'Space Sweepers' - bom tấn không gian mãn nhãn của Song Joong Ki

Tác phẩm khoa học viễn tưởng của điện ảnh Hàn Quốc ghi điểm nhờ phần hiệu ứng kỹ xảo ấn tượng và hành động kịch tính, qua đó bù đắp cho kịch bản rời rạc, thiếu ổn định.

Thể loại: Phiêu lưu, khoa học viễn tưởng
Đạo diễn: Jo Sung-hee
Diễn viên: Song Joong-ki, Kim Tae-ri, Jin Seon-kyu, Yoo Hae-jin, Park Ye-rin
Đánh giá: 6/10

 Space Sweepers là bộ phim khoa học viễn tưởng Hàn Quốc bị hủy lịch năm trước do dịch Covid-19 và nay được đưa thẳng lên trực tuyến.

Space Sweepers là bộ phim khoa học viễn tưởng Hàn Quốc bị hủy lịch năm trước do dịch Covid-19 và nay được đưa thẳng lên trực tuyến.

Space Sweepers lấy bối cảnh tương lai vào năm 2092. Trái Đất lúc này đã là một hành tinh ô nhiễm và kiệt quệ đến mức con người khó có thể cư ngụ.

UTS - một tập đoàn hàng đầu thế giới - đã đầu tư xây dựng những trạm không gian tối tân khổng lồ bên ngoài vũ trụ, thậm chí tiến hành cải tạo Sao Hỏa làm nơi ở mới cho nhân loại.

Tuy nhiên, chỉ số ít người giàu có mới có cơ hội sinh sống tại những trạm không gian tiện nghi. Phần còn lại của thế giới phải cố gắng cầm cự dưới Trái Đất hoặc chui lủi trong những công xưởng ngoài không gian chật chội, làm công việc thu gom rác thải vũ trụ để tồn tại.

Tae-ho (Song Joong-ki), Tiger Park (Jin Seon-kyu) và người máy Bubs (Yoo Hae-jin) là thành viên trên Chiến thắng - con tàu vũ trụ chuyên thu gom rác vũ trụ để tái chế hoặc bán đồng nát do thuyền trưởng Jang (Kim Tae-ri) chỉ huy. Trong một lần tìm cách tháo dỡ chiếc phi thuyền cũ, cả nhóm phát hiện ra sự hiện diện của cô bé bí ẩn mang tên Dorothy (Park Ye-rin).

Biết được rằng Dorothy thực chất là người máy hủy diệt của Cáo Đen - một tổ chức khủng bố đối địch với UTS, nhóm Tae-ho quyết định liên hệ với chúng nhằm tống tiền. Tuy nhiên, bốn thành viên của tàu Chiến thắng không biết rằng họ đang vướng vào một rắc rối lớn hơn rất nhiều.

Câu chuyện dễ theo dõi và kịch tính

Space Sweepers là tác phẩm tiên phong của điện ảnh Hàn Quốc lấy đề tài giả tưởng không gian. Đối với đề tài mới mẻ này, đội ngũ biên kịch và đạo diễn Jo Sung-hee lựa chọn hướng đi an toàn nhằm tránh rủi ro không cần thiết cho tác phẩm.

Mô-típ câu chuyện trong phim khá quen thuộc và không có điểm nhấn sáng tạo gì đáng kể, khi tập trung vào phi hành đoàn bốn người cùng nhân vật “cục nợ hóa cục cưng” Dorothy trên hành trình khám phá thân phận thực sự của cô bé kết hợp kiếm chác tiền bạc.

Cốt truyện của Space Sweepers về cơ bản an toàn và dễ theo dõi.

Xuyên suốt cuộc hành trình, mối quan hệ giữa nhóm nhân vật dần phát triển, chuyển biến theo hướng tích cực hơn, để rồi tất cả cùng nhau hướng đến mục tiêu mới tốt đẹp hơn.

Câu chuyện của Space Sweepers không mới, cũng như chưa tận dụng được đặc trưng của dòng phim giả tưởng không gian khi có thể triển khai đại trà ở bất cứ bối cảnh nào. Tuy nhiên, nhờ đó mà khán giả có thể nắm bắt câu chuyện trong phim một cách nhanh chóng và dễ dàng, còn đội ngũ sản xuất đứng trước cơ hội tập trung đầu tư vào giá trị giải trí của tác phẩm.

Từ mô-típ quen thuộc, đội ngũ biên kịch cố gắng xây dựng một kịch bản tương đối hấp dẫn và thú vị. Xuyên suốt chuyến hành trình của phi hành đoàn tàu Chiến thắng, Space Sweepers đem đến cho khán giả nhiều diễn biến bất ngờ, cũng như liên tục đẩy nhóm nhân vật chính vào hoàn cảnh nguy hiểm để tăng tính thử thách, xây dựng kịch tính.

Nhờ đó, Space Sweepers duy trì được sự bất ngờ và hấp dẫn nhất định từ đầu đến cuối. Dù còn mắc không ít khuyết điểm trong kịch bản khiến cấu trúc tổng thể rời rạc và bất ổn, bộ phim về cơ bản vẫn đem đến cho khán giả cốt truyện tương đối trọn vẹn, có ý nghĩa và cảm xúc nhất định.

Hiệu ứng hình ảnh đẹp mắt và mãn nhãn

Điểm nhấn lớn nhất của Space Sweepers phải kể đến phần hiệu ứng hình ảnh ấn tượng. Dexter Studios - xưởng kỹ xảo đứng sau hiệu ứng hình ảnh của các bom tấn Hàn Quốc hoành tráng như Along with the Gods: The Two Worlds hay Ashfall - tiếp tục khiến khán giả kinh ngạc với thế giới ngoài không gian trong tác phẩm mới nhất.

So với các xuất phẩm cùng thể loại đến từ những nền điện ảnh lớn trên thế giới, Space Sweepers chưa có gì nổi bật hay đột phá. Tuy nhiên, so với điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung, phần hiệu ứng kỹ xảo của bộ phim quả đáng khen ngợi.

Chất lượng kỹ xảo trong phim đáng khen ngợi, đặc biệt nếu xét trên mặt bằng điện ảnh châu Á.

Bối cảnh không gian vũ trụ được xây dựng chân thực, thiết kế kiến trúc, phương tiện và phục trang đẹp mắt. Tất cả giúp tạo nên bối cảnh tương lai gần thú vị đáng để khám phá.

Đa số phân cảnh hành động trong phim là các màn truy đuổi ngoài không gian được thực hiện với tốc độ cao, cùng số ít trường đoạn bắn súng, cháy nổ khá hấp dẫn và kịch tính. Dù tổng thể vẫn là tác phẩm dạng “học tập lại Hollywood” khiến phong cách riêng chưa được định hình cụ thể, Space Sweepers vẫn là điểm nhấn đáng ghi nhận đối với nền điện ảnh xứ kim chi khi bước ra ngoài không gian vũ trụ bao la.

Quy tụ dàn diễn viên nổi danh của Hàn Quốc với những cái tên như Song Joong-ki, Kim Tae-ri, Jin Seon-kyu, Yoo Hae-jin, song, mảng diễn xuất trong Space Sweepers lại không quá nổi bật. Các diễn viên được ưu tiên thời lượng với vai trò đáng kể, nhưng lối diễn trong phim của họ lại lên gân, tạo cảm giác cường điệu thái quá nhằm ép bản thân trở nên gai góc một cách không cần thiết.

Thêm vào đó, việc xây dựng nhân vật bất hợp lý của kịch bản cũng khiến họ chưa gây được thiện cảm và ghi dấu ấn với người xem. Điều này khiến cho tuyến nhân vật phụ ngoại quốc trong phim tạo được cảm giác chân thực, tự nhiên hơn, dù sở hữu vai trò và đất diễn hạn chế hơn hẳn.

Kịch bản rời rạc và bất ổn

Có ưu điểm đáng khen về chất lượng sản xuất, nhưng Space Sweepers chỉ mới thỏa mãn ở chất lượng giải trí, chứ chưa đạt về chất lượng nghệ thuật. Nguyên nhân đến từ phần kịch bản còn nhiều bất cập.

1/3 đầu phim khá hấp dẫn với nhiều diễn biến xảy ra liên tục, cùng tiết tấu nhanh gọn, kịch tính, gợi mở nhiều điều chờ được khám phá. Song, sau đó, Space Sweepers bắt đầu xuất hiện những chi tiết phi lý, nặng tính sắp đặt một cách gượng ép.

Đơn cử như việc cô bé Dorothy là đối tượng bị UTS truy nã trên toàn mạng không gian của hãng, nhưng nhóm Tae-ho vẫn sẵn sàng để món hàng hiếm đáng giá hàng triệu USD tự do tung tăng đi bán cà chua ở một khu nhà máy đông người mà chẳng lo nghĩ gì.

Các nhân vật chính trong phim thường tỏ ra cường điệu tới mức thái quá.

Hay mang tiếng là tổ chức ngầm đối địch với cả hệ thống hùng mạnh như UTS, nhưng các thành viên của Cáo Đen lại có thể bị nhận diện một cách dễ dàng như trò đùa, cùng khả năng hành động, tư duy không hề tương xứng với những gì được giới thiệu. Những hạt sạn phi lý như vậy khiến trải nghiệm của khán giả đối với tác phẩm bị ảnh hưởng không ít.

Cách thức xây dựng nhân vật bất hợp lý trong Space Sweepers gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc của khán giả. Ngay từ ban đầu, nhóm bộ tứ phi hành gia của Chiến thắng khó gây thiện cảm cho khán giả do lối diễn lên gân, cường điệu, thiếu tự nhiên.

Sau đó, khi hoàn cảnh và cá tính của các nhân vật được làm rõ hơn, vấn đề khác lại nảy sinh. Phim cố tình miêu tả nhóm nhân vật chính đều là những cá nhân ưu tú, có quá khứ oanh liệt với năng lực vượt trội, được cả vai phản diện cũng ưu tiên biết mặt, chỉ tên một cách trân trọng.

Tuy nhiên, bản thân Space Sweepers không xây dựng được nhân vật thông qua hành động, tư duy tương xứng với những gì được quảng bá. Điều này khiến cho nền tảng hoành tráng mà bộ phim mất công gán cho họ bỗng trở nên lạc lõng đầy phô trương theo kiểu “thùng rỗng kêu to”.

Một số nhân vật được ưu tiên xây dựng hoàn cảnh, cá tính hơn hẳn các nhân vật khác, nhưng rốt cuộc lại trở thành con dao hai lưỡi gây ảnh hưởng đến cấu trúc tổng thể của tác phẩm. Đó là nhân vật Tae-ho của Song Joong-ki và vai phản diện chính James Sullivan của Richard Armitage.

Tae-ho được tập trung xây dựng quá khứ bi thương nhằm làm nổi bật mục tiêu phải kiếm tiền bằng mọi giá của anh. Điều này không tệ, nhưng bộ phim chưa xử lý tốt các trường đoạn miêu tả tâm lý nhân vật, khiến cấu trúc tổng thể trở nên rời rạc, với các phân cảnh sướt mướt lê thê không cần thiết.

Còn phản diện chính James Sullivan là kiểu nhân vật bác học điên “đầu voi đuôi chuột” điển hình. Sở hữu một tập đoàn hùng mạnh bậc nhất thế giới, nhưng bản thân gã lại khiến khán giả cảm thấy kỳ quặc và ngao ngán, thay vì hấp dẫn hay tò mò.

James Sullivan nếu không cố lên gân tỏ ra bí ẩn, thì lại lảm nhảm những câu thoại triết lý nửa vời nhạt nhẽo, rồi hành xử theo kiểu không giống ai. Âm mưu của nhân vật nghe có vẻ tàn độc, nhưng thực chất khá thừa thãi và cồng kềnh.

Nhiều tình tiết trong phim được vẽ ra dạng "cho có" rồi bị bỏ phí.

Bên cạnh việc xây dựng nhân vật James Sullivan sơ sài và đầy thiếu sót, Space Sweepers cũng để lộ ra hạn chế trong việc bỏ phí nhiều chi tiết tiềm năng mà không được khai thác, làm rõ một cách hợp lý.

Đơn cử như năng lực siêu phàm của Dorothy cụ thể là gì và có thể làm được những gì, hay vai trò thực sự của cô bé đối với Trái Đất và nhân loại. Những triết lý to tát về bất bình đẳng xã hội, hay lý tưởng bảo vệ môi trường của Trái Đất chỉ được thể hiện một cách qua loa lấy lệ, để rồi bị ngó lơ thay vì đào sâu.

Là tác phẩm tiên phong của điện ảnh Hàn Quốc bước ra ngoài không gian vũ trụ, Space Sweepers sở hữu những điểm đáng khen về chất lượng sản xuất cùng giá trị giải trí cao. Dù vẫn còn những điểm trừ, đây là bước đệm khá vững chắc cho các tác phẩm tiếp theo của xứ kim chi theo đuổi đề tài này.

Dư Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/space-sweepers-bom-tan-khong-gian-man-nhan-cua-song-joong-ki-post1182393.html