SpaceX phóng tên lửa Falcon 9 mang chùm 58 vệ tinh Starlink

Tập đoàn công nghệ không gian SpaceX của Mỹ đã phóng thành công tên lửa Falcon 9 với chùm 58 vệ tinh Starlink.

Chiều ngày 13/6, tên lửa đẩy Falcon 9 đã được phóng ở Florida, mang theo nhóm 58 vệ tinh internet Starlink lên quỹ đạo, tập đoàn công nghệ SpaceX đã phát trực tiếp vụ phóng này.

Theo đó, tên lửa được phóng vào khoảng 5h21 theo giờ khu phía Đông Hoa Kỳ (tức 16h21, theo giờ Hà Nội) từ địa điểm phóng tại Trạm Không quân Cape Canaveral. Sau đó, nó hạ cánh trên một sà lan nổi không người lái ở Đại Tây Dương ngay khi phóng thành công.

Được biết, đây là lô vệ tinh Starlink thứ 9 được phóng lên quỹ đạo và là chuyến bay thứ ba trong giai đoạn đầu tiên của tên lửa Falcon 9.

Lần này, 58 vệ tinh Starlink được phóng lên quỹ đạo Trái đất theo hình elip. Với công nghệ hàng đầu thế giới của SpaceX, khoảng 26 phút sau khi phóng, chùm vệ tinh được đưa đến quỹ đạo trung gian cao tới 367 km. Sau đó, thông qua lực kéo tự thân, nhóm vệ tinh sẽ tăng quỹ đạo cao hơn để thử nghiệm và di chuyển quanh Trái Đất theo quỹ đạo hoạt động ở độ cao khoảng 550 km.

Ngoài việc phóng chùm vệ tinh Starlink, Falcon 9 còn phóng ba vệ tinh thăm dò Trái đất của công ty Planet. Tất cả sẽ được phóng lên quỹ đạo trước khi tách các thiết bị vệ tinh Starlink.

Tên lửa SpaceX Falcon 9 được phóng lên quỹ đạo ngày 17/02/2020

Tên lửa SpaceX Falcon 9 được phóng lên quỹ đạo ngày 17/02/2020

Starlink là mạng vệ tinh thế hệ tiếp theo có khả năng cung cấp cho người dân sinh sống trên Trái đất quyền truy cập Internet băng thông rộng.

Dự án khởi động từ tháng 2 năm 2018. Tổng cộng, SpaceX lên kế hoạch phóng khoảng 12 nghìn vệ tinh, mỗi đợt phóng sẽ mang vào không gian khoảng 60 quả vệ tinh. Đồng thời, 30 nghìn vệ tinh khác cũng đưa vào quỹ đạo có độ cao từ 328 đến 580 km.

SpaceX ước tính chi phí của dự án này vào khoảng 10 tỷ dollars và có thể còn tăng lên.

Đợt phóng nhóm vệ tinh Starlink trước đó diễn ra vào ngày 3/6. Đây là đợt phóng thứ 8 chùm vệ tinh Starlink. Theo kế hoạch, lô vệ tinh Starlink thứ 10 sẽ được phóng vào cuối tháng 6 này, nâng tổng số vệ tinh mà tên lửa này phóng vào vũ trụ lên con số khoảng 600 chiếc.

Được biết, Falcon 9 (Đại bàng 9) là một loại tên lửa đẩy 2 tầng được thiết kế bởi công ty SpaceX có trụ sở tại California, Hoa Kỳ.

Dòng tên lửa đẩy Falcon 9 phát triển qua năm phiên bản: Falcon 9 v1.0, Falcon 9 v1.1, Falcon 9 v1.2, Falcon 9 Block 4 (Đã ngừng sử dụng) và hiện tại là Falcon 9 Block 5. Các phiên bản Falcon 9 FT (1.2, Block 4, Block 5) được tối ưu để có thể hạ cánh và tái sử dụng tầng 1 của tên lửa.

Tên lửa Falcon 9 bản Block 5 mang theo 10 vệ tinh Iridium rời Bệ phóng SLC-4E, ở Căn cứ không quân Vandenberg, Hoa Kỳ (Tháng 1 năm 2019)

Cả hai tầng của phương tiện đều sử dụng các động cơ tên lửa đốt hỗn hợp Oxi lỏng (LOX - Liquid Oxygen) và dầu Kerosene tên lửa (RP-1). Tầng 1 được thiết kế để có thể tái sử dụng, trong khi tầng 2 thì không.

Các phiên bản của Falcon 9 được đánh giá nằm trong các phương tiện quỹ đạo có tải trọng tầm trung và hạng nặng. Phiên bản hiện tại của Falcon 9 FT là Block 5 có thể tải đến 22800 kg (50,300 lbs) đến LEO, và 8,300 kg (18,300 lbs) hàng hóa đến GTO.

Falcon 9 kết hợp với tàu vũ trụ Dragon dành hợp đồng Dịch vụ Tiếp tế Thương mại (Commercial Resupply Services - CRS) của NASA để vận chuyển hàng hóa đến Trạm Không Gian Quốc tế (ISS) dưới chương trình Dịch vụ Vận chuyển Quỹ đạo Thương mại (Commercial Orbital Transportation Program - COTS).

Nhiệm vụ tiếp tế đầu tiên đến ISS được phóng vào tháng 10 năm 2012. SpaceX dự định nâng tiêu chuẩn của Falcon 9 lên vận chuyển hành khách, đáp ứng với Chương trình phát triển vận tải hành khách thương mại (Commercial Crew Development Program - CCDev) của NASA.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/spacex-phong-ten-lua-falcon-9-mang-chum-58-ve-tinh-starlink-3405740/