Sốt kéo dài, coi chừng lao màng não

Lao màng não xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu đến tấn công não và màng não. Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở người lớn, lao màng não thường gặp ở lứa tuổi 20-50, nam bị nhiều hơn nữ. Ở trẻ em, bệnh hay gặp ở lứa tuổi 1-5.

Sốt 10 ngày, chàng trai nhận kết quả bị lao màng não

Anh H.V.L, 27 tuổi và mẹ lặn lội từ Cần Thơ lên Bình Dương làm thuê kiếm sống. Giữa tháng 8/2020, anh L. bỗng sốt liên tục 10 ngày, tự mua thuốc uống nhưng không bớt. Từ một người bình thường, anh không ăn uống được, đi vệ sinh tại chỗ không kiểm soát, trở nên mê man, lơ mơ không nhận thức được mọi thứ xung quanh. Khi được cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), các bác sĩ xác định đây là tình trạng cấp cứu do bệnh nhân bị rối loạn tri giác nặng và nhận định bệnh nhân có thể bị viêm màng não, cho chỉ định chọc dịch não tủy. Kết quả chụp MRI (cộng hưởng từ) sọ não cho thấy anh L. bị viêm màng não và nhồi máu não rải rác. Chẩn đoán ban đầu là anh L. bị lao màng não.

Sau 2 tuần điều trị, tri giác bệnh nhân có cải thiện rõ, hết sốt, gọi hỏi có đáp ứng, thực hiện được một số y lệnh đơn giản, được rút ống sonde dạ dày, có thể tự mình ăn uống. Hiện tại, anh L. đã xuất viện trong tình trạng ổn định, được hướng dẫn thủ tục để tiếp tục điều trị lao tại tổ chống lao địa phương.

Lao màng não xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu tấn công não và màng não.

Lao màng não xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu tấn công não và màng não.

Dấu hiệu sớm của lao màng não

Lao màng não xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu đến tấn công não và màng não. Bệnh khởi đầu với những triệu chứng không đặc hiệu: nhức đầu, chóng mặt, ù tai; có người bị co giật khu trú, liệt, nói sảng, buồn bã... khá giống với các bệnh thông thường như cảm cúm, rối loạn tiền đình, viêm xoang, rối loạn tâm lý. Nhìn chung, các triệu chứng bệnh ở giai đoạn này khó nhận biết được, dễ bỏ qua.

Khi bệnh tiến triển, tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh sớm hay muộn mà các triệu chứng của lao màng não có thể rất nghèo nàn hoặc phong phú. Tuy nhiên, các dấu hiệu viêm màng não điển hình ngày càng đầy đủ và rõ như: sốt cao, kéo dài, tăng lên về chiều tối; nhức đầu khu trú hoặc lan tỏa, liên tục hoặc thành từng cơn, âm ỉ hoặc dữ dội và tăng lên khi có những kích thích tiếng động hoặc ánh sáng (nhức đầu kết hợp với tăng trương lực cơ làm bệnh nhân hay nằm ở tư thế co người, quay mặt vào trong tối); nôn (khi tăng áp lực nội sọ) tự nhiên, nôn vọt không liên quan tới bữa ăn; rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy; đau bụng, đau các khớp, đau ở cột sống phối hợp với đau ở các chi; rối loạn cơ thắt gây bí tiểu, tiểu tiện hoặc đại tiểu tiện không tự chủ; liệt các dây thần kinh sọ, liệt các chi, các cơn động kinh cục bộ hoặc toàn thể, các biểu hiện rối loạn tâm thần. Các biểu hiện rối loạn ý thức có thể có với mức từ nhẹ đến nặng (hôn mê). Do các biểu hiện này cũng gặp ở các bệnh về não khác như u não, xuất huyết não, màng não, viêm màng não mủ, viêm màng não do nấm... nên cũng chẩn đoán nhầm, tập trung điều trị các bệnh về não mà bỏ qua việc điều trị lao.

Những hệ lụy

Dù chỉ chiếm 5% tổng số các ca lao, nhưng lao màng não là thể lao ngoài phổi có tiên lượng nặng, tỉ lệ tử vong còn cao và thường để lại di chứng nặng: Nếu nhập viện muộn (khi đã hôn mê sâu), tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao màng não lên đến 70-80%. Những người còn sống có thể gặp những biến chứng nặng nề như sống đời sống thực vật, động kinh, mù mắt, liệt dây thần kinh 3 hoặc 4, liệt nửa người hoặc 2 chi dưới, thiểu năng trí tuệ, thay đổi tính tình, béo phì, vô kinh ở nữ giới, đái tháo nhạt,...

Do vậy, bệnh nhân cần phải được theo dõi và điều trị tích cực tại bệnh viện. Điều trị lao màng não phải phối hợp kháng sinh chống lao liều cao ngay từ đầu, đủ liều, kéo dài, đủ phác đồ (phác đồ điều trị lao) kết hợp với việc theo dõi tác dụng phụ của thuốc. Đồng thời điều trị nâng cao sức đề kháng toàn thân, kết hợp theo dõi chống biến chứng, di chứng...

Lao màng não là một thể lao cấp, do vi khuẩn lao đi theo đường máu đến tấn công não và màng não. Bệnh không có thuốc chủng ngừa. Chính vì thế, để phòng bệnh, khi thấy cơ thể có những triệu chứng: nhức đầu, chóng mặt, ù tai kéo dài, bệnh nhân nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Ðặc biệt, những người đã mắc các thể lao khác (như lao phổi, lao hạch, lao tiết niệu, lao xương...); những người sức đề kháng suy giảm do suy dinh dưỡng, sau nhiễm virus, không tiêm BCG, nhiễm HIV, đái tháo đường,... cần tuân thủ tốt hướng dẫn điều trị, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không làm việc quá sức để vi khuẩn lao không có cơ hội tấn công vào não.

BS. Hoàng Văn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sot-keo-dai-coi-chung-lao-mang-nao-n181540.html