'Sốt' trại hè cho trẻ em

Kỳ nghỉ hè của các học sinh đã bắt đầu, trong khi các em đang háo hức chờ đón một kỳ nghỉ đầy thú vị với việc được chơi, không phải học hành... thì bố mẹ các con lại đang phải đau đầu tìm chỗ 'gửi con'. Thiếu sân chơi, thiếu cả thời gian..., nên vài năm gần đây mô hình vui chơi 'trại hè' nở rộ đã giúp nhiều gia đình giải bài toán 'giữ con'.

Đau đầu, mất ngủ khi con nghỉ hè

Chị Nguyễn Lan Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị đều bận công việc nên cứ vào dịp nghỉ hè là anh chị tính cho con tham gia trại hè. “Các con nghỉ hè tận 2 tháng mà nhà mình không có ai ở nhà trông giữ nên mình muốn cho con tham gia trại hè. Đi trại hè, ngoài việc chơi là chính thì các con còn học được kỹ năng về bơi lội, thể thao, kỹ năng sống và học thêm tiếng Anh, tiếng Việt lý thú, toán…” – chị Lan Anh nói.

Các em nhỏ tại trại hè Live in Farm do một đơn vị tổ chức ở huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: V.T

Các em nhỏ tại trại hè Live in Farm do một đơn vị tổ chức ở huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: V.T

Chị Lan Anh cũng cho rằng, nếu để con ở nhà, không có người quản lý, ăn ngủ tùy tiện thì sẽ mất nền nếp, sau này đi học càng khó uốn năn. Đưa con vào trại hè vừa đáp ứng được nhu cầu hoạt động thể lực cho con, con có bạn bè vui chơi mà vẫn có nếp sống kỷ luật. Theo chị Lan Anh, vì con chị tham gia trại hè theo hình thức bán trú, nên sáng chị cho con tới trường, chiều đón con về. Mọi thói quen vẫn như hồi con đi học nên không có gì ngại ngần.

Mất khá nhiều thời gian để có thể quyết định chọn lựa một trại hè cho con, vậy nhưng nhiều bà mẹ cũng tỏ ra rất lo lắng, suy tư. Chị Nguyễn Thị Ngân (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đây là lần đầu tiên chị cho con tham gia trại hè. Năm trước, thấy bạn bè con cũng đi trại hè nhiều nên năm nay chị cũng muốn cho con tham gia cho biết. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên con xa nhà dài ngày nên chị cũng rất lo lắng.

“Bé nhà mình mới học lớp 3, trước nay cháu chưa từng xa nhà mà không có bố mẹ hay người thân bên cạnh. Vì vậy, tôi thấy rất lo lắng. Cũng may đợt này con vào trại hè nội trú lại có cả mấy bạn học cùng lớp tham gia” – chị Ngân nói. Vì rất lo lắng, căng thẳng nên gần như ngày nào chị cũng vào mạng xem con chị ăn ở, sinh hoạt thế nào. Có ngày con tham gia hoạt động trải nghiệm, chị còn bỏ cả việc để theo dõi.

“Có hôm cháu tham gia ngoại khóa, đốt lửa trại, sinh hoạt ngoài trời. Thấy muộn mà các con không ngủ, tôi cũng căng thẳng mất ngủ theo con...” – chị Ngân kể.

Hay nhất vẫn là duy trì phong trào bàn giao học sinh từ trường về cộng đồng. Khi về địa phương, các anh chị Đoàn thanh niên đón nhận, hướng dẫn các em tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chơi trò chơi, rèn kỹ năng...”.

Ông Nguyễn Trọng An -Phó giám đốc RTCCD

Lựa chọn kỹ trước khi đăng ký

Chị Lan Anh cho biết, giờ đây các trại hè mọc lên như nấm sau mưa, với đủ kiểu hoạt động, đủ mức phí, vì vậy khi muốn đăng ký cho con tham gia, các cha mẹ phải tìm hiểu rất kỹ. Ngoài việc quan tâm tới chi phí của khóa học, cha mẹ cũng nên tìm hiểu về chất lượng của trại hè, nội dung giảng dạy, hay địa điểm và độ uy tín của các trại hè đó.

“Mình biết, có những người bạn mình có điều kiện sẵn sàng chi tới 60-70 triệu cho con tham gia các trại hè quốc tế ở Singapore hoặc hàng trăm triệu để con tham gia trại hè ở châu Âu. Thật sự đó là số tiền không nhỏ, không phải gia đình nào cũng gánh được. Vì vậy, mình nghĩ bố mẹ nên tùy theo sức của mình và mục đích mình mong muốn để quyết định đầu tư, chọn lựa trại hè cho con” - chị Lan Anh nói.

Hiện nay, nhiều phụ huynh có tâm lý muốn cho con được trải nghiệm vốn sống, học hỏi những kỹ năng sống, chính vì vậy họ quá kỳ vọng vào các trại hè sẽ giúp con mình có những thay đổi nên cứ thấy người ta đăng ký là đăng ký mà không tìm hiểu thật kỹ.

Chị Nguyễn Thị Luyên (Đại Mỗ, Hà Nội) – từng cho con tham gia trại hè, cho biết: “Thực ra các bố mẹ cũng không nên kỳ vọng nhiều về việc con sẽ thay đổi hoặc sẽ tiến bộ hơn. Mình cũng là người có con tham gia trại hè, mình hiểu những hoạt động chỉ mang tính chất trải nghiệm cho con trẻ hơn là tích lũy kỹ năng hoặc sự phát triển nhân cách hay gì đó mà các phụ huynh kỳ vọng. Vì thời gian tham gia trại hè ngắn chưa đủ nói lên tất cả”.

Ông Nguyễn Trọng An –Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho biết, có những lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ rất hiệu quả nhưng cũng có nhiều lớp mở ra nhằm mục đích thu lợi, hiệu quả giáo dục không cao. Thậm chí, có những lớp dạy kỹ năng giáo dục cho các em chưa đúng cách, kết quả đạt được chỉ là con số 0, thậm chí có ảnh hưởng nguy hại đến tâm lý, suy nghĩ của trẻ. Chẳng hạn, chương trình “Học kỳ quân đội” chỉ là trải nghiệm, không phù hợp với trẻ nhỏ khi các em tiếp xúc với súng đạn, thao trường.

Theo ông An, bố mẹ hãy sáng suốt lựa chọn cho con em mình những lớp học phù hợp để trẻ có một mùa hè đúng nghĩa. Bố mẹ có thể cho con em tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao... để đảm bảo sự vui chơi giải trí an toàn cho trẻ. “Hay nhất vẫn là duy trì phong trào bàn giao học sinh từ trường về cộng đồng. Khi về địa phương, các anh chị Đoàn thanh niên đón nhận, hướng dẫn các em tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ” - ông An cho biết.

Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, Việt Nam còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo theo phương thức tính thiếu hụt các quyền của trẻ em (chiếm khoảng 21% tổng số trẻ em của cả nước), trong đó vùng Trung du - miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ em nghèo cao nhất (chiếm 41,5% số trẻ em nghèo). Thêm vào đó, mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và trên 1.500 trẻ em là nạn nhân của của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em... Nguyên nhân là do các em còn thiếu sân chơi, thiếu sự quan tâm của gia đình và cộng đồng.

“Đây là những vấn đề nhức nhối mà Bộ LĐTBXH sẽ can thiệp để bảo vệ các em. Qua Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, tôi hy vọng các địa phương chung tay thực hiện tốt chủ đề Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống đuối nước trẻ em...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong mỏi.

Cha mẹ có thể tự tạo trại hè

“Quan sát có thể thấy hiện nay đang nở rộ rất nhiều trại hè cho trẻ em. Không chỉ các thành phố lớn, nhiều tỉnh thành cũng xuất hiện hình thức trại hè cho trẻ. Nếu có điều kiện bố mẹ cũng có thể sắp xếp đăng ký cho con tham gia một, hai khóa trại hè, còn nếu không có điều kiện thì bố mẹ có thể tự tạo ra “một trại hè” riêng cho con. Thay vì cho các con tới trại hè để học kỹ năng sống, bố mẹ có thể tự dạy kỹ năng sống, tự đưa con tới bể bơi dạy con hoặc cho con về quê để mở rộng tầm mắt, được gần gũi với thiên nhiên.

Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất không phải là cho các em tham gia trại hè nào, kinh phí đắt đỏ hay chất lượng ra sao? Quan trọng nhất vẫn là ta tạo cho trẻ một môi trường tốt để có thể trải nghiệm, có sự thử sức, rèn luyện”.

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH)

Tìm cách thay đổi môi trường sống

“Theo tôi không nên cho các con học xuyên hè, hay kể cả tham gia một số trại hè mà học nhiều hơn chơi. Nhiều cha mẹ vẫn lầm tưởng cho con vào trại hè để rèn luyện kỹ năng sống, nhưng tôi biết có một số trại hè dạy nhiều hơn chơi. Việc phụ huynh bắt con học xuyên hè vừa ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của trẻ, thậm chí gây quá tải với các con. Thay vào đó, bố mẹ nên tìm cách thay đổi môi trường cho trẻ, chẳng hạn đưa con về quê với ông bà, hay tham gia các hoạt động sáng tạo, kỹ năng cần thiết để xử lý mọi tình huống”.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

Dành nhiều thời gian hơn bên con

“Tôi cho rằng phụ huynh không nên thấy người ta cho con đi cũng hào hứng cho con theo, nên cân nhắc nhiều yếu tố: Sức khỏe, tâm lý của con, môi trường...

Nên nhớ điều kiện tốt nhất cho con trẻ vẫn là sự quan tâm của bố mẹ, người thân. Nếu có thể, cha mẹ hãy dành tối đa thời gian cho con một cách có chất lượng, đừng nên quá lạm dụng những khóa học như thế này hoặc kỳ vọng nhiều ở nó mà chỉ nên xem đó là một trải nghiệm cho con”.

Cô giáo Lê Thị Phương - (Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

Nguyệt Tạ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/sot-trai-he-cho-tre-em-984543.html