Sputnik V hiệu quả cỡ nào?

Nga vừa thông báo kết quả phân tích lần thứ hai dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của nước này cho hiệu quả tới hơn 95%.

Một nhân viên y tế tiêm vaccine thử nghiệm tại Nga. Ảnh: AP

Một nhân viên y tế tiêm vaccine thử nghiệm tại Nga. Ảnh: AP

Trong thông báo hôm 24-11, Bộ Y tế Nga, Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) cho rằng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng dựa trên kết quả 39 trường hợp được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2. Trong số gần 19.000 bệnh nhân được tiêm cả hai mũi, Sputnik V có hiệu quả lên tới 91,4% vào ngày thứ 28 và hơn 95% vào ngày thứ 42. Trước đó, chế phẩm này chỉ cho hiệu quả 92% trong đợt phân tích sơ bộ.

Hiệu quả ngừa bệnh cao như thế, song Điện Kremlin cùng ngày thông báo Tổng thống Vladimir Putin sẽ không tiêm vaccine Sputnik V. “Chúng tôi vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng rộng rãi vaccine Sputnik V và người đứng đầu nhà nước không thể tham gia tiêm chủng như một tình nguyện viên. Tổng thống Putin không thể dùng một vaccine chưa được chứng nhận”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh. Ông Peskov giải thích rằng Sputnik V chưa hoàn thành các thử nghiệm cuối cùng, dù vaccine đã được Nga phê chuẩn và tiêm cho nhiều nhân viên y tế, giáo viên cũng như các quan chức cấp cao, trong đó có Giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev.

Ông Dmitriev tuyên bố Nga sẽ bán vaccine Sputnik V với giá thấp hơn các đối thủ khác có hiệu quả tương tự, trong bối cảnh xứ bạch dương đặt mục tiêu sản xuất hơn 1 tỉ liều trong và ngoài nước vào năm 2021. Theo RDIF, giá một liều vaccine Sputnik V cho thị trường quốc tế sẽ dưới 10USD, rẻ hơn các vaccine nước ngoài ít nhất 2 lần. Trước đó, Tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vaccine ngừa COVID-19 do hãng cùng BioNTech (Đức) hợp tác phát triển cho thấy hiệu quả đến 95%. Vaccine thử nghiệm của Công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna cũng phát huy tới 94,5% hiệu quả trong phòng ngừa COVID-19. Trong khi Sputnik V dựa trên công nghệ vector đưa mã gien virus vào cơ thể, hai loại vaccine của Pfizer và Moderna đều áp dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA) và có mức giá lần lượt khoảng 20USD/liều và 25-37USD/liều.

Liên quan vaccine Sputnik V, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova ngày 23-11 cho biết Mát-xcơ-va dự kiến triển khai một chương trình tiêm chủng đại trà vào năm tới. Bà Golikova thông báo các nhân viên y tế, giáo viên và những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao sẽ được ưu tiên tiếp cận với các loại vaccine này. Được biết, các nhà sản xuất Nga lên kế hoạch điều chế hơn 2 triệu liều Sputnik V cho đến cuối năm nay. Theo RDIF, người dân Nga sẽ được tiêm vaccine này miễn phí.

Châu Âu thận trọng

Tuần rồi, lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã được chuyển tới Hungary để thử nghiệm lâm sàng. Nói như Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, các chuyên gia nước này sẽ có cơ hội nghiên cứu Sputnik V và đưa ra quyết định về việc sử dụng cũng như cấp phép vaccine. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho rằng việc Hungary lên kế hoạch nhập khẩu và sử dụng Sputnik V đã đặt ra những lo ngại về sự an toàn và có thể ảnh hưởng niềm tin đối với các vaccine tiềm năng. Kế hoạch của Hungary là bước đi chưa từng có đối với một quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên. Bởi theo luật của EU, Sputnik V phải được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu cấp phép trước khi sử dụng trong khối này.

Sputnik V hồi tháng 8 đã trở thành vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới được cấp phép. Dù vậy, cộng đồng quốc tế nghi ngờ tính hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine này bởi Nga đã không công bố bất cứ dữ liệu thử nghiệm về lâm sàng nào của giai đoạn đầu hoặc bắt tay thực hiện thử nghiệm giai đoạn III lúc đó.

Cho đến gần đây, sau khi Nga thông báo Sputnik V cho hiệu quả 92% trong đợt phân tích sơ bộ, các nhà khoa học đã kêu gọi nên thận trọng với kết quả này. Tiến sĩ Peter Hotez tại Bệnh viện Dược Baylor (Mỹ) chia sẻ với Kênh CNN rằng quá ít khi chỉ dựa vào 20 ca nhiễm COVID-19 trong số những người tham gia thử nghiệm giai đoạn III để kết luận hiệu quả của vaccine Sputnik V. Nga tung ra kết quả này chỉ vài ngày sau khi Pfizer/BioNTech công bố vaccine của họ đạt hiệu quả hơn 90%.

Mỹ có kế hoạch phân phối khoảng 40 triệu liều vaccine

Ngày 24-11, giới chức Mỹ cho biết nước này có kế hoạch phân phối khoảng 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 12 tới.

Dự kiến, trong khoảng 40 triệu liều vaccine, có 6,4 triệu liều vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất sẽ được phân phối ngay trong tuần đầu tiên sau khi được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Một ủy ban của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến nhóm họp vào ngày 10-12 tới để quyết định liệu có “bật đèn xanh” cho vaccine của Pfizer/BioNTech hay không.

Loại vaccine trên đòi hỏi nhiệt độ bảo quản cực lạnh (-70 độ C), do đó Pfizer đã sản xuất những chiếc hộp đặc biệt cùng với đá khô để bảo quản vaccine với thời gian lên đến 15 ngày.

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Post)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/sputnik-v-hieu-qua-co-nao-a127790.html