ST25 gạo thơm số 1 thế giới, thành quả đột phá KH&CN của nhóm tác giả Việt Nam

ST25 được công nhận là giống gạo ngon nhất thế giới năm 2019, do nhóm kỹ sư của Việt Nam nghiên cứu thực hiện.

ST25 là dòng sản phẩm gạo thơm Sóc Trăng thế hệ mới nhất, phát triển từ dòng gạo ST (viết tắt từ tên tỉnh Sóc Trăng) được đăng ký chứng nhận nhãn hiệu ở Cục Sở hữu Trí tuệ từ năm 2011. Giống lúa này được tạo ra bởi nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương.

Năm 2019, Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (World's Best Rice của The Rice Trader) tổ chức trong khuôn khổ hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines) từ ngày 10 - 13/11, đã thu hút hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh gạo quốc tế tham gia tranh tài, trong đó có Việt Nam.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (thứ hai từ phải sang) cùng nhóm nghiên cứu nhận giải tại The Rice Trader 2019

Kỹ sư Hồ Quang Cua (thứ hai từ phải sang) cùng nhóm nghiên cứu nhận giải tại The Rice Trader 2019

Kết quả, gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2019. Gạo ST25 được bình chọn là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, không bạc bụng, khi nấu cơm dẻo thơm, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử gạo Việt Nam thắng giải ở World's Best Rice. Trước đó, giải thưởng này đã vinh danh Thái Lan (5 lần), Campuchia (4 lần), Mỹ (2 lần) và Myanmar (1 lần).

Hành trình gian nan

Ông Hồ Quang Cua tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt Trường ĐH Cần Thơ năm 1978. Sau khi lấy bằng kỹ sư, ông trở về quê nhà làm việc tại Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

ST25 không phải kết quả sau một đêm nghiên cứu, mà là cả một hành trình dài tìm tòi hơn 20 năm của ông Hồ Quang Cua. Năm 1997, ông giữ chức phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng. Thời gian này, ông được ‘mục sở thị’ giống lúa thơm mới ở Thái Lan và khi trở về đã bắt tay lai tạo giống lúa thơm đầu tiên ở Việt Nam, ST3 vào năm 2001.

Quá trình này phức tạp ở chỗ cần nhiều giống lúa bố mẹ, ST20 có 7 bố mẹ còn ST24, ST25 có nhiều hơn thế. Để cho ra một dòng ổn định, các giống lúa này phải được trồng từ 11-12 vụ (kéo dài trong nhiều năm) trên một quy mô rộng để chọn ra con lai đạt chất lượng theo mục tiêu đề ra.

Để tạo ra giống lúa thơm phiên bản ST25, nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua phải lai ghép giữa nhiều giống lúa bố mẹ để tạo ra nhiều dòng lúa phức tạp về kiểu gen, sau đó sử dụng phép lai hồi giao cải tiến với dòng ST tân tiến nhất để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Nông dân thu hoạch lúa ST25 vụ hè thu

Vì thế, quá trình lai tạo từ năm 2002 nhưng đến năm 2004 mới có tổ hợp lai chọn ra giống tốt, năm 2008 mới phóng thích giống ST19, ST20. Năm 2013, kỹ sư Hồ Quang Cua nghỉ hưu. Ông có toàn thời gian tập trung vào nghiên cứu để từ đó, ST24 ra đời năm 2017, tiếp sau là ST25 như đã biết ngày nay.

Còn Tiến sĩ Trần Tấn Phương là nhà khoa học có phương pháp lai tạo mới mẻ từ lúc mới nhận văn bằng Thạc sĩ. Kỹ thuật của ông là lai tạo từ nhiều bố mẹ với các đặc tính thơm (cốm, dứa), hột dài, và từ các vùng địa lý khác nhau (miền Bắc, miền Nam, trong và ngoài nước) trước khi ngừng lai để trồng phân ly và tuyển chọn thuần. Tháng 05/2020, ông đã được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng.

ST25 có gì đặc biệt?

ST25 là giống lúa ngắn ngày, cao sản, một năm hai đến ba vụ, có tính kháng bệnh kháng mặn cao. Loại gạo này mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt, hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo có mùi dứa.

Về đặc tính, ST25 là giống lúa cứng và cao cây (110cm - 115cm), lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt, thân cứng nếu bón phân cân đối không đổ ngã. Giống lúa này không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông... Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha, trung bình khoảng 6 - 7 tấn/ha. ST25 chịu phèn, mặn tốt cho nên có thể trồng ở đất đồng hoặc luân canh lúa - tôm, theo kỹ sư Hồ Quang Cua.

Những ưu điểm vượt trội của ST25

ST25 chịu được mặn ở Trà Vinh, Sóc Trăng, bán đảo Cà Mau, sống được ở đất phèn tại Mộc Hóa, Kiến Tường. Nếu trồng chính vụ, ST25 là giống lúa cao sản, chi phí thấp vì không tốn tiền phun thuốc trừ sâu.

Một điểm rất khác của ST25 so với gạo thường là lượng nước hấp thụ rất thấp, tỷ lệ nấu cơm là 1 gạo - 0,8 nước. Hạt cơm khi nấu thành không bung bụng, chỉ dãn dài ra, trông như đang sắp hàng trong nồi cơm. Trên cùng một đơn vị diện tích, trong một năm, ST25 có thể cung cấp sản lượng gạo ngon gấp 5 lần gạo lúa mùa của các nước xung quanh.

Thực tế, giống lúa ST25 đã được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng vùng Nam bộ xếp hạng 2 (18,6/20 điểm) trong tổng số 92 giống được đánh giá, với các chỉ tiêu lần lượt là: mùi thơm (4/5 điểm), độ mềm (4,8/5 điểm), độ trắng (5/5 điểm) và vị ngọt (4,8/5 điểm). Vì vậy, có thể xem đây là giống đặc sản chứ không hề được quảng cáo quá lời.

Với mức lợi nhuận vượt trội, trung bình từ 20 - 25 triệu đồng/ha, thậm chí đến 35 triệu đồng/ha so với các giống lúa cao sản thường, ST25 đã làm sống lại mô hình “con tôm ôm cây lúa” trên những vùng đất nuôi tôm kém hiệu quả như huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) và cho ra đời sản phẩm “gạo ngon - tôm sạch”.

Theo đánh giá của người tiêu dùng, gạo ST25 là loại gạo thuộc nhóm hảo hạng trên thị trường gạo hiện nay. Đặc biệt, loại gạo này có hàm lượng đạm cao nên phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, cả người già và trẻ em.

Đẩy mạnh vùng trồng lúa ST25

Với thành tích xuất sắc, ST25 đã được Bộ NN&PTNT đặc cách công nhận là giống lúa quốc gia ngay ngày cuối cùng của năm 2019. Trước mắt, ST25 sẽ được nhân rộng ở các vùng trồng lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt ở vùng lúa tôm và vùng ven biển.

Sóc Trăng phấn đấu đến cuối năm 2020, sản lượng lúa đặc sản là hơn 1 triệu tấn trên tổng sản lượng lúa toàn tỉnh đạt 2 triệu tấn/năm, đặt mục tiêu hình thành vùng sản xuất lúa đặc sản rộng 137.500ha trên 341.150ha trồng lúa nói chung trên toàn tỉnh.

Hiện ST25 chưa thương mại hóa ra thị trường và chỉ có loại túi 5kg và hộp 2kg

Hiện nay, mô hình nuôi tôm - lúa đang là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng, tận dụng tốt nguồn dinh dưỡng dồi dào của con tôm, tiết kiệm tối đa chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, lúa đạt năng suất cao, chất lượng thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn lúa thường. Tuy nhiên, hiện Sóc Trăng mới chỉ có diện tích trồng lúa thơm khoảng 13.000ha, mà tỉnh đặt mục tiêu được nhân rộng trên một vùng trồng 137.500ha như đã nói ở trên.

Diện tích trồng chưa lớn, sản lượng mà ST25 cung cấp cho thị trường vì thế luôn trong tình trạng thiếu hụt. Lợi dụng điều này, các sản phẩm làm giả làm nhái ST25 đã xuất hiện tràn lan trên thị trường và cả trên các trang thương mại điện tử.

Đặc biệt sau khi được công nhận là giống gạo ngon nhất thế giới, ST25 bắt đầu được người tiêu dùng trên khắp cả nước săn tìm bởi nhiều người tìm mua mà chưa cần xuất khẩu, theo các chuyên gia lúa gạo.

So với các loại gạo khác, ST25 có giá thấp nhất từ 32.000đ/kg

Hiện tại, ở một số tỉnh như Nghệ An đã bắt đầu có các vùng trồng thử nghiệm ST25. Với năng suất trung bình 58,8 tạ/ha, giá thu mua tại ruộng 10.000đ/kg lúa, người dân có thu nhập khoảng 58,8 triệu đồng/ha. Năng suất thấp hơn nhưng thu nhập cao hơn, ST25 đã đem lại niềm phấn khởi cho bà con nông dân nơi đây.

Tuy nhiên, ST25 đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt, việc chuyển giao kỹ thuật canh tác đến từng địa phương đòi hỏi nhân lực lớn. Do đó hiện kỹ sư Hồ Quang Cua vẫn đang từng bước để đẩy mạnh vùng trồng lúa ST25 trên địa bàn Sóc Trăng trước tiên, sau đó đến các tỉnh miền Nam và các tỉnh thành khác trên cả nước.

Hữu Phương

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/st25-gao-thom-so-1-the-gioi-thanh-qua-dot-pha-kh-cn-cua-nhom-tac-gia-viet-nam-271024.html