SP-ITC: Hướng đi thành công của cảng container tư nhân đầu tiên

Cảng container quốc tế SP-ITC vừa khai trương tuyến vận chuyển hàng hóa trực tiếp đầu tiên Việt Nam- Australia, khẳng định sự thành công của cảng container đầu tiên được khai thác bằng nguồn vốn tư nhân.

Chuyến tàu đầu tiên cập cảng SP-ITC đi thẳng Australia. Ảnh: Thu Hòa.

Chuyến tàu đầu tiên cập cảng SP-ITC đi thẳng Australia. Ảnh: Thu Hòa.

Tiết kiệm chi phí chuyển tải

Đón đầu nhu cầu hàng hóa tại Việt Nam đang ngày một gia tăng không ngừng, đặc biệt là vận chuyển với số lượng lớn bằng đường biển, đến các thị trường xa như Hoa Kỳ, châu Âu, châu Úc…, trung tuần tháng 3/2019, cảng SP-ITC đã khai trương tuyến vận chuyển hàng hóa trực tiếp đầu tiên Việt Nam- Australia. Việc mở ra tuyến kết nối trực tiếp đi Australia từ cảng SP-ITC sẽ giúp khách hàng ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung ngoài việc có thêm một sự lựa chọn cho thị trường xuất nhập của mình còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí chuyển tải, cước tàu cũng như thời gian vận chuyển. Trong ngày đầu khai trương, cảng đã đón chuyến tàu Morotai trọng tải 40.000 tấn, dài 222m của Tập đoàn CMA CGM (Australia). Đây là chuyến tàu hàng có trọng tải lớn nhất từ trước đến nay cập cảng TPHCM.

Đánh giá cao tuyến vận tải đầu tiên này, ông Bruno Denis Gutton- Tổng giám đốc CMA CGM Việt Nam cho biết, với Hiệp định thương mại CPTPP mới mà Việt Nam và Australia đã phê duyệt, giữa hai quốc gia sẽ có một sự tăng tốc lớn về tăng trưởng thương mại. Đón đầu tiềm năng này, ANL- hãng vận tải nổi tiếng của Australia đã quyết định triển khai dịch vụ này như là cầu nối thúc đẩy nhiều hoạt động giao thương hơn giữa Việt Nam và Australia. Đây là dịch vụ đầu tiên và duy nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay. Việc vận chuyển trực tiếp hàng hóa giữa Việt Nam - Australia và ngược lại đảm bảo trong thời thời gian nhanh nhất từ trước đến nay.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, cùng với việc đón chuyến tàu có tải trọng lớn nhất cập cảng vận chuyển trực tiếp đi Autrailia, cảng container SP ITC là đơn vị đầu tiên kết nối với Cục Hải quan TPHCM triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động... sẽ có tác động rất lớn trong việc tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa, hỗ trợ giảm tải cho cảng Cát Lái TPHCM.

Hiệu quả từ nguồn vốn tư nhân

Cảng SP-ITC đi vào hoạt động từ tháng 9/2016 có tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD, trên diện tích 48 ha, tổng chiều dài cầu cảng chính 1.000m, công suất thiết kế 2 triệu TEUs, khả năng bãi container 34.000 TEUs do Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) làm chủ đầu tư. Đây là cảng tư nhân đầu tiên sử dụng hệ thống thiết bị hiện đại như cẩu chuyên dụng bốc xếp container trên bến của CHLB Đức có sức nâng 40 tấn và tầm với đạt 13 hàng container, cẩu bánh lốp với sức nâng 40 tấn.

Cảng SP-ITC được đánh giá có vị trí hết sức thuận lợi, nằm sâu trong nội địa với mặt bến dọc theo sông Đồng Nai và sông Ông Nhiêu, kết nối dễ dàng với đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây và cụm cảng Cái Mép, thuận lợi cho XNK hàng hóa của các doanh nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhìn nhận về hiệu quả đầu tư, ông Nguyễn Văn Chuyền- Chủ tịch Hội đồng quản trị ITC nhận định, cảng SP-ITC với trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường, năng lực khai thác ổn định... ngày càng được sự tin tưởng và ủng hộ của các hãng tàu và khách hàng. Trong năm 2018, hoạt động kinh doanh cảng SP-ITC đã có bước phát triển thành công vượt bậc, tiếp nhận và khai thác an toàn gần 700 chuyến tàu ra vào cảng, sản lượng thông qua hơn 400.000 TEUs.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của cảng, ông Nguyễn Xuân Sang – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, năm 2018 hàng hóa thông qua cảng biển TPHCM đạt 114,4 triệu tấn trong đó có đóng góp không nhỏ của cảng SP –ITC. Đây là cảng container đầu tiên được khai thác bằng nguồn vốn tư nhân. Cảng chính thức khai thác tháng 9/2016, đến nay đã tiếp nhận hơn 1.000 chuyến tàu làm hàng an toàn. Sự thành công của SP-ITC là minh chứng cho sự năng động và hiệu quả của kinh tế tư nhân. Đóng góp cho sự phát triển của hàng hải Việt Nam và kinh tế TPHCM.

“Trong năm 2019 , cảng sẽ tiếp tục đầu tư cầu cảng, bãi container, nâng cấp cơ sỡ hạ tầng, bổ sung trang thiết bị đồng bộ, nâng cao năng lực khai thác, chất lượng dịch vụ... Đặc biệt, hướng đến việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh. Hiện nay, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng phần mềm quản lý, phần mềm kết nối thủ tục hải quan điện tử, đưa vào vận hành Hệ thống tra cứu thông tin điện tử trực tuyến, thanh toán trực tuyến... nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo điệu kiện thuận lợi nhất cho hãng tàu và DN hoạt động XNK”- ông Nguyễn Văn Chuyền khẳng định.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/sp-itc-huong-di-thanh-cong-cua-cang-container-tu-nhan-dau-tien-102484.html