Sống trong tình thương của Bác

Tại cuộc gặp mặt nhân 50 năm Bác Hồ thành lập Đội thiếu niên dũng sĩ miền Nam (5-2018), có hai cựu chiến binh được mọi người 'ghen tị' bởi có những tấm ảnh chụp chung với Bác quá rạng rỡ. Đó chính là Hồ Quảng Thu và Hồ Ngọc Biên.

Tại cuộc gặp mặt nhân 50 năm Bác Hồ thành lập Đội thiếu niên dũng sĩ miền Nam (5-2018), có hai cựu chiến binh được mọi người "ghen tị" bởi có những tấm ảnh chụp chung với Bác quá rạng rỡ. Đó chính là Hồ Quảng Thu và Hồ Ngọc Biên.

Bác Hồ tặng hoa hồng cho dũng sĩ Hồ Quảng Thu. Ảnh T.L

Bác Hồ tặng hoa hồng cho dũng sĩ Hồ Quảng Thu. Ảnh T.L

Bông hồng đẹp nhất

Trong căn nhà số 167 Nguyễn Đình Tứ, Đà Nẵng, "báu vật" để đời của cựu dũng sĩ Hồ Quảng Thu là tấm ảnh Bác Hồ tặng bông hồng khi anh từ Quảng Nam ra. Cuối năm 1968, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 8 ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (20-12) Hồ Quảng Thu cùng mười dũng sĩ thiếu niên khác được về dự mít- tinh tại Hội trường Ba Đình. Bác Hồ bước vào, ai nấy vui mừng đứng dậy vỗ tay hoan hô Bác. Người ra hiệu tất cả ngồi xuống. Khi được biết có các cháu dũng sĩ, từ đoàn chủ tịch, Bác Hồ vui vẻ đưa tay vẫy:

- Đoàn tý hon lên đây với Bác!

Chỉ chờ có vậy, tất cả như đàn chim ùa lên quây quần quanh Người. Các cháu đều được Bác lần lượt ôm hôn. Ngay sau đó, Bác Hồ rút một bông hoa hồng trong lẵng hoa đặt trên bàn và trao tặng các cháu yêu rồi căn dặn: "Các cháu về điều trị bệnh, ăn no, học giỏi. Tết Bác gọi lên!". Hồ Quảng Thu đã may mắn có mặt trong tấm ảnh xúc động ấy khi phóng viên bấm máy. Mỗi lần nhớ lại, ông cứ rưng rưng: "Từ miền Nam khói lửa chiến trường ra Bắc, chúng tôi có mong muốn lớn nhất là được gặp Bác. Điều đó đã thành sự thật. Bông hồng Bác tặng tôi đã giữ rất lâu. Đó là đóa hoa đẹp nhất tôi có được".

Thu làm giao liên rồi du kích từ thuở 13. 2 lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì và 4 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Nhà thơ Trinh Đường trong tập truyện thơ "Phượng Hoàng con" (năm 1970) sáng tác về các dũng sĩ diệt Mỹ thiếu niên, có trang đầu tiên là ca ngợi chiến công làm cháy kho xăng địch của Hồ Quảng Thu.

Quan tâm đến những hạt giống đỏ, Bác Hồ và Trung ương đã chỉ thị thành lập Đội thiếu niên dũng sĩ miền Nam và tổ chức ăn học riêng ở thôn Đại Lã (Hiệp Sách, Nam Sách, Hải Dương). Trong điều kiện còn khó khăn chung của cả miền Bắc, Đội dũng sĩ được nuôi dưỡng với chế độ tốt nhất. Hồ Quảng Thu đã thi đỗ vào đại học, thực hiện được mơ ước cháy bỏng. Công tác trong quân đội một thời gian ông chuyển ngành. Làm trưởng phòng quản lý kho một công ty, ông đã vượt chính mình, giữ được đạo đức trong sáng như lời Bác dạy. Ngay cả bây giờ, do biến cố gia đình, cuộc sống của ông chưa hết khó khăn nhưng ông vẫn luôn sống lạc quan, trân trọng ngày hôm qua.

Nâng niu tấm ảnh đã đi cùng ông theo năm tháng, cựu dũng sĩ tâm sự: "Khi đương chức, tôi có nhiều cơ hội làm giàu cho bản thân nếu cứ nhắm mắt làm ngơ trước các tiêu cực nhưng lúc nào tôi cũng thấy Bác như luôn nhìn tôi, nhắc nhở phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh trai tôi, đồng bào quê hương và nghĩa tình của miền Bắc đã nuôi nấng, đùm bọc".

Dũng sĩ Hồ Ngọc Biên bên tay phải Bác Hồ. Ảnh: T.L

Không ai tẻ nhạt trên đời

Một cậu bé mặt tròn xoe với chiếc mũ tai bèo thân thương bên cánh tay phải của Bác là bức ảnh đẹp vô giá mà cựu chiến binh Hồ Ngọc Biên luôn tự hào, cất giữ. Ngày ấy, giữa đám đông các bạn ai cũng muốn chen phía trước, cậu chọn cách ôm sau lưng Bác, nghĩ đó là chắc ăn nhất mà không biết rằng sẽ bị che khuất. Lúc ấy, Bác Hồ khẽ nói "cháu lên đây" rồi kéo cậu bé ra bên cạnh mình để Biên như mặt trời bé con trong tấm ảnh để đời. Ông Hồ Ngọc Biên kể: "Đây là một trong nhiều tấm ảnh chúng tôi chụp cùng với Bác Tết năm 1969 nhưng tôi thích nhất bức này. Ngày ấy ai cũng muốn được gần nhất bên Bác. May mắn làm sao khi tôi được nằm trong khuôn hình thật ý nghĩa". Trong số các dũng sĩ ngày ấy, Hồ Ngọc Biên là người có khoa ăn nói nhất và cũng là người có trí nhớ khá ấn tượng. Chẳng thế, mà bây giờ sau hơn 50 năm, đồng đội có thể quên một vài chi tiết buổi ăn cơm cùng Bác và đoàn đại biểu Cuba tết 1969 năm ấy, thì ông có thể kể vanh vách. Câu chuyện "Bác uống nước gì?" được ông nhắc lại khiến đồng đội phục lăn vì lưu cất kỷ niệm quá "đỉnh". Hôm ấy, trong bữa cơm, thấy chú Vũ Kỳ, thư ký mang ra cho Bác một ly nước màu vàng nhạt trên có nắp, các cháu tò mò nhìn. Trong mắt những đứa trẻ, ly nước ấy chắc đặc biệt lắm. Thấy sự khác thường của các cháu, Bác hỏi chú Vũ Kỳ: "Sao Bác uống nước khác các cháu thiếu nhi thế". Chú Kỳ trả lời: "Dạ Bác mệt nên phải uống nước thuốc ạ". - "Vậy là thuốc à!" Bác khẳng định để các cháu không còn tập trung vào ly nước nữa. Bác biết các cháu dù là dũng sĩ, đánh giặc gan lì nhưng cũng chỉ là đứa trẻ. Bác hiểu hết nên hành xử rất khéo, tinh tế mà hóm hỉnh.

Ai cũng nghĩ nếu theo con đường chính trị, Hồ Ngọc Biên sẽ tiến rất xa. Vậy mà, ông đã gãy giữa chừng. Tham gia công tác chính quyền ở huyện nhà, ông năng nổ, tâm huyết. Nhưng rồi một lần cạn nghĩ, ông đã phạm sai lầm và trả giá đắt. Có những đêm ông tự vấn một mình trong bóng tối. Tấm ảnh chụp với Bác mang theo như đang thì thầm cùng ông. Nhớ những lần vào thăm, nghe lời Bác dặn, làm người ai cũng có khuyết điểm, quan trọng là phải sửa chữa sai lầm; không ai bị khuất lấp, tẻ nhạt trên đời. Ý nghĩ ấy lóe sáng giúp ông trở về xóm làng, lao vào công việc, hòa đồng với bà con, nhiệt tình với việc làng, việc xã. Nói chuyện về Bác với thanh thiếu niên trong xã, giọng ông vẫn hừng hực chẳng khác thời trai trẻ.

Bác Hồ đã đi xa tròn 50 năm nhưng trong nỗi nhớ của các cựu dũng sĩ Quảng Nam, hình bóng Người vẫn ấm áp và gần gũi như mới hôm qua.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_206472_song-trong-tinh-thuong-cua-bac.aspx