Sông Yên không... yên!

Dù đã biết hành vi dùng xung điện, kích điện để khai thác thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại môi trường thủy sinh và bị nghiêm cấm… song hiện nay, tình trạng sử dụng xung điện để khai thác thủy sản vẫn diễn ra ở nhiều nơi, làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt và đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.

Thuyền đánh bắt cá bằng xung điện dàn hàng ngang, quần thảo dưới sông Yên.

Thuyền đánh bắt cá bằng xung điện dàn hàng ngang, quần thảo dưới sông Yên.

Dù đã biết hành vi dùng xung điện, kích điện để khai thác thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại môi trường thủy sinh và bị nghiêm cấm… song hiện nay, tình trạng sử dụng xung điện để khai thác thủy sản vẫn diễn ra ở nhiều nơi, làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt và đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.

Sau Tết Nguyên đán, khi tiết trời nắng ấm và dòng sông chuyển màu xanh trong cũng là lúc từng đàn cá mòi ở vùng nước lợ ngược dòng sông Yên lên đập Ba-ra An Trạch (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đẻ trứng. Cá mòi được sinh ra ở vùng nước ngọt nhưng lại bơi ra vùng nước lợ để sống, chỉ đến mùa sinh sản chúng mới quay về nơi mình đã được sinh ra. Nhiều cư dân ven sông cho biết, không có mùa nào cá nhiều bằng mùa cá mòi. Cá lên từng đàn, quần như cái nia, cái nong ngay chỗ dòng nước chảy xiết để đẻ. Họ bơi ghe mỗi chiều, quây lưới dọc sông ít nhất cũng được 15-20kg cá. Sau đó, đưa cho vợ lên bờ chào hàng với khách đi đường, tùy theo loại lớn, nhỏ mà bán từ 30-50 ngàn đồng/chục. Cá mòi là một thứ “lộc trời” mang thêm nguồn thu nhập cho người nông dân trong thời vụ ngắn ngủi từ tháng Giêng cho đến cuối tháng Ba…

“Với những hộ dân ven sông Yên, đánh bắt cá mòi không chỉ là kế sinh nhai mà còn là thú vui. Con cháu ở xa mỗi lần về quê ăn Tết, chỉ cần bơi ghe, giăng lưới vài vòng là trên mâm cơm đã có thêm hương vị của quê nhà. Thế nhưng bây giờ, mặc dù cá mòi cũng trở về thượng nguồn để duy trì khả năng sinh tồn, nhưng không còn nhiều như trước nữa. Vì lượng cá trên sông Yên ngày càng giảm nên nhiều nông dân sống gần thượng nguồn phải bỏ nghề, chuyển qua làm việc khác. Một số ít kiên trì buông lưới nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Vậy là huyền thoại về một con sông đầy ắp cá mòi chỉ còn trong ký ức, biết bao con người một thời gắn bó giờ nhìn dòng sông quạnh quẽ mà thấy lòng không yên”, ông Hai Hòe (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) ngao ngán thở dài.

Chúng tôi biết tiếng thở dài đó xuất phát từ điều ông Hai Hòe muốn nói về thực trạng một bộ phận người dân trong khu vực đang “lén lút” sử dụng xung điện đánh bắt cá dưới sông. Cụ thể, chiều 14-2, tại chân đập Ba-ra An Trạch, chúng tôi phát hiện 3 chiếc ghe đang sử dụng bộ xung điện liên tục quần thảo tại các phui xả nước, xuôi về dưới vài trăm mét còn có 2 ghe khác lẩn quẩn ở những bụi tre. Nhìn quanh, chẳng thấy chiếc ghe nào khai thác theo ngư lưới cụ truyền thống. Với cách đánh bắt này, tất cả các sinh vật ở dưới nước nằm trong tầm bán kính 2-3m đều bị hủy diệt. Những thủy sản bị nhiễm điện còn sống sót sẽ không phát triển được và mất luôn khả năng sinh sản, trứng và ấu trùng cũng bị hủy diệt hoàn toàn. Chính vì sự hủy diệt như vậy đã khiến cho nguồn lợi thủy sản dồi dào trước kia ở sông Yên đang dần biến mất, cuộc sống của hàng chục hộ dân ven sông sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi thủy sản theo đó cũng trở nên khó khăn.

Các phương tiện cập bờ bán cá mòi tươi, căng tròn bụng trứng cho khách đi đường.

Thấy có phương tiện cập bờ bán cá, chúng tôi tranh thủ đến gần hỏi chuyện người đàn ông cầm vợt đứng đầu mũi ghe. Người này cho biết, đánh kích khá đơn giản, chỉ cần thọc cây sào xuống nước là dòng điện từ nguồn phóng theo. Trúng luồng điện, cá tôm nhao loạn lên rồi ngắc ngoải lịm hẳn. Người kích chỉ việc dùng vợt vớt đưa lên khoang. Ghe cá của ông đánh được hôm nay cũng khá bộn, có nhiều con to bằng bàn tay, chưa kịp đẻ trứng… Song, một thực tế dễ nhận thấy, ngoài những con cá đánh được còn nhiều nguồn thủy sản khác đã bị hủy diệt bởi dòng điện 220V này. Sau mỗi đợt kích điện, nhiều con cá bé bằng ngón tay nổi đầu dập dờ trên mặt nước bởi sự tận diệt không thương tiếc của con người.

Chứng kiến thực trạng đó, ông Bốn Khê (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) - người có gần 30 năm hành nghề bủa lưới dưới sông Yên than thở, chưa bao giờ ông thấy phương pháp đánh bắt nào khủng khiếp như bằng điện. Mỗi khi đi đến đâu thì các loài tôm, cá... từ to đến nhỏ đều bị điện giật chết trắng đến đó. Trước đây, chỉ cần dùng tay đánh bằng phương pháp thủ công cũng bắt được hàng chục cân tôm cá, nhưng bây giờ ngâm dưới nước cả ngày cũng chỉ được vài ba lạng… “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, chính quyền địa phương cũng quan tâm ghi nhận nhưng rồi đâu lại vào đấy. Thấy cái kiểu làm ăn quên cả phần con cháu mai sau như thế này, không thể không nói được. Ngay cả chính quyền địa phương cũng trăn trở, rất muốn dẹp nhưng lại không có phương tiện truy đuổi, khi phát hiện ghe vi phạm bên bờ này thì họ lại chạy sang bờ kia. Cho nên, việc này cần có sự phối hợp đồng bộ của các địa phương, ban ngành thì may ra mới đạt hiệu quả”, ông Bốn Khê tiếp tục chia sẻ.

Để hạn chế những vấn đề nêu trên, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành quy định của Nhà nước đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý triệt để các trường hợp khai thác thủy sản trái quy định trên các cánh đồng, sông hồ thuộc phạm vi huyện, xã quản lý theo quy định. Mặt khác mỗi người dân chúng ta cần nhận thức rõ hơn những hiểm họa từ xung điện, kích điện và không sử dụng ngư cụ này để khai thác thủy sản nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên đã ban tặng.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_220366_song-yen-khong-yen-.aspx