'Sound of Metal' - chuyện một rocker bỗng hóa điếc

'Sound of Metal', bộ phim điện ảnh của đạo diễn Darius Marder, kể về một nhạc công phải đối diện với bi kịch từ trên trời rơi xuống: anh bỗng không còn nghe thấy gì nữa.

Thể loại: Chính kịch, tâm lý
Đạo diễn: Darius Marder
Diễn viên: Riz Ahmed, Olivia Cooke, Paul Raci
Đánh giá: 8/10

Nhân vật chính của Sound of Metal là Ruben (Riz Ahmed) - tay trống chơi nhạc heavy metal đang ở thời kỳ sung sức nhất. Cuộc sống của anh cứ thế trôi qua khá yên bình.

Chàng trai từng nghiện ma túy, nhưng đã cai nghiện thành công được bốn năm. Mỗi ngày, Ruben bắt đầu buổi sáng lành mạnh với bài tập thể dục, một tách cà phê và món sinh tố tự chế.

Anh và bạn gái, Lou (Olivia Cooke), lập ra nhóm nhạc mang tên Blackgammon. Họ sống lang bạt trên chiếc xe RV (nhà di động), cùng nhau đi khắp nước Mỹ để trình diễn nhằm kiếm tiền thực hiện album mới.

Thế giới không có âm thanh

Ở đầu phim, người xem được chứng kiến màn trình diễn khó thể rock hơn của Blackgammon. Ruben cởi trần, mồ hôi nhễ nhại, trên ngực xăm dòng chữ: “Please kill me” (Xin hãy giết tôi). Lou đứng cạnh bạn trai, nhưng lại gào thét về việc muốn đến một nơi khác.

Giữa sân khấu tối đen như mực, nhóm nhạc chỉ có hai người trình diễn mà như khiến mọi thứ xung quanh rung chuyển. Cảnh tượng này chỉ xuất hiện đúng một lần trong phim và không bao giờ quay trở lại, cho thấy thế giới của Ruben đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi anh mất đi thính giác.

 Sound of Metal xoay quanh Ruben - một tay trống nhạc rock bỗng nhiên bị điếc.

Sound of Metal xoay quanh Ruben - một tay trống nhạc rock bỗng nhiên bị điếc.

Cái cách Ruben dồn hết sức lực vào từng nhịp trống gợi nhắc đến nhân vật Andrew Neiman trong Whiplash (2014) - bộ phim kể về những đam mê nghệ sĩ do Damien Chazelle làm đạo diễn. Song, Darius Marder đã rất khôn khéo khi không để đứa con tinh thần của mình trở thành bản sao của đồng nghiệp. Nếu Whiplash lôi cuốn bằng âm nhạc và nhịp điệu dồn dập, thì Sound of Metal có tiết tấu nhẹ nhàng hơn và chỉ mượn âm nhạc để khắc họa bi kịch của một con người.

Kịch bản của bộ phim, do Darius Marder chấp bút cùng anh trai là Abraham Marder, tuân thủ theo cấu trúc ba hồi kinh điển của điện ảnh. Câu chuyện được úp mở chậm rãi như hành trình mà Ruben phải trải qua khi tìm cách hòa nhập với cuộc sống của một người điếc.

Lúc sự việc xảy ra, anh gần như đứt kết nối với mọi người, kể cả bạn gái. Ruben nổi điên trên xe, đập phá mọi thứ, trong khi Lou thì tuyệt vọng vì không thể nào chia sẻ được với người yêu. “Thứ anh cần là một khẩu súng gí vào miệng”, Ruben nói.

Tiếng nói của cộng đồng người điếc

Văn hóa điếc (deaf culture) gần như là một chủ đề bị quên lãng ở Hollywood. Trước đó, những nhân vật câm điếc chỉ xuất hiện loáng thoáng qua một vài vai phụ mờ nhạt.

Mãi cho đến thời gian gần đây, cộng đồng khiếm thính mới được chú ý qua những bộ phim như Baby Driver (2017), hay A Quiet Place (2018) với diễn viên điếc thật sự, và đặc biệt là những vai chính của hai bộ phim Wonderstruck (2017) và The Shape of Water - tác phẩm thắng giải Oscar cho Phim truyện xuất sắc vào năm 2018.

Trong bộ phim huyền ảo Wonderstruck, đạo diễn Todd Haynes kể câu chuyện hai đứa trẻ khiếm thính sống ở hai mốc thời gian khác nhau. Đó là một bé gái ở năm 1927 và một bé trai ở năm 1977, cùng chạy trốn đến New York nhằm tìm kiếm lời giải cho những câu hỏi của mình.

Phim không tìm cách tô hồng thế giới của người khiếm thính.

Bộ phim giả tưởng lãng mạn The Shape of Water của đạo diễn Guillermo del Toro thì kể về tình yêu nhuốm màu cổ tích giữa một cô gái câm và chàng thủy quái. Điểm chung của hai bộ phim là các nhà làm phim tìm cách tô hồng thế giới của những người câm điếc, thay vì xoáy sâu vào nội tâm của họ.

Darius Marder, với lối kể chuyện giản dị, lại cho thấy cuộc sống của người điếc không hề bay bổng hay mơ mộng. Anh để khán giả cảm nhận tâm lý của người điếc bằng cách tắt đi rất nhiều tiếng động trong các cảnh quay. Tất cả được thay bằng hiệu ứng âm thanh lo-fi, rè rè như tiếng đài radio bị mất sóng, nhưng với âm lượng nhỏ hơn. Một số cảnh quay còn cắt bỏ hoàn toàn tiếng động, cho thấy sự tĩnh lặng trong tâm trí của Ruben khi đối diện với cuộc đời.

Để giữ được tính trung thực, Darius Marder quyết định không tuyển người khiếm thính cho vai chính Ruben, để diễn viên có thể đồng hành với nhân vật trên con đường từ một người bình thường trở thành người điếc.

Riz Ahmed tỏa sáng trong vai chính Ruben.

Dù không phải lựa chọn đầu tiên (ban đầu là Matthias Schoenaerts), Riz Ahmed chứng tỏ rằng anh là gương mặt phù hợp. Trái ngược với những tiếng động ồn ã trên sân khấu, Ahmed hóa thân thành tay chơi nhạc rock với nét diễn “tĩnh” đến kinh ngạc.

Anh cho thấy bên trong vẻ ngoài thô ráp với thân hình xăm trổ, Ruben thực sự là người có nội tâm sâu sắc. Diễn xuất chân thật của Ahmed khiến bộ phim đôi lúc giống như một tác phẩm tiểu sử, dù Ruben chỉ là hư cấu.

Nhìn đời bằng một con mắt khác

Sound of Metal là phim điện ảnh đầu tay của Darius Marder. Anh từng ngồi ghế đạo diễn bộ phim tài liệu Loot (2008), nhưng chỉ được biết đến nhiều qua vai trò biên kịch của The Place Beyond the Pines (2012).

Thực tế, Marder viết lại kịch bản của Sound of Metal dựa trên một tác phẩm dang dở của Derek Cianfrance - đồng biên kịch và cũng là đạo diễn của The Place Beyond the Pines. Dự án mang tên Metalhead, lấy cảm hứng từ nhóm nhạc metal Jucifer, đã được Cianfrance thực hiện từ năm 2009 nhưng mãi không hoàn thành và bỏ dở do thiếu kinh phí. Mê mẩn trước ý tưởng của Cianfrance, Darius Marder quyết tâm đưa câu chuyện lên màn ảnh rộng bằng nhãn quan của riêng mình.

Điểm đáng khen là Marder đã không cố gắng kịch tính hóa số phận của Ruben, để bộ phim rơi vào những bi lụy không đáng có của thể loại melodrama. Giống như Wonderstruck hay The Shape of Water, bộ phim vẫn gieo vào lòng người xem những cảm xúc tích cực và ấm áp. Trong thế giới mới của những người điếc, Ruben không hề cô đơn. Anh gặp và làm quen với nhiều người bạn, học được vô số bài học mới trong khóa “học cách bị điếc”.

Sound of Metal muốn người xem hiểu rằng cũng có lúc phải học cách buông bỏ trong cuộc sống.

Ở hồi giữa của bộ phim, Ruben đến với cộng đồng người điếc dưới sự dẫn dắt của Joe (Paul Raci) - vị cựu chiến binh nghiện rượu, bị mất thính giác trong chiến tranh Việt Nam. Trong một phân đoạn, các thành viên ngồi quay quần bên nhau thành vòng tròn, lần lượt giới thiệu tên và chia sẻ cho nhau chuyện cuộc đời. Đây là cảnh quen thuộc trong nhiều bộ phim Mỹ, thường được sử dụng khi các nhân vật tìm cách cai nghiện hoặc điều trị tâm lý.

Song, điếc không phải là một căn bệnh. Một khoảnh khắc đáng nhớ của bộ phim là khi Joe nói với Ruben rằng: “Điếc không phải khuyết tật, không phải thứ gì đó cần chữa”. Ở một cảnh khác, Joe cho rằng giải pháp mà Ruben cần “không phải là thứ này” - ông chỉ vào đôi tai, mà là “thứ này” - ông chỉ vào cái đầu.

Bi kịch của Ruben không phải là câu chuyện của Beethoven thời hiện đại, mà là cả một quá trình giác ngộ về tư tưởng. Anh giống như hình ảnh phản chiếu của Joe thời trai trẻ, với cái đầu ương bướng cần có thời gian để thuyết phục.

Nếu Whiplash nhắc ta theo đuổi đam mê đến cùng, thì Sound of Metal cho rằng buông bỏ cũng cần thiết không kém. Bộ phim là bài học về việc thay đổi góc nhìn để thấy đời đẹp hơn, và chấp nhận cuộc sống đúng như những gì nó đang diễn ra.

Điều đó giống như tên gọi đa nghĩa của bộ phim. “Metal”, với nhiều người đơn giản chỉ là “kim loại” khô khốc. Nhưng với những người yêu nhạc rock, đó là cả linh hồn.

Sơn Phước

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sound-of-metal-chuyen-mot-rocker-bong-hoa-diec-post1183257.html