SÓNG 'VÀNG' CHO NHẠC ĐỎ

'Dịp này, báo chí truyền thông, nhất là truyền hình, phát thanh cần tập trung sản xuất, phát sóng các chương trình ca nhạc về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta phải thổi bùng lên hào khí cách mạng, hâm nóng tinh thần yêu nước, nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ', Một nhà báo lão thành có uy tín trong công chúng đã góp ý như vậy khi tiếp xúc với anh chị em báo giới chúng tôi.

Một tiết mục biểu diễn tại liên hoan văn nghệ “Âm vang bài ca truyền thống” của Báo Quân đội nhân dân tại Liên hoan văn nghệ “Âm vang bài ca truyền thống”. Ảnh: Phạm Hưng

Một tiết mục biểu diễn tại liên hoan văn nghệ “Âm vang bài ca truyền thống” của Báo Quân đội nhân dân tại Liên hoan văn nghệ “Âm vang bài ca truyền thống”. Ảnh: Phạm Hưng

Ý kiến nói trên là sự nhấn mạnh, tiếp nối tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh khi bàn về việc đẩy mạnh phổ biến, quảng bá các tác phẩm trong dòng nhạc cách mạng, truyền thống (nhạc đỏ). Tại Hội nghị giao ban quý III-2019 của Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP Hồ Chí Minh vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại giới trẻ sẽ bị “lệch chuẩn” văn hóa. Ấy là bởi tần suất, thời lượng các chương trình giải trí theo phong cách hài, nhảm, các game show nhạc bolero (nhạc vàng ở miền Nam trước năm 1975) đang chiếm sóng khung giờ “vàng” trên rất nhiều kênh, đài truyền hình. Nghe riết rồi quen, xem miết rồi mê. Sẽ rất tai hại nếu thiên hướng nghệ thuật, lối sống văn hóa của giới trẻ bị tác động, ảnh hưởng ngày càng sâu rộng bởi xu hướng truyền thông nghệ thuật có biểu hiện thiên lệch này. Theo giới nghiên cứu, lỗi trước hết thuộc về các đơn vị truyền thông, vì mục tiêu lợi nhuận, đã quá ưu ái cho mảng giải trí thị trường, vô hình trung coi nhẹ công tác tuyên truyền, giáo dục nghệ thuật theo định hướng của Đảng.

Với đặc trưng và lợi thế đặc biệt, âm nhạc là loại hình nghệ thuật có sức truyền cảm, lay động tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của đông đảo công chúng rất mạnh mẽ. Chúng ta đã và đang sở hữu một di sản phong phú, đồ sộ các tác phẩm âm nhạc về đề tài truyền thống dân tộc, Bác Hồ, Đảng, chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang... Cùng với đó là đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu cả về tâm huyết và tài năng với sự kế thừa, phát triển liên tục từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là cơ sở, là chất liệu lý tưởng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thực hiện mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời nay và đời sau. Việc tuyên truyền, phổ biến, quảng bá… các tác phẩm văn học, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng về mảng đề tài chủ đạo và chủ lực này là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Nó luôn luôn phải là dòng chảy chủ đạo của công tác truyền thông, mạng lưới truyền thông. Đặc biệt, trong những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, giai điệu Tổ quốc phải được ngân vang rộn rã, rộng khắp, thúc giục lòng người, tạo môi trường, thời điểm kết nối muôn triệu trái tim về chung một mối.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn bản hướng dẫn công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương dịp này đã nhấn mạnh yêu cầu: “Các hoạt động tuyên truyền cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả với nhiều nội dung và hình thức mới, có sức lan tỏa sâu rộng; tạo không khí phấn khởi, thi đua lập nhiều thành tích mới mừng Đảng, mừng Xuân và chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng”.

Để thực hiện hiệu quả yêu cầu trên, đòi hỏi mạng lưới truyền thông phải lấy các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhất là âm nhạc phản ánh sinh động truyền thống anh hùng của quân đội, thành tựu vẻ vang của Đảng và đất nước làm dòng chảy chính trong công tác tuyên truyền. Sóng “vàng” phải dành cho nhạc đỏ, thay vì trào lưu game show bolero, các chương trình, cuộc thi hài... đang bùng phát nhan nhản hiện nay.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/song-vang-cho-nhac-do-603417