SSI Research: Vietjet có thể bù lỗ một phần nhờ bán tàu bay

Trong bối cảnh tỷ lệ chi tiền mặt tăng cao, dòng tiền kinh doanh âm, hoạt động bán và thuê lại tàu bay được kỳ vọng có thể xóa một số khoản lỗ trong hoạt động của Vietjet.

Theo cập nhật từ bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, Công ty CP Hàng không Vietjet (VJC) mới đây đã tổ chức cuộc họp để cập nhật kết quả kinh doanh tới các nhà đầu tư và cổ đông.

Tính từ đầu năm, hãng hàng không giá rẻ này ghi nhận số dư tiền mặt giảm từ 6.000 tỷ đồng xuống 2.500 tỷ vào cuối quý II và giảm tiếp xuống 2.300 tỷ đồng đến cuối quý III. Điều này có nghĩa hãng đã chi 200 tỷ từ số dư tiền mặt trong quý III và 3.700 tỷ sau 9 tháng từ đầu năm cho hoạt động kinh doanh.

Theo đánh giá từ các chuyên gia của SSI Research, dù tốc độ chi tiền mặt của Vietjet đã chậm lại trong quý III nhưng điều này là nhờ một số khoản đóng góp từ các hoạt động không cốt lõi như bán tài sản (1.300 tỷ trong 9 tháng). Nếu không có khoản thu nhập này, tỷ lệ chi tiền mặt của hãng sẽ cao hơn nhiều.

Cũng trong quý III, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vietjet ghi nhận số âm 1.200 tỷ đồng, mức này vẫn đáng báo động khi cân đối với lượng dự trữ tiền mặt 2.300 tỷ của công ty.

Trong bối cảnh tốc độ chi tiền mặt từ đầu năm ở mức cao, ban lãnh đạo Vietjet đang kỳ vọng nhận được khoản vay lãi suất thấp cùng loại dành cho Vietnam Airlines. Đây cũng được xem là phương án hỗ trợ thanh khoản tốt nhất cho hãng trong điều kiện hiện nay.

Theo các chuyên gia, Vietjet hiện không có kế hoạch tăng vốn trong quá trình hoạt động. Việc bán cổ phiếu quỹ có thể bổ sung cho hãng thanh khoản lớn nhưng đây không phải là phương án tối ưu tại thời điểm này. Nguyên nhân do Vietjet sẽ phải ghi nhận lỗ từ hoạt động bán cổ phiếu quỹ nói trên khi giá gốc của lô cổ phiếu quỹ là 137.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá thị trường hiện tại của cổ phiếu VJC là gần 118.000 đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia dự báo giao dịch bán và cho thuê lại tàu bay giúp Vietjet bù đắp thanh khoản và xóa một phần lỗ trong hoạt động kinh doanh chính.

Theo kế hoạch, Vietjet dự kiến nhận bàn giao 4-5 tàu bay qua các giao dịch bán và cho thuê lại trong quý IV/2020. Theo tính toán, hãng hàng không giá rẻ này có thể ghi nhận khoảng 2.000 tỷ doanh thu từ nghiệp vụ nói trên. Về dài hạn, công ty đang có kế hoạch nhận khoảng 10 tàu bay trong 2-3 năm tới thông qua vay ngân hàng, bán và thuê lại.

 Hoạt động bán và thuê lại tàu bay có thể giúp Vietjet bù lỗ một phần hoạt động kinh doanh chính. Ảnh: Hoàng Hà.

Hoạt động bán và thuê lại tàu bay có thể giúp Vietjet bù lỗ một phần hoạt động kinh doanh chính. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong tháng 1/2021, hãng dự kiến nhận bàn giao khoảng 3 tàu bay theo giao dịch bán và cho thuê lại, điều này có thể xóa một số khoản lỗ nhờ lợi nhuận bất thường từ nghiệp vụ này.

Cùng với Vietnam Airlines, Vietjet Air cũng là hãng hàng không trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Sau 9 tháng từ đầu năm, hãng hàng không này mới ghi nhận 13.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Cùng thời gian, hãng ghi nhận khoản lỗ trước thuế 2.600 tỷ đồng (cùng kỳ lãi dương 4.100 tỷ đồng).

Thậm chí, khoản lỗ nói trên có được là nhờ được bù đắp một phần bởi khoản thu nhập bất thường 1.800 tỷ, bắt nguồn từ việc bán tài sản và nhận bồi thường từ Airbus do giao máy bay muộn. Nếu loại trừ khoản thu nhập này, lợi nhuận trước thuế của Vietjet sẽ âm tới 4.400 tỷ đồng sau 9 tháng từ đầu năm.

Tính riêng tại công ty mẹ - Vietjet, hãng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 12.000 tỷ (giảm 60%) và âm 2.300 tỷ đồng. Riêng quý 3, doanh thu của Vietjet đã giảm 79% so với cùng kỳ và lỗ trước thuế 930 tỷ đồng.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ssi-research-vietjet-co-the-bu-lo-mot-phan-nho-ban-tau-bay-post1160650.html