'Squid Game' bóc trần khủng hoảng nợ nần ở Hàn Quốc

Theo các chuyên gia, người Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ Millennials và thậm chí trẻ hơn, đã phải trả giá cho sự phát triển nhanh chóng của đất nước trong khoảng thời gian ngắn.

Angela (62 tuổi), chủ tiệm nail ở Midtown, New York, Mỹ, từng đều đặn gửi một phần thu nhập về cho người thân ở Seoul, Hàn Quốc.

Hiện, bà vẫn gửi tiền cho chị gái nhưng đã ngừng chu cấp cho con trai và con gái (đều khoảng 30 tuổi) từ 3 năm trước.

Angela không chấp nhận việc con gái (đã kết hôn) dùng tiền mẹ gửi để mua túi xách, đồ trang điểm và quần áo hàng hiệu. Con trai bà cũng sống vượt quá khả năng tài chính.

Người mẹ không biết con trai mình có nợ thẻ tín dụng hay không.

“Tôi rất sợ tìm hiểu sự thật. Tôi không hỏi nhưng nói với con trai rằng ‘Không có khoản chu cấp nào nữa’”, bà nói với The New York Post.

 Sự tuyệt vọng về nợ nần ở Hàn Quốc được tái hiện qua bộ phim Squid Game.

Sự tuyệt vọng về nợ nần ở Hàn Quốc được tái hiện qua bộ phim Squid Game.

Angela chưa xem Squid Game - bộ phim ăn khách nhất trên Netflix, phản ánh chi phí sinh hoạt cao ở Hàn Quốc cũng như khoản nợ thẻ tín dụng khổng lồ và nỗi xấu hổ đi kèm.

“Có không ít sự thật trong đó nhưng nó cũng khiến người Hàn Quốc trông thật thảm hại”, bà nói.

Không may cho Angela, bộ phim bạo lực về 456 người Hàn Quốc chìm trong nợ nần và tuyệt vọng, chấp nhận tham gia loạt loạt trò chơi sinh tồn để giành giải thưởng 38 triệu USD, sẽ không biến mất. Đầu tháng này, Hwang Dong-hyuk, người sáng tạo Squid Game, xác nhận sẽ sản xuất mùa thứ hai.

Trả giá

Các nhà phân tích Hàn Quốc nói rằng bộ phim phản ánh mặt trái của cái gọi là “phép màu trên sông Hàn” hay sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của nền kinh tế Hàn Quốc kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc.

Năm 1953, hơn một nửa dân số Hàn Quốc sống trong cảnh nghèo đói và hơn một nửa mù chữ. Nhưng đến cuối năm 1996, đất nước này đã trở thành thành viên thứ 29 của OECD - tổ chức bao gồm các quốc gia tiên tiến.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết người Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) và thậm chí là trẻ hơn, đã phải trả giá cho sự phát triển nhanh chóng của đất nước trong khoảng thời gian ngắn.

Jinah Kwon, giảng viên khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Hàn Quốc, nói: “Người Hàn Quốc mong muốn có những khoảng thời gian tốt đẹp hơn vì họ đã phải trải qua nhiều khó khăn. Niềm háo hức có cuộc sống tốt hơn khiến họ làm mọi thứ có thể. Tuy nhiên, tất cả những gì mà chủ nghĩa tư bản dồn nén đã khiến mọi thứ trở nên có chút điên rồ”.

Ý tưởng cho Squid Game không hề xuất hiện nhất thời. Nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây.

Kwon cho biết hệ thống giáo dục nói riêng, đặc biệt là từ những năm 1970, rất khắc nghiệt đối với trẻ em Hàn Quốc. Bản thân Kwon thường xuyên đến trường lúc 8h sáng và 23h mới về nhà.

Tuy nhiên, bất chấp những năm tháng học tập và làm việc chăm chỉ, người Hàn Quốc dưới 40 tuổi phải đối mặt với không ít thách thức kinh tế.

Nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc, nơi mà một ngôi nhà trung bình hiện có thể có giá lên tới 1 triệu USD, đã tăng vọt trong những năm gần đây và hiện là mức cao nhất ở châu Á, theo số liệu thống kê từ Nodutdol, tổ chức cộng đồng người Hàn Quốc có trụ sở tại New York.

Các hộ gia đình Seoul nợ trung bình 44.000 USD, theo một nghiên cứu năm 2018 của Viện Seoul.

Kwon cho biết thẻ tín dụng với các hạn mức khổng lồ rất dễ kiếm được. Bên cạnh đó, sự thôi thúc sử dụng chúng trở nên tồi tệ hơn do tính cạnh tranh gay gắt của xã hội Hàn Quốc.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Theo một báo cáo năm 2020 từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tự tử là nguyên nhân gây tử vong số một đối với những người trẻ tuổi kể từ năm 2007.

Áp lực xã hội

“Hàn Quốc có thể là xã hội không khoan nhượng”, Greg Scarlatoiu, Giám đốc điều hành của Ủy ban Nhân quyền ở Triều Tiên, sống ở Seoul 20 năm nay, nói.

“Đất nước này đã trải qua những thay đổi và tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian tương đối ngắn. Rất nhiều người đã bị bỏ lại phía sau. Nhiều người lâm vào cảnh nợ nần vì áp lực phải theo kịp cá nhân khác và trở thành người giỏi nhất, mua những thứ tốt nhất. Họ không tìm thấy lối thoát”, ông cho biết.

Theo ông Scarlatoiu, choi moyon (giữ thể diện) rất được coi trọng trong văn hóa Hàn Quốc.

“Ở Mỹ, thất bại là mẹ thành công. Bạn có thể tuyên bố phá sản và không ai bận tâm về điều đó. Nhưng ở Hàn Quốc, rất khó để vực dậy sau thất bại”, ông nói.

Để sáng tạo ra Squid Game, đạo diễn Hwang lấy cảm hứng từ chính cuộc khủng hoảng tài chính của bản thân, xảy ra sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008.

“Tôi gặp khó khăn về tài chính, trong khi mẹ phải nghỉ việc ở công ty. Tôi làm phim nhưng không thể thu hồi vốn và phải ở không trong khoảng một năm. Tôi, mẹ và cả bà ngoại đều phải đi vay nợ”, Hwang nói với The Guardian.

Vùi mình trong các quán cà phê truyện tranh ở Seoul, Hwang đọc nhiều cuốn sách sinh tồn.

“Tôi cảm thấy mối liên kết giữa mình và các nhân vật khao khát tiền bạc và sự thành công. Đó là khoảng thời gian khủng hoảng trong cuộc đời tôi. Nếu có một trò chơi sinh tồn như vậy trong thực tế, tôi tự hỏi liệu mình có tham gia nó để kiếm tiền cho gia đình không?”, ông nhớ lại.

Theo giảng viên Jinah Kwon, người Hàn Quốc mong muốn được hưởng thụ khoảng thời gian tốt đẹp hơn bởi họ từng trải qua nhiều khó khăn.

Không chỉ ở Hàn Quốc, Hwang chứng kiến con người mắc kẹt trong sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề này đặc biệt tồi tệ ở quê hương mình.

Gordon Chang, tác giả sách, cho biết không phải ngẫu nhiên mà Squid Game và tác phẩm nổi tiếng khác của điện ảnh Hàn Quốc là Parasite thể hiện những người Hàn Quốc ở đường cùng.

“Các nhà làm phim đã khiến Hàn Quốc trông thật kinh khủng, mặc dù nó thực sự không tệ như vậy. Khán giả xem phim đều nghĩ rằng người dân xứ kim chi đang tham gia vào cuộc đấu tranh sinh tồn giống như vậy”, ông nhận định.

Tuy nhiên Sean King, chuyên gia châu Á tại công ty Park Strategies, cho biết ông không đồng tình rằng Squid Game là chiêu bài hạ thấp Hàn Quốc và người dân của quốc gia này.

“Tất cả những gì Squid Game làm là cho phép người dân ở các quốc gia khác thấy rằng người Hàn Quốc cũng gặp vấn đề tương tự với họ”, ông nói.

Thiên Nhi

Ảnh: Netflix

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/squid-game-boc-tran-khung-hoang-no-nan-o-han-quoc-post1278888.html