Sốt đất cả nước đang tiềm ẩn nguy cơ bong bóng

Việc giá nhà đất gia tăng từ 10-20% là mức hợp lý, tăng từ 50-100% là quá cao và nếu tăng gấp nhiều lần thì nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản hoàn toàn có thể xảy ra.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính

Việc giá nhà đất, nhất là giá đất nền tăng cao một cách nhanh chóng tại các địa phương hiện nay đang tiềm ẩn rủi ro bong bóng cho thị trường bất động sản nói chung và cho thị trường đất nền nói riêng.

Thực tế cho thấy, thông thường các đợt sốt đất như thế tạo ra sự thiệt hại cho những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường do bị cuốn hút bởi sức nóng “ảo” khi mà có những khu vực nhà đầu tư tranh nhau mua nhưng trong 10 người thì có đến 7 người là "chân gỗ" đẩy giá lên. Do đó, các bên liên quan cần xem xét vấn đề này hết sức cẩn trọng, từ nhà đầu tư đến các cơ quan quản lý nhà nước để tránh những hệ lụy không đáng có.

Đối với chính quyền, nếu xảy ra hiện tượng đầu cơ một cách bất hợp lý thì có thể tạm ngưng việc phân lô bán nền đất cũng như tạm ngưng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, cũng rất cần cung cấp những thông tin một cách chính xác, minh bạch về các dự án hạ tầng cơ sở trong khu vực sẽ triển khai cho người dân, những nhà kinh doanh có thể tham khảo, hiểu rõ tiềm năng của các bất động sản tại khu vực đó.

Về phía các nhà kinh doanh bất động sản nhất thiết nên có sự nghiên cứu cẩn thận, có thể tham khảo thông tin từ các cơ quan nhà nước như Bộ TNMT, Bộ Xây dựng hay UBND các cấp về những quy hoạch, kế hoạch đầu tư dự án hạ tầng. Ngoài ra, cũng có thể tham khảo giá trong thị trường thực tế trước đó và tại các khu vực ven nơi đang có sốt đất. Chỉ khi nghiên cứu chặt chẽ thì mới có thể đưa ra kế hoạch đầu tư, kiểm soát ngăn ngừa rủi ro bất động sản tốt nhất.

Trong cơn sốt đất, không ít người được cho là đã dùng tiền vay ngân hàng tham gia đầu cơ, lướt sóng

Về phía các ngân hàng thương mại cũng phải góp phần vào việc giải quyết cơn "sốt" hiện nay. Theo đó, khi cho vay mua đất cũng cần phải điều tra kỹ lưỡng về các thông tin như mảnh đất đó có giá trị thế nào, tính pháp lý ra sao… trước khi giải ngân.

Thực tế, hiện nay trong câu chuyện cho vay mua bất động sản, nhất là đất nền đang có một hiện tượng là nếu người mua bất động sản không phải là nhà kinh doanh bất động sản và nguồn tiền để trả nợ không phải từ bất động sản đó mà từ những nguồn thu nhập khác thì có thể thì khoản vay để mua bất động sản đó được tính là tín dụng tiêu dùng. Đây là điểm có lẽ là không hợp lý vì nếu một ngân hàng cho vay mục đích là để mua bất động sản và thế chấp đó cũng là thế chấp bất động sản thì lẽ ra phải được phân loại là tín dụng bất động sản thay vì là tín dụng tiêu dùng.

Hiện theo quy định nhiều món cho vay mua đất nền, cho vay bất động sản được đem qua thành tín dụng tiêu dùng. Do đó con số tỷ lệ cho vay bất động sản trên toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam có thể chưa phản ánh đúng nhưng thực tế nếu đem những món vay thực chất là bất động sản, trong đó có vay để mua đất nền chuyển sang tín dụng bất động sản thì tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ có thể cao hơn nhiều.

Câu chuyện sốt đất hiện nay cần sự hợp tác của rất nhiều phía, tất cả mọi thành phần đều phải tham gia thì mới ngăn chặn được nguy cơ bong bóng và những hệ lụy không mong muốn.

Theo enternews.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/nha-dat/sot-dat-ca-nuoc-dang-tiem-an-nguy-co-bong-bong-280931.html