'Sốt xình xịch' hoa đậu biếc giá bạc triệu, có phải thần dược?

Hoa đậu biếc vốn được xem là hoa dại nhưng gần đây loại hoa này trở nên hot, được nhiều người săn lùng thậm chí còn có thể chữa bệnh được.

Mê mẩn hoa đậu biếc

Chị Nguyễn Thanh Hải (Thanh Xuân, Hà Nội) rất thích hoa đậu biếc. 2 năm nay, chị thường xuyên mua hoa đậu biếc về uống thay trà. Nước hoa đậu biếc không có vị gì đặc trưng nhưng màu sắc lại vô cùng ấn tượng. Nhờ màu của nước hoa đậu biếc, các con của chị Hải cũng thích uống hơn.

Đặc biệt, mẹ chị Hải bị tiểu đường tuyp 2 khi uống nước hoa đậu biếc cũng nhận thấy tình trạng đường huyết ổn định hơn.

Chị Hải mua 100 gram hoa đậu biếc với giá 90 nghìn đồng có thể uống được hai tuần. Không chỉ uống, nước hoa đậu biếc còn làm được nhiều món ăn nhờ lên màu thực phẩm. Đặc biệt món trà sữa tự làm với hoa đậu biếc vô cùng bắt mắt.

Chị Thu Hà (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết nhà chị sử dụng nước hoa đậu biếc 3 năm nay để giúp da đẹp, thanh lọc cơ thể.

Trước đây, chị Hà thường mua hoa đậu biếc khô về nhà để uống sau đó mê hoa quá chị mua cả hạt về trồng và hiện tại giàn hoa đậu biếc của gia đình chị đủ dùng cho cả nhà. Mỗi ngày chỉ cần 5 tới 7 bông hoa đậu biếc là cả nhà có một ấm trà đậu biếc ngon, mát.

Trên mạng xã hội, nhóm Hoa đậu biếc với gần chục nghìn thành viên chuyên mua bán, sử dụng hoa đậu biếc. Nhiều người mê mẩn với loài hoa này.

Hoa đậu biếc có màu sắc bắt mắt, chứa nhiều hoạt chất tốt.

Hoa đậu biếc có màu sắc bắt mắt, chứa nhiều hoạt chất tốt.

Chị Thanh Nhàn (Củ Chi, TP.HCM) cho biết mỗi ngày chị thu hái hoa đậu biếc được khoảng 500gram khô. Chị Nhàn bán lẻ hoa đậu biếc khoảng 19 nghìn đồng/10gram và bán theo cân khoảng 650 nghìn đồng. Hoa đậu biếc tùy theo mức, có giá từ 400 đến 900 nghìn đồng/kg. Theo chị Nhàn giá đi đôi với chất lượng. Ví dụ hoa đậu biếc nhà chị Nhàn tự trồng và phơi dưới nắng, hoa kép nên giá chị bán ở tầm trung. Nếu bán buôn chị vẫn bán từ 500 – 600 nghìn đồng.

Tác dụng như thế nào?

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, hoa đậu biếc còn được gọi là đậu hoa tím, bông biếc, là một loài cây leo, thân thảo, sống nhiều năm, thường được trồng làm hàng rào hoặc thành giàn hoa. Hoa có màu xanh tím, xanh lam đậm hoặc màu trắng, nhưng phổ biến nhất là màu xanh tím.

Hoa đậu biếc khô.

Trong những công trình nghiên cứu khoa học, người ta đã phân tích được từ hoa đậu biếc có nhiều hợp chất hóa học hữu cơ, đáng chú ý là 2 hoạt chất: anthocyanin (một loại flavonoid) tạo nên màu xanh rực rỡ của hoa và cliotide.

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy cliotide trong hoa đậu biếc có khả năng kháng khuẩn in vitro chống lại E. coli , K. pneumoniae , và P. aeruginosa.

Ngoài ra, chiết xuất trà hoa đậu biếc có thể giúp giảm đau và sưng rất tốt. Flavonoid trong trà đậu biếc cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch để giúp chống lại các chứng viêm và nhiễm trùng tốt hơn.

Theo một nghiên cứu năm 2010, chiết xuất từ hoa đậu biếc góp phần làm giảm tổng lượng cholesterol trong huyết thanh một cách đáng kể. Ngoài ra, loại hoa này cũng giúp giảm đáng kể lượng triglyceride và cholesterol xấu (LDL).

Hoa đậu biếc cũng có thể làm tăng tiết insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu, làm giảm một phần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám nội tiết, chuyển hóa đái tháo đường, Thái Hà, Hà Nội cho biết hoa đậu biếc được nhiều người bệnh tiểu đường sử dụng vì nó có khả năng kiểm soát đường huyết. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về vấn đề này.

Tuy nhiên, bản chất của bệnh đái tháo đường, người bệnh chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên thì có thể đảm bảo được đường huyết ổn định. Việc uống thêm nước lô hội, nước hoa đậu biếc cũng là cách tăng cường bổ sung nước cho cơ thể.

Hiện, bác sĩ Cường khuyến cáo chỉ coi hoa đậu biếc như trà thông thường và không được thay đổi chế độ ăn của riêng bệnh nhân và cần thăm khám thường xuyên để kiểm tra đường huyết của mình hàng ngày, tầm soát các biến chứng của bệnh.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/hoa-dau-biec-chua-benh-gi-hoa-dau-biec-sot-xinh-xich-co-thuc-su-la-than-duoc-275378.html