Sóng vàng trên non

Thiên hạ đã chắt ra vô vàn lời ngợi ca cái đẹp, cái hay, cái hùng vĩ, lạ thường về mùa lúa xanh, lúa vàng trên những cánh ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Đã thế, năm nay heo may về, lúa vàng ươm, tỉnh Yên Bái lại tổ chức Lễ hội Sóng vàng trên non Mù Cang Chải, nghe mộng mơ, thơ mộng, quyến rũ biết bao.

Trước khi về bản ở cùng dân, nghe dân, thăm thú cảnh sắc..., chúng tôi gặp Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Vũ Văn Đức, cốt để nhận thông tin chính chuẩn. Vượng tướng, tính khí cởi mở nhưng cẩn trọng hiển hiện trong ánh mắt, nét mặt khi anh đáp lại lời vấn khái quát của chúng tôi về bước chuyển của Mù Cang Chải kể từ khi được công nhận Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang. Mạch lạc, rành rõ, lời lẽ chắt ra từ “bộ nhớ”, rằng: “Mù Cang Chải vốn là huyện nghèo nhất nước. Cái tên Mù Cang Chải theo cách hiểu của người Mông nghĩa là làng cây khô; mà làng khô, làng khát thì khổ cực biết bao”! Rồi anh chuyển giọng theo nhịp đếm: Sau 10 năm, dân huyện tôi khai thác thêm 20 nghìn héc-ta ruộng cấy lúa; tăng gấp bốn lần so với năm 2007. Huyện hình thành được thói quen làm du lịch (chuyên nghiệp và biết phát triển du lịch cộng đồng). Năm 2016, có 40 nghìn lượt khách tới Mù Cang Chải; riêng khách quốc tế 1.500 người, gấp 10 lần so với 10 năm trước. Các doanh nghiệp đều nhận thức rõ, phải xã hội hóa du lịch, cho nên họ rất chú trọng cách thức đầu tư. Nhiều hộ dân ở các xã trọng điểm du lịch cũng mở nhà nghỉ; hoặc khi làm nhà mới thì xây dựng kết hợp các tiện nghi đón và phục vụ khách ăn, nghỉ; gắn với trồng rừng, giữ rừng; trồng cây hấp dẫn khách như táo mèo, các cây gỗ quý như lát, dổi; cây dược liệu tạo ra hàng hóa như đương quy, đẳng sâm, sâm đá, thảo quả quanh nhà!... Giọng say sưa, anh nói về cách thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, về cách tạo hàng hóa, về chợ huyện, về hạ tầng cơ sở tới các điểm du lịch, về dự tính gọi đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao...: “Nghĩa là mọi sự đều chuyển động, đồng bộ theo hướng làm kinh tế du lịch ngay trên vùng đất Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang. Làm du lịch xã hội thì phần đông là các gia đình người dân tộc Mông. Cả huyện có gần 60 nghìn dân, 12 dân tộc thì người Mông chiếm tới 91%. Họ cũng là dân tộc tạo nên Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, tạo nên Sóng vàng trên non. Các anh cứ đi, cứ tới thì rõ!...”.

Khách du lịch quốc tế đến Mù Cang Chải (ảnh nhỏ).

Tới cửa hàng Hải Phương ở trung tâm thị trấn huyện, thuê xe máy rồi lên đường 32, tôi quay lại “phượt” theo hướng trở về đèo Khau Phạ (sừng của núi). Đích đến là “Đồi mâm xôi” bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn. Người ta mách rằng, trong ba xã trọng điểm thì La Pán Tẩn có diện tích ruộng bậc thang lớn nhất (nhiều hơn Chế Cu Nha, Dế Xu Phình), những hơn 200 ha. Trong tổng số hơn 3.500 ha ruộng bậc thang toàn huyện, thì ruộng của La Pán Tẩn vẫn đứng đầu bảng. Bởi thế, thiên hạ mới chẳng kiệm nhời kháo nhau: Đó là điểm hội tụ giá trị văn hóa của dân tộc Mông, là linh hồn đỉnh điểm nét đẹp mùa vàng ruộng bậc thang. Cho nên đã đi là phải đến! Dặm đường tới đó chưa đầy chục cây số, vậy mà tôi phải chi hết những mấy giờ đồng hồ. Chung quy chỉ tại “sóng vàng”, tại lúa và lúa, lúa trong mây, lúa dưới mây như bông gòn, như voan trắng mảnh mai mơn man trong sóng vàng ươm theo bậc, theo hàng, lớp lớp, tầng tầng vây lấy núi, bọc lấy đồi suốt hai mạn đường khiến tôi cùng đông đảo du khách tứ phương như lạc vào chốn thần tiên, “bước đi mỗi bước, giây giây lại dừng” để mà ngắm, để mà thu, mà chụp, mà “cuỗm lấy” cả mùa vàng giữa núi non hùng vĩ vào ống kính, thành của nả, báu vật để lưu giữ, để lan tỏa, phô phang với nhân gian cho say dạ, ngả lòng ngưỡng mộ Mù Cang Chải!...

“Tài xế” xe ôm là Cứ A Vang, người Mông chính gốc xã La Pán Tẩn, guồng tôi vượt dốc núi dựng đứng cả cây số, uốn, lượn, men, bò theo kẽ đá, gồ đất sống trâu, bờ lươn con trạch trơn trượt, ngả nghiêng... thót tim, hoa mắt, lạnh sống lưng, hõm gáy, ngộp thở mới tới điểm dừng. Vang cười hồn hậu: “Đi với cháu bác đừng sợ. Cháu chưa để ngã ai bao giờ. Đây là xã cháu. Bản Pú Nhu quê cháu!”... Hồi sức. Cái sợ tiêu tan. Trước mắt tôi bây giờ là cả biển vàng của lúa trộn pha sắc nắng. Nắng vàng. Lúa vàng. Nhìn xuống La Pán Tẩn như một bức tranh hội tụ nét đẹp kỳ vĩ nhất của thiên tạo. Đâu đâu sóng vàng của lúa cũng uốn lượn vây bọc lấy núi, lấy đồi cứ như trời sinh ra là phải thế. Điểm xuyết trong biển vàng trên non là những chiếc chòi mái tôn, bốn bề vây bọc ván, sàn ván để nghỉ ngơi, coi giữ mùa màng. Mà sóng lúa đâu chỉ vây bọc lấy núi, lấy “Đồi mâm xôi” nơi đây; sóng vàng còn như dòng chảy của sông, của suối, dạt dào miết mải về phía chân trời xa xa huyền ảo như thực như mơ. Chống nạnh, tôi làm vẻ hãnh diện tới được nơi này, lời thản nhiên như thời trai trẻ: “Ôi. Kỳ quan tuyệt mỹ. Trời chỉ ban cho xứ này thôi ư!”. Ai ngờ Cứ A Vang quá thạo tiếng phổ thông, đối ngay: “Bác ơi. Đó là bàn tay dân bản chúng cháu làm ra đấy. Mình chỉ cầu trời, chứ trời có làm thay mình đâu!...”. Câu đáp bất ngờ khiến tôi khựng lại, tự cười cách nhìn cạn nông, chỉ biết khen, chê trước cái xấu, cái đẹp!... Đã đi là phải đến. Không chỉ ở trên cao ngó xuống. Không chỉ cậy tay máy rum xa rum gần để ngại tới, ngại lui. Tôi quyết lần theo lạch xẻ do nước mưa tạo ra để xuôi tới lán, tới lều, để tiếp cận với “Đồi mâm xôi”. May mắn, nhờ Cứ A Vang thông ngôn mà chủ nhân của “Đồi mâm xôi” vui vẻ chuyện trò cởi mở với tôi. Ông là Hờ Vang Su. Tôi hỏi: “Nhà ta tạo nên chân ruộng bậc thang mang hình mâm xôi này tự khi nào?”. Hờ Vang Su khẽ co người lại, quầng mắt thâm sâu của tuổi tác, nhưng giọng khỏe khoắn, lời mộc mạc phân bua: “Ông cha để lại cho chứ mà. Mình chỉ gieo cấy, lấy thóc thôi mà. Ruộng dưới chân lều này mới do mình làm chứ mà!”. Được thể, tôi xoay hỏi cách thức làm ruộng bậc thang. Hờ Vang Su chậm lời nhưng cặn kẽ, âm điệu gần, xa, mạnh, yếu diễn cảm theo động tác: “Ái chà chà. Không dễ đâu. Phải cố lắm. Mệt lắm. Cái mắt phải tinh. Cái đầu phải nghĩ. Cái chân phải cứng. Cái tay phải khỏe... thì mới có được như thế!...”. Hờ Vang Su khoát tay xuống chân ruộng hình đế giày rồi vòng lại chỉ vào “Đồi mâm xôi” vàng của lúa và “Đồi mâm xôi” trăng trắng của tam giác mạch đang độ đẹp nhất với ý, đó là thành quả kết lại của công sức người Mông đó!

Tôi trở lại câu hỏi “Cách thức để tạo nên ruộng bậc thang?”, Hờ Vang Su bắt ngay: “Ờ ờ. Như thế này mà. Xưa kia đất này chỉ trồng cây thuốc phiện cho nên ruộng không cần đắp bờ giữ nước như thế này đâu. Hoa thuốc phiện cũng đẹp nhưng khách đâu có đến như đồi tam giác mạch kia bây giờ. Xưa đói lắm, khổ lắm. Nay nhờ Đảng, Chính phủ nên lúa thóc mới thế này. Cái no, cái ấm mới về bản ta mà!...”. Vòng vo mãi Hờ Vang Su mới vào ý trả lời: “Để có cái ruộng thế này, ta phải lựa những chân núi, những quả đồi có cái dốc vừa phải, ít sỏi đá, có nước khe suối để dẫn về; dùng cuốc bướm đào xới, san gạt, tạo mặt bằng. Be bờ nhỏ bằng đất lèn để không ngấm nước, xẻ dòng thoát so le ruộng cao với ruộng thấp để mưa lớn không tạo dòng chảy dữ dội làm trôi đất, mất mầu. Việc tạo ruộng phải bắt tay ngay từ những tháng sau Tết mới kịp gieo cấy, mới cho lúa chín vào độ này ấy mà!...”. Vậy là, chính dân tộc Mông nơi núi cao rừng thẳm xa xôi này là những “nghệ nông” tạo ra phương thức canh nông nhuần nhuyễn giữa nương rẫy và ruộng lúa nước; là “nghệ nhân” tinh tế không chỉ tạo nên hạt ấm, hạt no mà còn chế tác nên cái đẹp kỳ vĩ của núi đồi. Chính họ đã tạo nên sự rộn ràng khách tới, khách lui; người sang kẻ hèn, từ khắp năm châu bốn biển về đây để chiêm ngưỡng, để hưởng thụ cái hay cái đẹp; để thấm hiểu sức sống và sự tài ba của người Việt Nam ta! Chính họ đã khiến những nhà lãnh đạo cấp huyện, tỉnh tới Trung ương phải nắm bắt thời cơ, thời cuộc, phải năng động, mở hướng vươn lên, để cái no, cái ấm, cái đẹp, cái tốt nhân lên ngay trên miền đất gian nan này...

Mùa lễ hội xứ núi Mù Cang Chải năm nay tưng bừng muôn vẻ: Nào là thi chọi dê, thi khèn Mông, tung còn, ném pao, festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”, triển lãm ảnh “Mù Cang Chải - Du lịch bản sắc”... Từng đoàn người từ khắp nơi lại nối nhau về đây; đua nhau tung lên in-tơ-nét, lên báo, lên làn sóng phát thanh, truyền hình vô vàn những hình ảnh đẹp, những ngôn từ mỹ miều ngợi ca Sóng vàng trên non Mù Cang Chải...

BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN UYỂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/34257002-song-vang-tren-non.html