông ấy quay trở lại thôi”. Bởi vì không thể nào họp mà lại thiếu mặt Chủ tịch Xôviết Quốc gia được.

Và các ông đã đi theo?

- Tôi và ông Yeltsin đã đi ra. Trên đường, tranh thủ tình huống là tôi với ông Yeltsin lần đầu tiên đối diện với nhau một mình, không có nhân chứng, tôi đã mời ông ấy tới Belarus. Và ông ấy đồng ý tới khu Rừng Belovezh.

Ông mời ông ấy đến chỉ để thảo luận về việc cung cấp dầu mỏ và khí đốt?

- Phải, ở thời điểm đó, tôi đã chỉ quan tâm tới việc này. Khi đó chưa hề tính tới ông Kravtsuk (thủ lĩnh Ukraina lúc đó). Nhưng rồi sau đấy, khi thảo luận vấn đề này ở Belarus, chúng tôi đã quyết định rằng, một khi đã bàn về việc cung cấp dầu khí mà chỉ chăm chắm lo phần mình, không đếm xỉa đến Ukraina thì không lịch sự. Chúng tôi đã có mối liên hệ tốt với ông Kravtsuk thông qua thủ tướng Ukraina, Vitold Fokin. Tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Kravtsuk. Ông ấy đáp rằng, ông ấy không thể trả lời được trước cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 1/12/1991. Sau đó, khi ông ấy được bầu thì ngay lập tức đã bày tỏ sự đồng ý. Thế là chúng tôi đã họp lại với nhau vào ngày 7-12-1991.

Từ Burbulis tới Gaidar

Ai là người đã tạo ra tông giọng chủ đạo ở khu dinh thự tại Viskul (Balovezh)?

- Guennadi Burbulis, Quốc vụ khanh CHLB Nga. Trước khi chúng tôi bắt đầu thảo luận, ông ấy đã nói: “Liên bang Xôviết với tư cách một thực thể địa chính trị và chủ thể về luật pháp quốc tế đang chấm dứt sự tồn tại của mình”. Tôi ghen tị với sự đầy đủ của cách đặt vấn đề này. Thực sự, cá nhân tôi thì không thể nào nghĩ ra được điều này.

Phía Nga đã mang tới dự thảo thỏa ước?

- Chính họ cũng đã không hề có bất cứ một dự thảo nào. Mọi câu chuyện về một dự thảo vĩ đại và một cuộc rượu chè bét nhè bất tận ở khu Rừng Belovezh chỉ là những thị phi. Dự thảo thỏa ước đã được xây dựng trong đêm 7 rạng ngày 8-12 bởi các chuyên viên của cả ba bên. Tới 10h sáng ngày 8/12/1991, họ đã trình cho chúng tôi xem bản dự thảo 18 điểm. Chúng tôi đã thảo luận chi tiết từng điểm một. Chúng tôi đã loại bỏ bốn điểm, chỉ để lại 14 điểm.

Cụ thể là những ai đã thảo luận chi tiết?

- 6 người cả thảy, ông Yeltsin, ông Burbulis, ông Kravtsuk, ông Fokin, ông Kebich và tôi. Chúng tôi đã ngồi cùng nhau suốt 4 giờ, cho tới khi nhất trí thông qua toàn bộ dự thảo.

Mới đây tân tổng thống Ukraina đã cương quyết bảo rằng trong dự thảo không hề có chữ “Liên bang”?

- Toàn chuyện tầm phào. Không có ai trong số những người tham gia có ý kiến nào quyết liệt bác bỏ bất cứ điểm gì trong thỏa ước. Chỉ có những đề nghị xem nên chăng sửa đổi hay loại bỏ điểm này hay điểm khác. Chúng tôi đã mời các chuyên viên tới, chia sẻ những hoài nghi. Ông Yeltsin ít phản bác nhất so với những người khác. Và khi đã đi tới đồng thuận rồi thì ông ấy thốt lên, “thế là xong rồi nhé!”

Ai trong số các chuyên viên đã tích cực hơn tất cả những người còn lại?

- Gaidar và Shakhrai. Gaidar từng nói rằng thỏa ước Belovezh đã được ký ở trên đầu gối ông ấy. Thực tế đúng là như vậy. Ông ấy đã đưa ra câu trả lời cho những vấn đề phức tạp nhất – viết trên những tờ giấy đặt trên đầu gối của ông ấy.

Lễ ký thỏa ước về việc thành lập SNG.

Từ Gorbachev tới Bush (cha)

Ai và khi nào đã đề nghị thông báo cho Gorbachev biết?

- Chúng tôi đã chuẩn bị xong văn bản để ký. Và phải ký một cách công khai, trước máy quay truyền hình. Ông Yeltsin đã nửa đùa nửa thật nói với tôi: “Tôi với ông Leonid Makarovich (Kravtsuk) vừa bàn với nhau là ông có quan hệ tốt với ông Gorbachev, vậy nên có lẽ ông gọi điện cho ông ấy nhé? Và nói về những gì mà chúng ta sẽ định thông qua. Đàng nào thì cũng không thể phớt lờ Tổng thống Liên bang Xôviết…”

Và ông đã làm như thế?

- Và tôi cũng nửa đùa nửa thật với ông Yeltsin: “Tôi cũng vừa bàn với ông Kravtsuk rằng ông có quan hệ tốt với ông Bush (cha). Vậy sau tôi thì ông cũng nên gọi điện tới Washington. Và giải thích về mọi việc đã diễn ra”.

Ông đã gọi điện theo đường dây liên lạc đặc biệt?

- Tôi đã gọi theo hệ thống Troika của thông tin liên lạc chính phủ, trước hết là cho Gorbachev. Đợi rất lâu không thấy ai trả lời. Rồi sau đó có trợ lý Tổng thống bắt máy, rồi chính Gorbachev hạ cố nói chuyện với tôi. Tôi đã nói khá lâu, giải thích rất chi tiết.

Thế ông Yeltsin thì sao?

- Yeltsin nhận thấy cuộc nói chuyện (với Gorbachev) đang bị kéo dài nên từ góc khác trong căn hộ, nơi có đặt máy thông tin liên lạc, đã thông qua Bộ trưởng Ngoại giao Kozyrev gọi điện tới Nhà trắng. Và bắt đầu nói chuyện với ông Bush (cha)

Tức là bắt đầu từ một thời điểm nào đó, các ông đã nói chuyện cùng một lúc với cả tổng thống Liên Xô lẫn tổng thống Mỹ, từ một căn phòng?

- Phải, nhưng tôi đã bắt đầu nói chuyện trước! Và khi Gorbachev bắt đầu cao giọng chuyển từ “anh tôi” sang “ông tôi” để nói: “Thế ông có hình dung được cộng đồng quốc tế sẽ nghĩ gì về chuyện này không?”, thì tôi đã đáp: “Có, tôi hình dung được. Vì ngay cạnh đây ông Yeltsin đang gọi điện thoại cho ông Bush. Và xét theo những lời đối đáp riêng lẻ thì Tổng thống Mỹ có vẻ thích câu chuyện này…” Thế là im lặng…

Ông Gorbachev kinh ngạc?

- Phải, ông ấy đã rất kinh ngạc. Ở thời điểm đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Kozyrev dịch cho ông Yeltsin nghe những gì ông Bush nói, nhưng tôi không nghe được hết.

Trong cuộc gặp của các ông còn có cả sự tham gia của người đứng đầu Kazakhstan là ông Nazarbayev?

- Khi chúng tôi giao cho các chuyên gia trên cơ sở câu nói của Burbulis soạn thảo văn bản thỏa ước, đã nảy sinh ra câu hỏi về tên gọi của Liên bang mới. Tôi nhớ câu mà ông Yeltsin thốt lên: “Tôi đã chán cái SS này lắm rồi!” Đó là khi nói về Cộng đồng Các Quốc gia Có chủ quyền (viết tắt trong tiếng Nga là SSG; SS trong tiếng Nga cũng là từ chỉ tổ chức SS của nước Đức phát xít trước kia). Chữ viết tắt SSG cũng có thể là từ cụm từ Cộng đồng Các Quốc gia Slavơ. Ông Yeltsin nói rằng, cần phải nghĩ ra cái tên gọi nào khá hơn. Và khi ấy mọi người mới nhớ ra là ông Nazarbayev đang bay tới.

Ông ấy bay tới Minsk?

- Khi đó là từ Alma-Ata tới Moskva. Chúng tôi nối liên lạc lên máy bay với ông ấy. Mở loa phát ngoài. Tất cả chúng tôi đều nghe được cuộc nói chuyện đó. Ông Yeltsin đã chào hỏi ông ấy rất niềm nở. Và bảo rằng tất cả các đoàn đại biểu đã tụ họp ở Belarus và đang chuẩn bị có một cuộc nói chuyện nghiêm túc nên nếu ông Nazarbayev mà tới được thì rất là hay. Nazarbayev cũng đáp lại rất niềm nở và nói rằng ông ấy đang bay tới, nhưng cần phải tiếp nhiên liệu ở Moskva. Sau đó một giờ thì không thể nào liên lạc lại được với ông ấy. Bản thân ông ấy không nhấc máy thêm lần nào nữa.

Chuyện này xảy ra vào lúc đầu tối ngày 7/12/1991?

- Đúng thế. Sau này chính ông Nazarbayev đã thú nhận rằng ông ấy đã vào gặp Gorbachev và ông Gorbachev đã hứa cho ông ấy chức Chủ tịch Xô viết Tối cao trong Liên bang Xôviết mới.

Lúc đó các ông có sợ rằng Moskva sẽ cử một nhóm đặc nhiệm tới và bắt tất cả các ông tống vào nhà giam ở Lefortovo không?

- Không, vì một lý do đơn giản. Tôi đã nhìn thấy Gorbachev tại Đại hội Các Đại biểu Nhân dân và thầm nghĩ, thật xấu hổ thay cho đồng chí, Gorbachev ạ, vì đồng chí cứ đánh trống lảng trước mọi vấn đề như thế. Vì đồng chí cứ luôn miệng khẳng định “tôi không liên quan gì” tới những việc đã xảy ra ở Riga, Vinius, ở Tbilisi hay Baku. Tôi đã chứng kiến rằng ông ấy trong cuộc đời mình chưa từng có một hành động nào quyết liệt chống lại ông Yeltsin cả. Vì thế tôi rất an tâm, chả có gì mà phải sợ.

Từ các vấn đề tới những lời buộc tội

Ở Belarus đã tổ chức trưng cầu dân ý tương tự như cuộc trưng cầu dân ý tháng 12/1991 ở Ukraina?

- Ở Belarus đã không có một cuộc trưng cầu dân ý nào cả.

Thế Xô viết Tối cao của ông ngay trong sáng hôm sau đã phê chuẩn thỏa ước ư?

- Không, tới ngày 10/12/1991 mới làm thế. Nhưng quả thực là đã làm sớm hơn so với nước Nga. Người ta đã trách cứ tôi vì thế. Tôi đã gọi điện cho Burbulis. Ông ấy bảo rằng, thỏa ước chưa được phê chuẩn nhưng nhiều Ủy ban trong Xôviết Tối cao Nga bày tỏ thái độ tích cực với nó.

Ai trong Quốc hội (Xôviết Tối cao) Belarus khi đó lên tiếng chống lại thỏa ước Belovezh?

- Ông Tikhinya, chánh án tương lai của Tòa án Hiến pháp. Một con người rất khả kính. Một luật gia thiên kinh vạn quyển. Ông ấy từng là Bí thư BCH TƯ phụ trách công tác tư tưởng của đảng Cộng sản Belarus. Còn tất cả những người khác đều đã ủng hộ. Sau này người ta viết rằng ông Aleksandr Lukashenko (tổng thống Belarus hiện nay) đã chống lại, nhưng khi ấy ông không phải là người tham gia bỏ phiếu.

Sau này ông có tự đặt cho mình câu hỏi này không: ngày 8/12/1991, các ông đã làm đúng mọi việc hay đã phạm sai lầm trong một số việc nào đó?

- Sau khi giải mật những trao đổi ngoại giao của Thụy Điển đã xuất hiện một câu nói của một nhà ngoại giao vùng Scadinavia. Khi ấy, người ta viết rằng những hành động như thế rất nguy hiểm, làm nảy sinh nguy cơ chiến tranh giữa phương Tây với Liên Xô khi định chia năm xẻ bảy quốc gia này, và chủ nghĩa ly khai sắp tới rất khủng khiếp. Thế nhưng người Thụy Điển thì lại nhận xét đó là “tuyệt tác của hoạt động ngoại giao chính danh cuối thiên niên kỷ thứ hai”.

Ông đã từng bị ai đó buộc tội thẳng vào mặt về tội làm tan rã một cường quốc vĩ đại?

- Ông Zhirinovsky (thủ lĩnh đảng Tự do Dân chủ Nga) đã nói thẳng với tôi như thế trong một cuộc tranh luận. Tôi đã trả lời ông ấy rằng, nếu ông thực sự lo lắng cho nhân dân Nga thì trong hai mươi năm qua ông đã làm được khối việc cho sự thịnh vượng của nước Nga chứ không cứ tiếp tục sống bằng quá khứ như thế.

Liệu đã có thể có một phương án khác không?

- Có chứ. Nhưng những gì đã diễn ra ở Belovezh đã là phương án tối ưu. Phương án khác là một sự tan rã đế chế với những cuộc xung đột đẫm máu vì sự bất khả xâm phạm của các đường biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước cộng hòa.

Nguyễn Trung Tín (lược thuật)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/stanislav-shushkevich-cho-toi-hom-nay-van-khong-hoi-tiec-tintuc455946