'Spider-Man: No Way Home' - bom tấn đẳng cấp của Hollywood

Hòa quyện sự tinh túy trong những câu chuyện về Người Nhện, bom tấn mới của Marvel vừa hấp dẫn thị giác vừa giàu cảm xúc khi đặt nhân vật trở về giá trị nguyên bản.

Thể loại: Hành động - Kỳ ảo

Đạo diễn: Jon Watts

Diễn viên: Tom Holland, Zendaya, Benedict Cumberbatch, Jacob Batalon Jon Favreau, Jamie Foxx, Willem Dafoe, Alfred Molina, Benedict Wong, Tony Revolori, Marisa Tomei, J. K. Simmons

Đánh giá: 7,5/10

(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Mọi ánh mắt đổ dồn về các rạp chiếu, nơi Spider-Man: No Way Home sẽ ra mắt cuối tuần này. Bom tấn của Marvel có một vị trí đặc biệt trong ngành điện ảnh ở tháng cuối năm 2021. Nó mang theo hy vọng kéo lại khán giả của Hollywood sau một năm khó khăn, cũng như kỳ vọng về một tác phẩm thỏa lòng các fan của Người Nhện. Lời đồn đoán về những nhân vật “đặc biệt” trong phim càng khiến sự trông chờ được nén chặt trước ngày công chiếu.

Bộ phim nối tiếp sự kiện trong Spider-Man: Far From Home (2019), khi ác nhân Mysterio vu cho Người Nhện (Tom Holland) gây ra cuộc tấn công ở châu Âu, đồng thời thông báo cho cả thế giới biết tên cậu là Peter Parker. Cuộc sống của Peter Parker cùng bạn gái MJ (Zendaya) và bạn thân Ned (Jacob Batalon) đảo lộn dưới sự soi mói của mọi người. Tờ Daily Bugle của ông chủ báo J. Jonah Jameson (J. K. Simmons) thì liên tiếp quy chụp Người Nhện như một kẻ gây hại cho xã hội.

 Spider-Man cùng Doctor Strange trong phim mới.

Spider-Man cùng Doctor Strange trong phim mới.

Quá mệt mỏi, Peter đến gặp Dr. Strange (Benedict Cumberbatch) để cậy nhờ. Vị pháp sư này quyết định thực hiện một phép thuật khiến mọi người quên đi Người Nhện là Peter Parker. Trong nghi lễ làm phép, Peter hốt hoảng trước viễn cảnh cả người thân thiết cũng quên mình, khiến Strange mắc sai lầm. Hậu quả là những kẻ biết danh tính Người Nhện từ các vũ trụ khác bị triệu hồi đến dòng thời gian này.

Họ bao gồm tiến sĩ Otto Octavius (tức Doc Ock, Alfred Molina đóng), Norman Osborn (tức Green Goblin, Willem Dafoe đóng), Max Dillon (tức Electro, Jamie Foxx đóng), Flint Marko (tức Sandman, Thomas Haden Church đóng) và Curt Connors (tức Lizard, Rhys Ifans đóng). Nhóm ác nhân này nhanh chóng gây ra sự hỗn loạn, khiến Người Nhện và Dr. Strange phải giải quyết.

Giá trị nguyên bản của Người Nhện

Spider-Man: No Way Home đã là phim live-action (người đóng) thứ 8 về Người Nhện trong 20 năm qua. Điều đó khẳng định sức hút của nhân vật, nhưng cũng đặt ra thử thách lớn rằng liệu còn gì mới mẻ để khai thác về siêu anh hùng “hàng xóm thân thiện” này.

Đã có quá nhiều phim Marvel xoay quanh vận mệnh thế giới hay “sự cân bằng của vũ trụ”. No Way Home thậm chí đẩy điều đó xa hơn khi là phim đầu tiên trong series này bàn trực tiếp đến đa vũ trụ. Mặc dù nó liên tục nhắc về các khái niệm to tát như phép thuật hay kết cấu của thực tại, vẫn có một sự hấp dẫn đến từ chủ đề cá nhân. Đến cuối cùng, bộ phim có kinh phí 200 triệu USD vẫn là câu chuyện về hành trình trưởng thành của một chàng thiếu niên trung học.

Người Nhện và bạn gái liên tục gặp rắc rối sau vụ lộ danh tính.

Bộ phim của Jon Watts dành khá nhiều thời lượng mô tả cuộc sống của Peter và bạn bè sau khi bị lộ danh tính. Cậu trở thành tâm điểm truyền thông, luôn bị những kẻ săn tin đeo bám. Dư luận có hai luồng ý kiến đối lập: một tôn sùng Peter như một siêu sao, một cho rằng cậu là kẻ xấu và gây ra thiệt hại cho xã hội. Quan điểm thứ hai được dẫn dắt bởi nhân vật của tài tử kỳ cựu J.K. Simmons, người đã tái xuất với vai diễn mang cả sự trào phúng và hiện thực về cách truyền thông đương đại hoạt động.

Mạch phim khắc họa nhiều nỗ lực của MJ, Ned, dì May (Marisa Tomei) và Happy Hogan (Jon Favreau) để giữ cho cuộc sống của Peter bình yên. Một tình tiết khá thú vị là dù Peter đã là người hùng tầm thế giới, mối bận tâm chính của cậu vẫn là năm cuối cấp và đại học. Sự đan xen giữa những chủ đề rất to tát và các mối quan tâm đời thường được hòa quyện trong lối kể khá nhịp nhàng ở một phần ba đầu phim.

Về cơ bản, ba phim gần nhất về Người Nhện khắc họa quá trình chuyển mình của nhân vật, từ sự ngây thơ, đến nỗi đau khi mất người dìu dắt (Iron Man), rồi những câu hỏi về bản ngã. Sau khi bị lật mở tên tuổi, Peter Parker đứng trước cuộc khủng hoảng danh tính. Cả thế giới đang nhìn nhận cậu dưới danh nghĩa “Người Nhện”, trong khi số người thực sự hiểu rõ cậu như một con người với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả một người đầy kinh nghiệm như Doctor Strange, đã từng vào sinh ra tử cùng Peter, cũng không thật sự hiểu rõ tính cách của cậu.

Nhiều vấn đề lớn được đặt ra với chính Peter trong phần này. Tấm lòng cao thượng, hết lòng vì người khác liệu có phải một điểm yếu dẫn đến tai họa? Liệu bao nhiêu trận chiến, bao nhiêu kẻ thù và mất mát có thể đẩy một người hùng như Peter Parker đến với mặt tối trong tâm hồn mình?

Doc Ock tái xuất trong "No Way Home".

Khi những phản diện cũ tái xuất, chúng ta được nhắc nhở về một mô-típ trong loạt phim Spider-Man rằng hầu hết họ là những người có tâm hồn tốt nhưng chệch hướng. Một số trở nên méo mó do chính vận may làm họ có siêu năng lực. Họ đi sai đường do thiếu người hướng dẫn hay những khoảnh khắc giác ngộ mà Người Nhện may mắn có được. Vũ trụ mới có thể trở thành một thế giới khác để họ tàn phá, nhưng cũng có thể là một cơ hội thứ hai. Song, liệu có phải kẻ ác nào cũng xứng đáng với sự nhân từ?

Kịch bản khéo léo xử lý các nút thắt về logic cảm xúc nhân vật, để đến cuối phim, các câu hỏi lớn hầu như được trả lời thỏa đáng. Mười phút cuối của phim thật sự đáng giá với đủ cung bậc tình cảm, từ hứng khởi, bồi hồi, âu lo đến cả sự xúc động vì lựa chọn của nhân vật. Đó cũng là thời điểm mà bộ phim trả Người Nhện về với những giá trị nguyên bản từng khiến người xem yêu mến nhân vật này.

Màn chiêu đãi về thị giác

Có lẽ, sẽ rất khó có dịp nào khác mà khán giả được thấy Người Nhện đối đầu với hàng loạt kẻ phản diện lừng lẫy. Khả năng đu lượn, phóng tơ của chàng siêu anh hùng sẽ đọ sức với những chiếc vòi bạch tuộc bằng máy của Doc Ock, luồng điện của Electro hay khả năng tấn công chớp nhoáng của Green Goblin. Một trong những trường đoạn ấn tượng nhất phim là khi Người Nhện giao đấu Doc Ock trên cầu, vừa mang hoài niệm đẹp về Spider-Man 2 (2004), vừa cập nhật các yếu tố hiện đại về công nghệ.

Đó là chưa kể tới Doctor Strange, sự bổ sung đáng giá cho tác phẩm cả về tình tiết lẫn yếu tố hành động. Trong cảnh phim theo phong cách Inception, vị phù thủy cùng Người Nhện tạo ra một cuộc du hành ngoạn mục xuyên vũ trụ kỳ ảo. Anh cũng xuất hiện ở nhiều tình tiết then chốt và giữ vai trò kết nối đến các phần sau của Vũ trụ Điện ảnh Marvel.

Spider-Man cùng Doc Ock giao chiến trên cầu.

Dù hơi nhạt nhòa về hành động ở phần giữa, tác phẩm kịp lấy lại phong độ cho màn chiến đấu đủ kịch tính và cảm xúc ở cuối phim. Với phong cách vừa giễu cợt vừa nghiêm túc, phần này kết hợp rất nhiều điều từng khiến Người Nhện trở nên đặc biệt. Giữa một trường hành động đầy màu sắc và kỹ xảo, kịch bản lại khéo léo đưa đẩy cao trào là tình tiết nhấn mạnh vào nội tâm nhân vật. Đó là lúc Người Nhện phải đối mặt câu hỏi quan trọng dành cho bản thân: liệu cậu nên hay không đi quá giới hạn trên con đường chống lại kẻ xấu?

Dàn sao bảo chứng diễn xuất

Ở phần ba của series, Tom Holland và Zendaya tiếp tục ăn ý trong vai diễn đã quá quen thuộc. Chất sôi nổi, nhanh nhảu của Tom khiến cậu trở thành Người Nhện láu lỉnh và trẻ trung nhất màn ảnh. Ở các phân đoạn cần thể hiện nỗi đau, tài tử cũng bắt được mạch cảm xúc khá chân thật. Còn Zendaya luôn biết cách biến những cảnh quay của MJ trở nên đặc biệt. Nữ diễn viên tạo ra hình tượng bạn gái Người Nhện cứng cỏi và nói chuyện sắc sảo, phá cách so với các bản cũ.

Tác phẩm quy tụ dàn diễn viên thượng thặng, trong đó nhiều người đã khẳng định đẳng cấp qua các đề cử và giải thưởng như Jamie Foxx, Benedict Cumberbatch, Willem Dafoe, Marisa Tomei, J. K. Simmons và Alfred Molina. Trong số này, Willem Dafoe được trao cơ hội nhiều nhất để trở thành điểm nhấn về diễn xuất. Tài tử gạo cội hóa thân Norman Osborn, kẻ có nhiều vấn đề nhất trong nhóm phản diện. Osborn vốn là nhà khoa học và doanh nhân tài năng, nhưng do tiếp xúc khí ga thử nghiệm mà phát triển một nhân cách xấu xa (gọi là Green Goblin).

"Dì May" Marisa Tomei có phân cảnh xúc động trong phim.

Sự đa nhân cách này khiến nhân vật trở nên khó lường - được Dafoe diễn tả ấn tượng trên màn ảnh qua những khoảnh khắc biến đổi cơ mặt trong chớp mắt. 19 năm kể từ Spider-Man (2002), nam diễn viên vẫn tiếp nối trọn vẹn được mạch tâm lý của nhân vật cũ và gợi ra những hoài niệm kinh điển về loạt phim.

Kết nối nhiều tình tiết từ hai loạt phim trước về Người Nhện, kịch bản của Chris McKenna và Erik Sommers không tránh khỏi điểm yếu về nhịp điệu. Tác phẩm đôi khi dài dòng với những tình tiết nhắc nhớ chuyện cũ, đôi khi lại phân tán do các khoảnh khắc chiều fan. Một số sự thêm thắt thì đáng giá với mạch truyện chính, một số thì không đủ tinh tế.

Song, đây cũng là điểm thú vị trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel, khi các nhà làm phim chủ ý xây dựng một series bện xoắn vào nhau, đến mức các fan buộc phải thưởng thức nó như một khối thay vì từng phim đơn lẻ. Lần này, sự giao thoa đó còn lan rộng đến hai “vũ trụ” nữa của Người Nhện. Tất cả đưa đến một cái kết đẹp, không chỉ cho bộ ba phim mới mà còn cả với hai loạt phim trước. Ở một bom tấn ồn ào với đủ va chạm giữa người hùng và ác nhân, thậm chí va chạm giữa các vũ trụ, cảnh cuối lại là khoảnh khắc nhẹ nhàng của sự giải phóng và soi chiếu những gì quý giá đối với bản thân.

Phượng Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/spider-man-no-way-home-bom-tan-dang-cap-cua-hollywood-post1283819.html