St. Louis và 'trái tim tan vỡ' của nước Mỹ

Trong cuốn sách, St. Louis hiện lên không chỉ là nơi giao cắt của những dòng sông lớn, mà còn là 'cái nôi' của nạn kỳ thị chủng tộc và bạo lực ở Mỹ.

Một thế kỷ trước, W.E.B. Du Bois đã chọn St. Louis, “giao điểm của những con sông hùng vĩ”, làm bối cảnh cho một thảm kịch trong tác phẩm của mình.

Mùa hè năm 1917, sau một cuộc tranh cãi lao động tại nhà máy nhôm, người da đen ở phía đông St. Louis đã bị truy đuổi, bắt giữ rồi treo lên để đánh đập, thiêu hoặc bắn chết.

Những người hàng xóm da trắng đối xử với họ tàn nhẫn vô cớ, quái đản và ngông cuồng. “Không phải công nhân da trắng Mỹ sắp chết đói”, Du Bois viết về sự bùng nổ kinh tế thời chiến, “mà vấn đề với họ là có nên thôi không sắm sửa phòng khách, mua chiếc đầu đĩa than, hay chiếc xe Ford không”.

 Bìa sách “The Broken Heart of America”. Ảnh: New York Times

Bìa sách “The Broken Heart of America”. Ảnh: New York Times

Cuộc thảm sát ở phía đông St. Louis năm 1917, trong cuốn “The Broken Heart of America” (Trái tim tan vỡ của nước Mỹ) của Walter Johnson, khắc họa bức tranh đáng sợ về thành phố này trong giai đoạn đặc biệt của lịch sử nước Mỹ gắn liền với sự thượng đẳng tự phong của dân da trắng, chủ nghĩa tư bản và bạo lực.

Johnson mở đầu cuốn sách với cuộc thám hiểm của Lewis và Clark vào đầu thế kỷ 19 và kết thúc bằng hình ảnh cảnh sát bắn chết Michael Brown, một người Mỹ gốc Phi không vũ trang, ở Ferguson, Missouri, năm 2014.

Là giáo sư tại Đại học Harvard và tác giả chai cuốn sách về chế độ nô lệ trước đây, Johnson thừa nhận ông cũng có liên quan cá nhân tới chủ đề này - không phải là nạn nhân của chủ nghĩa tư bản phân biệt chủng tộc mà “vô tình hưởng lợi” từ nó.

Ông lớn lên ở vùng ngoại ô cách phía tây St. Louis hai giờ lái xe, giữa một cộng đồng người da trắng chỉ ưa nói về những vấn đề kiểu “tài sản giá trị cao” hay “trường điểm”, và thường làm ngơ trước thói phân biệt chủng tộc của những người xung quanh bằng cách coi đó là vô tình.

Điều đó đã mang đến cho họ cảm giác vô can, ông viết, vì đã không nhận ra cuộc sống “thượng đẳng” của mình được xây dựng dựa trên sự bài xích.

Johnson sử dụng từ “xây dựng”, lập luận rằng sự phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng không chỉ thấm đẫm trong từng trang lịch sử của thành phố này mà còn được “tích hợp” trong kiến trúc và thậm chí cả cảnh quan vật lý của nó. Nằm ở nơi giao cắt của hai con sông: Mississippi và Missouri, St. Louis cũng là nơi chế độ nô lệ miền Nam giao thoa với những nỗ lực mở rộng lãnh thổ về phía tây.

Thành phố được coi là đầu não của chiến dịch Xóa bỏ Người da đỏ; và với Thỏa thuận Missouri năm 1820, nơi đây cũng trở thành một trong những tiền đồn cực bắc của chế độ nô lệ ở Liên bang miền Bắc.

Vào thế kỷ 20, St. Louis cũng là nơi áp dụng triệt để chính sách nhà ở bất công và dẹp bỏ các khu phố của người da đen. Những khu nhà ở tập thể khổng lồ theo dự án Pruitt-Igoe phổ biến trong thập niên 1950 và 1960 bị lãng quên, xập xệ tới mức không thể sửa chữa nổi trước khi “bị khai tử” thành đống đổ nát.

“Câu chuyện về địa lý nhân khẩu của St. Louis cũng giống như câu chuyện về ‘loại bỏ người da đen’”, Johnson viết, xâu chuỗi cùng với việc loại bỏ người da đỏ bản địa thế kỷ trước, để làm bật lên “sự lên ngồi của người da trắng.”

Khi nói đến lịch sử phân biệt và chủng tộc và bài xích ở Mỹ, St. Louis tuy không phải là nơi duy nhất “nhức nhối” về vấn đề này, nhưng lại cực đoan hơn cả.

Trong cuốn sách, ông đã đặt tiêu đề cho chương về Hội chợ Toàn cầu 1904 được tổ chức St. Louis là “Babylon của Thế giới mới” - cụm từ bắt nguồn từ lời khen ngợi trong Thời đại Kim tiền tôn vinh St. Louis như trung tâm văn hóa, nhưng Johnson thực chất ám chỉ tới ý nghĩa của Babylon trong Kinh Cựu ước - thành phố “tự hào về thời kỳ huy hoàng và những tham vọng vô biên của nó, nhưng lại mục ruỗng từ bên trong”.

Tác giả̉ Walter Johnson. Ảnh: New York Times

Johnson là nhà hùng biện tài giỏi và khéo léo, liên tục tung hứng, châm biếm về các sự kiện lịch sử trong khi nuôi dưỡng ngọn lửa giận dữ liên tục cháy trong lời văn của mình.

Đôi khi những ẩn dụ của ông có thể hơi quá gay gắt; sau khi mô tả cách thành phố Ferguson áp dụng mức tiền phạt “cắt cổ” đối với những người nghèo nhất để tài trợ cho chi phí hoạt động, có lẽ ông đã không cần phải so sánh một hình thức trích xuất doanh thu khác với việc “một kẻ nghiện đang dùng tiền ăn trưa của con mình để tiêu xài”.

Ông cũng có phần quá tỉ mỉ với những phân đoạn giải thích dài dòng mà đôi khi chỉ cần một lời cáo buộc gãy gọn là đủ.

Nhưng câu chuyện Johnson kể có nhiều yếu tố khiến ông cảm thấy cần phải làm rõ những rắc rối xoay quanh việc huy động tài trợ từ tăng thuế và trái phiếu đô thị, cũng như để người đọc nhận ra: quá nhiều sự bóc lột nằm trong từng chi tiết.

Trong “The Broken Heart of America”, St. Louis gắn với nhiều cột mốc “đầu tiên”: một trong nơi đầu tiên ghi nhận các vụ hành hình “kiểu giang hồ” đối với người da đen do vấn đề chủng tộc vào năm 1836; thành phố đầu tiên thông qua sắc lệnh phân khúc dân cư qua trưng cầu dân ý năm 1916.

Dred Scott đã nộp đơn kiện đòi tự do lần đầu tại St. Louis, nơi ông sinh sống; cuối cùng, nó đã đến được Tòa án Tối cao, nơi Chánh án Roger Taney phủ quyết vì cho rằng người da đen “không có các quyền mà người da trắng phải tôn trọng”.

Nhưng sự đoàn kết và phản kháng cũng sục sôi ở St. Louis. Trong cuộc Đại suy thoái, các công nhân da đen và da trắng đã cùng nhau thực hiện một loạt các cuộc biểu tình tại thành phố.

Cũng trong khoảng thời gian đó, những lao động nữ da đen đã khởi xướng một cuộc đình công tại nhà máy Funsten Nuts, lao động da trắng cũng tham gia; và cùng nhau, họ đã thành công trong việc buộc công ty phải tăng lương gấp đôi. Tám thập kỷ sau, vụ nổ súng giết chết Michael Brown đã khởi xướng phong trào Black Lives Matter.

Đoạn kết của Johnson bắt đầu bằng một hình ảnh đáng báo động: ngay bên ngoài St. Louis, một đám lửa đốt rác thải sinh hoạt dưới lòng đất đang lan dần đến bãi chôn rác thải hạt nhân.

Nhưng ông chưa dừng lại ở đó. Chín trang sau, ông đưa ra một hình ảnh khác, dường như đối lập với cái trước, về những vận động viên thiếu niên tập chạy vòng quanh một tuyến đường phía bắc thành phố.

Đối với nhiều em trong số đó, cuộc sống ở nhà rất khó khăn, nhưng năm ngoái, hơn một nửa đội đủ điều kiện tham gia Thế vận hội. “Chúng chạy trong ánh nắng tắt dần”, Johnson viết, “những đứa trẻ đang có những bước tiến dài không tưởng”.

Khánh Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/st-louis-va-trai-tim-tan-vo-cua-nuoc-my-post1082587.html