Sốt ruột với cấp mã số ao nuôi tôm

Tỷ lệ ao nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long được cấp mã số còn quá ít. Doanh nghiệp lo ngại, nếu bị phát hiện khai báo sai nguồn gốc, thì hậu quả vô cùng lớn với ngành tôm.

Sơ chế tôm tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang Ảnh: Lê Toàn

Đòi hỏi bắt buộc

Có thể ví mã số ao nuôi như số chứng minh nhân dân của mỗi người. Từ mã số ao nuôi sẽ xác định được chủ cơ sở ao nuôi là ai, địa chỉ nào, nuôi tôm nước lợ hay cá tra…

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt với thực phẩm là vấn đề hết sức nóng bỏng hiện nay. Con tôm muốn xuất bán đều đặn và bền vững, phải chứng minh cho bên mua từng lô tôm đó được nuôi ở ao nào (có mã số quốc gia do cơ quan chức năng quy định để họ kiểm tra), ở đâu, lúc nào... Yêu cầu này giống như mã số vùng trồng với mặt hàng rau, củ, quả khi xuất khẩu đến các thị trường, đặc biệt với những quốc gia trong 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là EVFTA và CPTPP.

Cơ hội mà các hiệp định này mang lại với riêng ngành tôm đã được chỉ ra rất nhiều, nhưng để nắm bắt không phải dễ. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, không thể không lo lắng, sốt ruột khi ngày càng nhiều thị trường đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, trong khi tỷ lệ diện tích tôm nuôi ở Việt Nam được cấp mã số còn ít.

Đầu năm 2019, tôm Việt vào Mỹ phải khai báo nguồn gốc từng lô hàng theo Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP). Mã số vùng nuôi, ao nuôi phải cung ứng trước và trước khi lô hàng xuất bến phải báo cho họ chi tiết xuất xứ lô hàng. Các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản và gần đây là Trung Quốc cũng đều đưa ra yêu cầu tương tự.

Đây được cho là đòi hỏi chính đáng và không phải là hàng rào bảo hộ mà các nhà cung cấp phải thực thi để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình thông suốt, cũng như từng bước “nâng cấp” doanh nghiệp.

Nhưng nếu không đáp ứng yêu cầu về mã số ao nuôi, hậu quả nào có thể xảy ra?

Từ góc độ doanh nghiệp chế biến, việc ổn định nguồn nguyên liệu tôm để sản xuất được cho là thách thức lớn nhất. Các doanh nghiệp chỉ tự chủ được khoảng 40% nguồn nguyên liệu tự sản xuất và quản lý. Phần còn lại phụ thuộc vào nhiều nguồn như nhập khẩu hay thu mua từ các nông hộ nhỏ lẻ.

Năm 2010, Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 triệu USD tôm các loại, thì đến năm 2018, kim ngạch nhập khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD. Phần lớn trong số này là hàng tạm nhập trung chuyển để đến thị trường Trung Quốc. Việc nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ và Ecuador để phục vụ xuất khẩu cũng manh nha xuất hiện, đặc biệt sau giai đoạn vùng nuôi tôm bị ảnh hưởng mạnh của dịch bệnh EMS (2010 - 2015), hay việc tôm Ấn Độ tìm cách mượn đường Việt Nam xuất khẩu sau khi Mỹ không còn ưu đãi thuế cho sản phẩm tôm của Ấn Độ.

Trong Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020, các chuyên gia phân tích cho rằng, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành tôm xuất khẩu cả nước nếu không kiểm soát chất lượng và khai báo xuất xứ nguyên liệu rõ ràng.

Một doanh nhân hơn 30 năm làm trong ngành tôm trăn trở, rủi ro về khai báo nguồn gốc từng lô tôm xuất khẩu hiện nay là không nhỏ. Các doanh nghiệp có tổ chức vùng nuôi riêng thì an tâm hơn, còn doanh nghiệp nào không tổ chức vùng nuôi riêng thì rủi ro có thể đến bất kỳ lúc nào.

Gỡ vướng ở khâu thủ tục

Đã có nhiều quy định về việc các cơ sở nuôi tôm nước lợ phải đăng ký với cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương và được cấp mã số nhận diện như Luật Thủy sản số 18/2017/QH14; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg.

Theo Số liệu của Tổng cục Thủy sản, ĐBSCL có khoảng 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ phải thực hiện đăng ký để được cấp giấy xác nhận mã số vùng nuôi. Nhưng đến tháng 9/2020, chỉ 0,4% số cơ sở có mã số vùng nuôi. Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành dự tính, cũng chưa tăng lên đáng kể.

Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 có đưa ra yêu cầu, vào hạn cuối ngày 25/4/2020, các cơ sở nuôi trồng thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra) phải tiến hành thủ tục đăng ký xác nhận nuôi trồng. Trong khi tỷ lệ ao nuôi tôm được cấp mã số còn quá ít, thì yêu cầu này đã được thực hiện quyết liệt với cá tra. Đơn cử, với địa phương có diện tích nuôi và sản lượng cá tra lớn nhất vùng ĐBSCL là Đồng Tháp, thì gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm đã được cấp mã số nhận diện vùng nuôi.

Còn với tôm, 8/13 tỉnh ven biển ĐBSCL đạt điều kiện nuôi tôm nước lợ gồm Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh và Bạc Liêu, nhưng tỉnh có tỷ lệ ao nuôi được cấp mã số cao nhất là Sóc Trăng, dù chưa đạt tỷ lệ tuyệt đối.

Tại sao ngành cá tra đã làm được, còn ngành tôm thì vẫn chậm? Nguyên nhân được nhắc đến là công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực và nuôi thủy sản lồng bè ở một số địa phương đến người dân còn chậm và chưa được quan tâm.

Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, họ chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực hoặc không chủ động thực hiện các thủ tục do phải chuẩn bị hồ sơ và đến nộp tại cơ quan cấp tỉnh. Đặc biệt, vướng mắc nhất hiện nay là rất nhiều cơ sở nuôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận không chính chủ, không có hợp đồng thuê đất dài hạn, giấy chứng nhận đã thế chấp ngân hàng vay vốn sản xuất...

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các cơ quan nhà nước phải khẩn trương giải quyết vấn đề này.

“Vấn đề hiện nay nằm ở chính quyền địa phương chứ không phải Tổng cục Thủy sản hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có tỉnh không kẹt về các thủ tục, nhưng họ chưa thấy mức độ quan trọng mã số ao nuôi với giá trị xuất khẩu hay chưa rõ về quy trình. Thủ tục chỉ là một yếu tố, cái chính vẫn là mức độ quan tâm của địa phương”, ông Hòe nói.

Còn theo ông Hồ Quốc Lực, ý thức hộ nuôi về trách nhiệm của mình không chỉ qua tuyên truyền suông, mà các doanh nghiệp chế biến cũng nên chung tay với ngành để tháo gỡ khó khăn, phức tạp. Sự chung tay thể hiện ở việc khuyến khích thưởng thêm trong giá mua…

Hồng Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sot-ruot-voi-cap-ma-so-ao-nuoi-tom-d139191.html