Sốt đất nền không tại Bộ Xây dựng: Ai chịu trách nhiệm?

Sốt đất là do tâm lý đám đông thích đu theo, thích hưởng lợi nhanh...

Xung quanh cơn sốt đất nền tại một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng như một số khu vực thuộc các huyện ngoại thành của Hà Nội, Bộ Xây dựng cho rằng, trách nhiệm thuộc về Bộ TN-MT và chính quyền địa phương. Cơ quan này giải thích, trong phạm vi chức năng của mình, Bộ chỉ quản lý các giao dịch mua bán bất động sản trong các dự án của doanh nghiệp, còn các giao dịch đất nền tại một số địa phương gây hiện tượng sốt nóng vừa qua thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành.

Đất nền bị thổi giá là do tâm lý đám đông. Ảnh: TTO

Đất nền bị thổi giá là do tâm lý đám đông. Ảnh: TTO

Đại diện Bộ Xây dựng nói thêm, thị trường đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính và chính quyền địa phương quản lý. "Sốt đất" chủ yếu do người dân mua bán đất cá nhân".

Bình luận về việc này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, việc để sốt đất trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi quản lý các dự án trực tiếp. Nói như vậy vì, là cơ quan quản lý hành chính, địa phương phải có trách nhiệm quản lý mọi hoạt động mua bán, kinh doanh diễn ra trên địa bàn.

Cụ thể, theo ông Đính, quản lý ở đây sẽ bao gồm nhiều vấn đề.

Thứ nhất, là quản lý trong việc phát triển dự án. Như vậy sẽ bao gồm việc quản lý tất cả những hoạt động như quy hoạch, cấp phép, các điều kiện kinh doanh của dự án. Địa phương phải nắm rõ việc này.

"Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung toàn vùng, địa phương phê duyệt quy hoạch chi tiết, bao gồm về quy mô, tính chất, mục đích dự án. Tất cả phải có ý kiến của địa phương, sau đó trên cơ sở đề xuất của địa phương mới trình xin ý kiến các bộ, ngành. Vì vậy, địa phương phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong phê duyệt quy hoạch của từng vùng", ông Đính nói.

Thứ hai, là quản lý các hoạt động mua bán, giao dịch, giá cả về dự án trên địa bàn. Theo ông Đính, địa phương cũng phải nắm được việc này, thông qua nắm bắt giá cả từ hoạt động của các sàn giao dịch BĐS. Theo đó, địa phương có toàn quyền xử lý, xử phạt và ngăn chặn các hoạt động mua bán, giao dịch trái pháp luật.

Vấn đề tiếp theo là quản lý việc sốt đất đó thế nào và trách nhiệm thuộc về ai? Trả lời câu hỏi này, ông Đính cho rằng, vẫn là trách nhiệm của địa phương.

"Đầu tiên là địa phương phải quản lý chặt các hoạt động mua bán, giao dịch kinh doanh tại dự án đó phải được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của pháp luật, dự án phải đủ điều kiện, giao dịch phải có hợp đồng, phải đóng thuế đầy đủ cho nhà nước.

Các hoạt động mua bán này phải thông qua chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan", ông Đính nói.

Vẫn theo ông Đính, để xảy ra tình trạng sốt đất nền thời gian qua là do địa phương buông lỏng quản lý, điển hình như ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vân Đồn (Quảng Ninh)... Hàng loạt những dự án chưa hoàn thành đã được thực hiện giao dịch rầm rộ trên thị trường. Đó là do công tác quản lý của địa phương kém, không giám sát, xử lý nghiêm.

"Tôi chưa khẳng định có dấu hiệu lợi ích, bắt tay trục lợi nhưng không thể có chuyện mua bán rầm rộ như vậy diễn ra mà địa phương lại không biết gì.

Nếu địa phương quản lý tốt, ngay từ đầu khi phát hiện các dự án có dấu hiệu mua bán trái quy định địa phương phải yêu cầu dừng ngay, và thông báo công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và nhà đầu tư cảnh giác, chắc chắn không có hiện tượng mua bán ồ ạt diễn ra", ông Đính nói.

Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng cho rằng, việc sốt đất trước hết là do những người đầu cơ, những người có đất, những người muốn rửa tiền... họ đã lợi dụng tâm lý đám đông, thấy lợi là lao vào của một số nhóm người dân, tạo cơn sốt nóng để trục lợi.

Với những nhà đầu tư chân chính, họ sẽ luôn tìm hiểu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi thực hiện mua - bán. Thực tế kiểm chứng cho thấy, tại những tỉnh thành có hiện tượng sốt đất các nhà đầu tư chân chính thường đứng ngoài, không tham gia vào.

Nói về trách nhiệm, ông Thanh cho rằng, để xảy ra tình trạng sốt đất trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương.

"Với chức năng, thẩm quyền của mình, các cơ quan quản lý tại địa phương phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan tới quy hoạch, dự án cho người dân. Đồng thời, cũng phải đưa ra những cảnh báo cho người dân cần đề phòng, tuyệt đối không tham gia các giao dịch thiếu cơ sở bảo đảm để tránh những rủi ro, đổ vỡ về tài chính.

Thực tế, rất nhiều người phải đi vay ngân hàng, người thân với số tiền rất lớn để mua đất, tuy nhiên, khi dự án gặp vấn đề không thực hiện giao dịch được hoặc giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực thì lập tức đã phải gánh cảnh nợ nần, phá sản", ông Thanh nói.

PGS.TS Phạm Văn Khôi cũng cho rằng, sốt đất có thể do liên quan nhiều tới công tác quy hoạch, những dự án, công trình trên đất... Như vậy, nói về trách nhiệm cũng phải xem xét tùy thuộc vào từng dự án, nếu là dự án lớn sẽ thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành quản lý, dự án nhỏ là thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Đất nền tỉnh lẻ đang nóng

"Thực tế, có những địa phương đã quản lý đất đai rất tốt, ví dụ như Vĩnh Phúc.

Để bảo đảm thị trường BĐS không bị đẩy giá ảo, địa phương này đã thành lập trung tâm quỹ đất nhằm quản lý các khu đất thuộc diện thu hồi, giải phóng mặt bằng.

Sau khi đất được thu hồi, giải phóng mặt bằng xong mới được bàn giao cho dự án, kêu gọi đầu tư", ông Khôi nói.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/sot-dat-nen-khong-tai-bo-xay-dung-ai-chiu-trach-nhiem-3378103/