SPYDER-MR Việt Nam nối dài tầm bắn nhờ tên lửa đặc biệt?

Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Rafael đã hoàn thành việc thử nghiệm phiên bản tăng tầm của tên lửa Derby.

SPYDER là hệ thốngtên lưảphòng không di động rất lợi hại do Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Rafael của Israel nghiên cứu chế tạo.

Tổ hợp này gồm 2 phiên bản, đó là biến thể tầm ngắn SPYDER-SR và tầm trung SPYDER-MR, được trang bị 2 loại đạn đánh chặn phát triển từ tên lửa không đối không bao gồm Python-5 cùng Derby.

Python-5 là tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại, có tầm bắn tối đa 20 km khi phóng từ trên không; trong khi đó Derby được lắp đầu dò radar chủ động, phạm vi hoạt động lớn nhất lên tới 50 km; cả hai đều có chế độ Khóa mục tiêu sau khi phóng - Lock on after launch (LOAL).

Khi tích hợp vào tổ hợp SPYDER-SR, tên lửa Python-5 và Derby sẽ bảo đảm tiêu diệt mục tiêu bay từ cự ly 16 km, trần bay 9 km; còn nếu lắp thêm tầng khởi tốc để triển khai từ SPYDER-MR thì các thông số tương đương sẽ là 35 km và 16 km.

Tên lửa Python-5 cùng với Derby - Phiên bản trang bị cho tổ hợp phòng không SPYDER-SR/MR, ngoài cùng bên phải là đạn Stunner của David's Sling. Ảnh: Tập đoàn Rafael.

Tên lửa Python-5 cùng với Derby - Phiên bản trang bị cho tổ hợp phòng không SPYDER-SR/MR, ngoài cùng bên phải là đạn Stunner của David's Sling. Ảnh: Tập đoàn Rafael.

Nhờ sử dụng loại tên lửa gọn nhẹ, thời gian phản ứng nhanh, xác suất tiêu diệt mục tiêu rất cao mà SPYDER được xếp vào hàng ngũ những hệ thống tên lửa phòng không lợi hại nhất thế giới.

Mặc dù vậy, nó vẫn tồn tại một nhược điểm đó là tầm bắn lớn nhất còn thua kém một vài tổ hợp tầm trung khác như Buk-M2/M3 (50/70 km) của Nga, hay HQ-16A/B (42/70 km) do Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên mọi việc đã có sự thay đổi khi Tập đoàn Rafael tuyên bố hoàn thành việc thử nghiệm phiên bản hiện đại hóa của tên lửa Derby với tên gọi I-Derby ER.

Tên lửa I-Derby ER được trưng bày bên cạnh Python-5 tại Triển lãm Aero India 2015. Ảnh: Tập đoàn Rafael.

So với phiên bản cũ, I-Derby ER không có thay đổi về mặt ngoại hình. Tuy nhiên nhờ được bổ sung những công nghệ mới áp dụng trên tên lửa đánh chặn Tamir thuộc hệ thống Iron Dome, đáng kể nhất là tối ưu hóa quỹ đạo bay nhờ thuật toán điều khiển tiên tiến mà tầm bắn đã tăng vọt lên gấp đôi (lên tới 100 km).

Bên cạnh đó, tên lửa còn được lắp đặt đầu dò radar chủ động nâng cấp có độ nhạy cũng như khả năng kháng nhiễu điễn tử cao hơn, giúp nó đủ sức bắn hạ mọi mục tiêu bay từ tiêm kích, trực thăng, cho tới tên lửa hành trình... trong mọi điều kiện thời tiết.

Nhà sản xuất thông báo rằng các máy bay chiến đấu cũ không cần thay đổi gì để mang I-Derby ER, ngoài ra nó còn được thiết kế phù hợp với bệ phóng đang sử dụng của hệ thống SPYDER-SR lẫn SPYDER-MR.

Điều đó có nghĩa là nếu tích hợp loại đạn đánh chặn này vào thì tầm bắn của SPYDER-SR/MR sẽ tăng vọt so với hiện nay.

Rafael chưa công bố chính thức tầm bay của I-Derby ER khi phóng đi từ mặt đất là bao nhiêu, nhưng ước chừng khi lắp thêm tầng khởi tốc thì con số này sẽ dao động trong khoảng 50 - 70 km, tức là tương đương Buk-M2/M3 hay HQ-16A/B và tiệm cận với S-350E Vityaz.

Đây thực sự là thông tin rất đáng quan tâm đối với những quốc gia đã hoặc sẽ trang bị hệ thống SPYDER cho lực lượng phòng không của quân đội mình, ví dụ như việt Nam.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/spyder-mr-viet-nam-noi-dai-tam-ban-nho-ten-lua-dac-biet/20190919045650735