Sri Lanka muốn thu hồi cảng Trung Quốc thuê: Quá muộn

Trung Quốc nhiều lần khẳng định việc xây dựng và thuê cảng Hambantota là bình đẳng và có tham vấn, vì vậy khó hủy bỏ thỏa thuận thuê cảng 99 năm.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Sri Lanka, Tổng thống Sri Lanka Gototti Rajapaksa đã bày tỏ lo ngại về những gì đã xảy ra trong việc cho phép Trung Quốc thuê cảng Hambantota.

Tổng thống Sri Lanka Gototti Rajapaksa

Tổng thống Sri Lanka Gototti Rajapaksa

"Tôi nghĩ là chúng không khả thi. Hãy nhớ rằng, Đảng của chúng tôi đã từng phản đối dự án này. Đây là một cảng chiến lược... chúng phải nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ. Chúng ta không nên chỉ nghĩ về hiện tại, chúng ta cũng phải nghĩ về thế hệ tương lai.

Thế hệ sau sẽ nguyền rủa chúng ta nếu chúng ta giao tài sản quan trọng của mình cho nước ngoài. Đó là vì sao chúng tôi muốn thảo luận để đưa ra một giải pháp tốt" - ông Rajapaksa bình luận.

Trước đó, truyền thông Sri Lanka rầm rộ dẫn lời ông Ajith Nivard Cabraal, cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Sri Lanka, cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa mới đây cho biết, Chính phủ mới đang muốn thu hồi thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng biển Hambantota 99 năm, do lo ngại lợi ích quốc gia.

"Chúng tôi muốn họ trả lại cảng Hambantota. Tình huống lý tưởng nhất là quay lại hiện trạng ban đầu. Chúng tôi sẽ trả lại khoản vay đúng hạn theo cam kết ban đầu mà không để xảy ra bất kỳ xáo trộn nào" - ông Cabraal cho biết.

Cựu Thủ tướng Ranil Wickremeinghe hồi năm 2017 từng thay đổi các điều khoản và nói rằng, sẽ rất khó trả các khoản vay đã nhận để xây dựng dự án. Ông đồng ý cho Công ty xây dựng cảng China Merchants Port Holdings của Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm để đổi lấy 1,1 tỷ USD. Điều đó giúp giảm bớt một phần gánh nặng nợ Trung Quốc trong việc xây dựng cảng - ông Wickremeinghe cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018.

Cảng Hambantota được xem là dự án điển hình trong cuộc tranh cãi liên quan tới sáng kiến “Vành đai và Con đường”, kéo dài từ Kenya đến Myanmar, của Trung Quốc.

Dự án đồng thời gây ra lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng cảng biển vào mục đích quân sự. Có nhiều cáo buộc cho rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang "dụ" các nước nghèo vào "bẫy nợ".

Chưa rõ Tổng thống Sri Lanka sẽ đàm phán với phía Trung Quốc thế nào về việc thỏa thuận lại việc nợ và cho thuê cảng Hambantota nhưng điều này dường như rất khó khăn.

Cho đến nay, Trung Quốc liên tục bác bỏ các cáo buộc đối với các dự án của nước này nằm trong chuỗi dự án "Vành đai- Con đường" rằng đây là "bẫy nợ" và mang ý đồ quân sự.

Trung Quốc không thấy có vấn đề với Hambantota, sao phải nhường bước vì chính quyền mới ở Sri Lanka?

Trung Quốc cho rằng cảng Hambantota nằm trên tuyến đường biển quan trọng từ Á sang Âu, hai bên sẽ cùng có lợi và đóng góp vào nền kinh tế Sri Lanka.

"Hợp tác Trung Quốc - Sri Lanka, bao gồm dự án cảng Hambantota, được xây dựng dựa trên bình đẳng và tham vấn", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong một thông báo gửi báo chí. "Trung Quốc mong muốn hợp tác với Sri Lanka để biến Hambantota thành một trung tâm vận chuyển mới ở Ấn Độ Dương và phát triển nền kinh tế địa phương" - Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Chuyên gia Smruti Pattanaik, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phòng vệ và phân tích ở New Delhi - Ấn Độ, đánh giá rất khó để Trung Quốc hủy bỏ thỏa thuận thuê cảng Hambantota.

"Đây là thỏa thuận có liên quan vấn đề chủ quyền và không có khả năng nó bị hủy bỏ hoặc thay thế theo một cách đáng kể nào. Trung Quốc có thể xem xét lại một số điều khoản nếu điều đó quan trọng đối với chính quyền ông Rajapaksa" - vị chuyên gia nhận định.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/sri-lanka-muon-thu-hoi-cang-trung-quoc-thue-qua-muon-3392460/