Sốt đất 'không tưởng' ở Hòa Tiến

UBND H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng vừa có Công văn khẩn, gửi UBND 11 xã trên địa bàn huyện về việc 'chấn chỉnh tình hình mua bán đất trên địa bàn huyện', với nội dung: 'Hiện nay, tình hình mua bán đất trên địa bàn H. Hòa Vang đang diễn ra rất sôi động, giới 'cò' đất đang dùng nhiều chiêu trò đẩy giá đất lên cao bất thường để trục lợi'.

UBND H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng vừa có Công văn khẩn, gửi UBND 11 xã trên địa bàn huyện về việc “chấn chỉnh tình hình mua bán đất trên địa bàn huyện”, với nội dung: “Hiện nay, tình hình mua bán đất trên địa bàn H. Hòa Vang đang diễn ra rất sôi động, giới “cò” đất đang dùng nhiều chiêu trò đẩy giá đất lên cao bất thường để trục lợi”.

Lô đất 140m2 còn nguyên bụi tre, sát đường bê-tông thôn Nam Sơn được người dân bán 140 triệu đồng trước Tết Kỷ Hợi, cách đây 4 ngày đã được bán với giá gần 1 tỷ đồng.

Lô đất 140m2 còn nguyên bụi tre, sát đường bê-tông thôn Nam Sơn được người dân bán 140 triệu đồng trước Tết Kỷ Hợi, cách đây 4 ngày đã được bán với giá gần 1 tỷ đồng.

Sáng 4-3, chúng tôi tìm về thôn Nam Sơn, Hòa Tiến, Hòa Vang, đây là địa phương đang “nóng” nhất về tình hình mua bán đất đai. Bà Lê Thị Thu -Trưởng thôn Nam Sơn cho biết, Nam Sơn là thôn nhỏ nhất của xã Hòa Tiến, toàn thôn có 220 hộ dân, 600 nhân khẩu, diện tích tự nhiên chỉ hơn 50 ha, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào làm nông nghiệp trồng lúa, hoa màu, làm các nghề phụ chủ yếu là thợ nề và chăn nuôi nhỏ lẻ. Bà Thu cũng tỏ ra băn khoăn với chúng tôi, đất đai ở Nam Sơn thuộc dạng cằn cỗi bạc màu nhất ở Hòa Tiến, trên địa bàn thôn cũng chưa có một dự án nào của Nhà nước, hay của bất kỳ doanh nghiệp nào, thôn tiếp giáp với các xã Điện Hòa, Điện Tiến của TX Điện Bàn, Quảng Nam, vậy mà mấy ngày qua, đất đai cứ “sốt sình sịch”...

Ở Nam Sơn, dân số ít, nên đất đai gia đình nào cũng rất rộng, có gia đình tới 2-3 ha, ngay như gia đình bà Thu cũng có hơn 2.000m2 đất vườn. Bà Thu cho biết, đất rộng nhưng cằn cỗi, trồng cây gì cũng khó lên, nên ai hỏi mua đất là bà con bán liền, khổ nỗi đất bán quá rẻ, mấy hôm nay thấy người từ nơi khác về mua thửa đất mình vừa bán hôm trước giá gấp 3 gấp 4 lần, cứ tiếc hùi hụi, chỉ biết ngậm ngùi than “số mình nghèo” để của cho người khác “ăn”!

Dẫn tôi ra thửa đất ngay đối diện nhà, bà Thu chỉ lô đất diện tích 150m2, của gia đình “ông bà sui” với bà Thu, mới bán cách đây ít lâu, giá 200 triệu đồng, cách đây 2 hôm người mua đất đã bán lại với giá... 800 triệu đồng! Ngay sát con đường thôn bê-tông gồ ghề dẫn vào nhà bà Thu, lô đất 140m2 cũng của một gia đình gần đó, còn nguyên những bụi tre vừa bán trước Tết Kỷ Hợi chỉ 140 triệu đồng, cũng cách đây 4 ngày, người mua đã sang tay gần một tỷ đồng!

Từ cuối tháng 2-2019 đến nay, nhiều người từ địa phương khác đến thôn cứ nườm nượp như đi hội, kẻ mua, người bán, ngã giá đất, môi giới, chỉ trỏ cứ diễn ra suốt cả ngày, thôn Nam Sơn lâu nay vắng vẻ vậy mà mấy ngày qua cứ nhộn nhịp hẳn lên. Ngay bà Thu và nhiều người dân ở thôn Nam Sơn cũng ngạc nhiên, hỏi ngược lại chúng tôi: “Không hiểu người ta đến mua đất với giá cao ở đây để làm gì nhỉ, thực sự mà nói, Nam Sơn không phải địa bàn lý tưởng để kinh doanh buôn bán làm ăn, còn để ở thì nơi đây còn quá hoang sơ, từ hạ tầng như giao thông, điện, nước... trường học, y tế cũng chỉ là một vùng nông thôn chưa đồng bộ, hoàn chỉnh...?”.

Lô đất 150m2 ở thôn Nam Sơn được người dân bán giá 200 triệu đồng, cách đây 3 ngày đã được bán lại với giá hơn 800 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ công an huyện làm công tác địa bàn cho rằng, tình trạng đất đai ở Nam Sơn mua bán sôi động, đẩy giá lên cực đỉnh chỉ là chiêu trò của giới “cò” đất. Đã có những nhóm đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhu cầu cần bán đất lấy tiền chi dùng của người dân để mua đất giá rẻ bán kiếm lời. Những người mua đất của người dân, rồi hình thành các nhóm “cò”, liên kết với nhau đẩy giá đất lên cực đỉnh, khi người nào đó có nhu cầu mua đất thực sự, các “cò” sẽ cho đối tượng “sập bẫy”, lúc đó chỉ còn biết kêu trời. Một lô đất khoảng trên 100m2 ở Nam Sơn mà có giá từ 800 đến 1 tỷ đồng là hoàn toàn phi lý, không thể phù hợp với thực tế cả về kinh tế lẫn xã hội tại địa phương.

Tình trạng sốt đất “ảo” tại địa phương làm cho tình tình hình ANTT có nguy cơ phức tạp, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai chắc chắn sẽ xảy ra sẽ làm cho tình hình càng phức tạp thêm, đời sống người dân sẽ bị xáo trộn, tiềm ẩn nhiều sự bất ổn. Trong những ngày qua, tình trạng mua bán đất đai sôi động không chỉ diễn ra tại thôn Nam Sơn mà còn diễn ra tại nhiều thôn khác ở Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong... ở Hòa Vang và lan đến cả các xã Điện Tiến, Điện Hòa TX Điện Bàn, Quảng Nam...

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang cho biết, Chủ tịch UBND huyện đã có ý kiến chỉ đạo: “Giao UBND 11 xã thông tin, tuyên truyền cho người dân cần phải thận trọng trong việc mua bán đất. Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở vì sau này sẽ không có đất để sản xuất, không có đất để cho con, cháu làm nhà ở, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài. Các cơ quan thông tin đại chúng thông báo rộng rãi để người dân nắm rõ tình hình “sốt” đất ảo trên địa bàn huyện, tránh tình trạng “sập bẫy” nhóm “cò” gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của cá nhân, gia đình, tình hình ANTT xã hội...”.

HỒNG THANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_202914_sot-dat-khong-tuong-o-hoa-tien.aspx