Sống trong 'siêu hẻm'

Người ta thường biết đến Hà Nội với 'ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó', nhưng ở ngay giữa lòng TPHCM - hiện đại bậc nhất đất nước, vẫn có những con hẻm nhỏ tới mức chỉ vừa một người qua. Hẻm tối tăm cả ngày lẫn đêm, vậy nhưng nơi đây lại đang dung nạp, chở che cho nhiều số phận con người…

Đầu hẻm số 156 Lê Lai (quận 1) nhỏ tới mức chỉ vừa một người đi qua

Đầu hẻm số 156 Lê Lai (quận 1) nhỏ tới mức chỉ vừa một người đi qua

1.

Từ đường Bến Vân Đồn (quận 4) nhìn sang bên kia dòng sông Sài Gòn là trung tâm thành phố với Phố đi bộ Nguyễn Huệ sầm uất, những tòa nhà cao vút, lung linh tráng lệ. Không nói đâu xa, đường Bến Vân Đồn cũng đã thay da đổi thịt theo sự đổi thay của thành phố. Thế nhưng, quay lưng lại phía sau, những con hẻm của quận 4 dù đã được cải tạo, nâng hẻm nhưng vẫn khá nhỏ, ngoằn ngoèo và vô vàn những điều cũ, mới đan xen.

Hẻm 277 Bến Vân Đồn bắt đầu từ đường Bến Vân Đồn, chạy sâu vào lòng khu dân cư ở phường 2, quận 4. Theo trục 277 là nhiều con hẻm xương cá như hẻm 289, 277/40… chỗ phình chỗ hẹp, chỗ đủ 2 xe máy tránh nhau, nhưng có chỗ một xe phải lách khéo mới qua được. Hàng trăm hộ dân sinh sống ở đây.

Quận 4 từng là địa bàn của giới “anh chị”, bởi vậy mà đặt chân vào những con hẻm nhỏ xíu, ngoằn ngoèo tại đây khiến chúng tôi có cảm giác khá lạnh lưng. Lại thêm các tầng phía trên của các căn nhà “xây đua” trên không gian hẻm, khiến ánh nắng chẳng dễ mà rọi được xuống, càng làm cho các con hẻm có chỗ mang vẻ âm u.

Bưng tô cơm ra ngồi chồm hổm trước cửa nhà, vừa ăn vừa ngó người qua lại, ông Đặng Phùng Yên (ngụ hẻm 289) cho biết: “Nhà có 5 người, mỗi người một giờ sinh hoạt nên ai về nhà trước ăn trước. Tôi ngồi đây, vừa xúc cơm ăn, vừa với sang nói chuyện với ông Tư Hàn ở đối diện, hay ông Bảy Dũng nhà bên. Bao câu chuyện trong nước, quốc tế cũng từ những bữa cơm chồm hổm trong hẻm này mà ra”.

Ông Yên ăn xong, với lấy cái bóp, rồi thoăn thoắt bước đi. Dừng lại ở cái nhà nhỏ xíu, ông cất giọng: “Bà Năm bán cho tui gói bánh coi”. Phải nhìn thật kỹ, chúng tôi mới nhận ra một cửa hàng tạp hóa nằm trong hẻm 289.

Đó là một gian hàng với bề ngang nhỏ xíu, chắc chừng chưa tới 1m ngang, sâu vài mét, nằm khép nép bên căn nhà sơn màu đỏ gạch cua khá mới, kiểu chủ nhà xây rồi ngăn ra một khoảnh nhỏ để làm nơi bán buôn vài ba thứ lặt vặt cho người dân trong hẻm.

“Quán nhỏ nhưng có võ, tụi con nít mê tít à”, ông Yên cười khà khà. Quả là quán có “võ” thiệt, chút xíu lại thấy đứa nhỏ cầm mấy đồng tiền lẻ chạy lại mua gói snack, hay thấy đứa lớn hơn ẵm em nhỏ ghé mua hộp sữa, cái bánh, ly nước ngọt xanh, đỏ. Dường như cả tuổi thơ của tụi nhỏ đều được gói ghém trong cái quán tạp hóa rộng chưa tới 1m ấy.

Hẻm nhỏ nhưng có “võ” thiệt, bởi chẳng đủ chỗ cho 2 xe máy tránh nhau nhưng vẫn đủ chỗ để người dân bày cái bàn bán hủ tiếu mưu sinh. Rồi cả mấy cái lồng gà được người dân đặt nuôi ngay trên hẻm để lấy quả trứng sạch thêm vào bữa ăn hàng ngày...

2.

Những mớ dây điện chồng chéo, đường ống nước chằng chịt, leo lắt một chút ánh sáng ở cuối hẻm… Đó là dấu hiệu của sự sống bên trong những con hẻm tưởng như đã bị bỏ hoang, đi vào không khỏi khiến người ta rờn rợn.

Hai, ba thế hệ chen chúc trong ngôi nhà vẻn vẹn 10m2 trên gác hai. Muốn lên được nhà phải len được qua con hẻm sâu chừng từ 8 - 10m, chiều rộng chỉ vừa đủ một người đi qua; đặc biệt là cả ban ngày lẫn ban đêm, lúc nào những con hẻm này cũng tối om. Vài chục năm nay, người dân sống trong những con hẻm “siêu nhỏ” dọc đường Trần Hưng Đạo (quận 5) vẫn cố trụ tại như vậy.

Ở khu vực quận 5 này, không khó để tìm thấy những con hẻm nhỏ như vậy, đa số người dân phải làm một chiếc thang chung, đi bộ lên lầu từ cuối hẻm, các hộ chia nhau ở lầu trên. Đã 3 đời ở trong căn nhà rộng 12m2 tại một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, anh Chương Bá Hưng (28 tuổi) kể: “Tính tới đời tui là đời thứ 3 ở nhà này rồi, giờ ở đây có vợ chồng tui và bố mẹ ở, trước còn có cả nội nữa. Nhà chật nhiều cái bất tiện, nhưng buồn nhất là lúc nhà có người mất. Nhớ hồi nội tui đi, như người ta thì được liệm, làm ma chay, còn nhà tui phải đưa người mất khỏi hẻm rồi mới đặt được người vào hòm, chuyển ngay lập tức đến nhà tang lễ vì chẳng có chỗ để ở nhà”.

Theo lời anh Hưng kể, cách đây vài năm, hẻm kế bên cũng có nhà chú gặp trường hợp oái oăm khi có đám ma. Nhà ông chú đó dù biết hẻm nhỏ nhưng vẫn muốn làm lễ trọn vẹn với người đã khuất nên vẫn chọn cách gọi hòm tới, nhập liệm rồi mới chuyển tới nhà tang lễ.

Trớ trêu thay, vì cầu thang chung dẫn lên nhà quá nhỏ và gấp khúc nên chiếc hòm chỉ bê được đến cuối hẻm là dừng, vậy là cả gia đình phải mang người mất xuống hẻm, làm lễ bên dưới cầu thang, để chiếc hòm một bên rồi con cháu ngồi dạt ở một bên thắp nhang làm lễ. Nhiều người đi qua nhìn thấy không khỏi xót xa…

3.

Đi ngang đường Hồ Hảo Hớn (quận 1, hướng ra đường Võ Văn Kiệt) người ta có thể thấy đến 4, 5 con hẻm, ngách, thiếu ánh sáng và nhỏ đến mức phải thắc mắc là có gì trong đó.

Một con hẻm trên đường Hồ Hảo Hớn (quận 1) chỉ vừa đủ cho một xe máy lưu thông

Cứ mỗi buổi chiều, người dân sống trong hẻm 27 đường Hồ Hảo Hớn lại ra quán nước đầu hẻm ngồi hóng mát, nói đủ thứ chuyện mà họ thấy trong khu dân cư nhỏ xíu đấy. Cô Bảy Hà thấy chị hàng xóm trong hẻm đi ra liền gọi lại: “Liễu, mấy bữa nay nhà bây đi đâu mà mất tiêu vậy? Tối 2 bữa trước, cô nhìn trên lầu xuống thấy có mấy thằng nào nhìn âm binh lắm, cứ đứng trước cửa nhà bây đó. Cô còn thấy tụi nó chụp hình nhà bây lại nữa đó. Bây cẩn thận nha”.

Chị Liễu hỏi liền: “Tụi nó đứng trước nhà hồi mấy giờ vậy cô? Đông không cô? Chắc để con báo công an. Hay tối, cô cho em An qua ngủ với con đi, còn không thì chắc con qua nhà cô Bảy ngủ nhờ. Mấy hôm nay chồng con đi công tác”...

Cô Bảy kể thêm về tình làng nghĩa xóm trong con hẻm nhỏ này: Cái đường nhỏ xíu, đi ra đi vô đụng mặt nhau miết, giúp được gì thì giúp. Trong đây, mỗi nhà mỗi xứ, mà sống gần nhau quá nên nhà ai có chuyện gì cả hẻm cùng biết. Vợ chồng có cãi nhau thì mấy bà khuyên vợ, còn mấy ông khuyên chồng.

Mấy đứa con nít trong đây đi học chung trường nên ai đi đón thì đón luôn 4 đứa dắt về nhà giùm luôn. Vào giờ ăn cơm chiều còn có thể thấy cảnh các nhà trao đổi đồ ăn với nhau, cảnh mà chỉ có thể thấy ở những khu tập thể cách đây cả chục năm. Có khi nhờ cái hẻm nhỏ mà hàng xóm gắn bó với nhau hơn so với những căn nhà mặt phố.

Trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5, gần Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, có một con hẻm nhỏ chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy chạy. Không chỉ hẻm nhỏ mà nhà trong hẻm cũng nhỏ không kém. Căn nhà có diện tích trên 10m2 là nơi mà gia đình ông Hà Văn Cường (67 tuổi) sinh sống suốt 20 năm qua.

Diện tích căn nhà kết hợp với kích thước khiêm tốn của con hẻm càng làm không gian sống trở nên gò bó, chật chội hơn. Nhìn vào căn nhà nhỏ của ông Cường sẽ thấy toàn những món đồ gia dụng thiết yếu nhỏ gọn, xếp san sát nhau với chiếc xe máy của con ông. Nơi ông ăn uống và nghỉ ngơi chỉ vừa đủ để kê chiếc ghế bố cũ kỹ.

Những căn nhà trong hẻm nhỏ còn phải gặp nhiều vấn đề khác khi tiến hành sửa chữa. Anh Hưng, ngụ tại hẻm 27 đường Trần Khắc Chân, quận Phú Nhuận, chia sẻ: “Vật liệu xây nhà toàn phải do thợ hồ đẩy bằng xe rùa một đoạn, nhưng càng vào trong thì hẻm càng nhỏ lại và phải vác thêm một đoạn nữa, rất mất thời gian và tốn nhiều sức, vì thế giá nhân công cũng tăng lên nhưng tiến độ thì vẫn chậm”…

Đa số người dân trong những con hẻm siêu nhỏ đều là người lao động nghèo. Dù con hẻm ngày càng hẹp hơn, bởi các hộ gia đình tăng nhân khẩu, nhiều nhà vì chật chội còn mang cả bếp gas, bàn thờ ra đặt bên ngoài nhưng không vì thế mà nhà này phàn nàn nhà kia. “Ở đây, tụi tui cái gì cũng thiếu, chỉ có tình cảm là có thừa thôi”, là tâm sự của nhiều cư dân hẻm nhỏ.

Dọc đường Lê Lai (quận 1) cũng có không ít những con hẻm đặc biệt như trên, chỉ khác điều là các con hẻm tại đây sâu hơn, ngoằn ngoèo hơn và đông dân hơn. Hẻm số 156 Lê Lai chiều rộng hẻm chưa đầy 1m nhưng đi sâu vào là hàng chục hộ dân sinh sống san sát nhau. Sinh hoạt tuy vô vàn bất tiện, nhà cửa, đường sá chật hẹp, nhưng lòng người lại rộng lượng, nghĩa tình.

“Sống trong hẻm nhỏ mà đông người nên nhiều cái cũng va chạm, nhưng chẳng bao giờ có ai to tiếng trách móc nhau hết trơn. Ở đây, tụi tui coi nhau như người thân, ruột thịt. Nhà nào có việc hay có đám là tất cả xúm lại giúp, mỗi người một việc tự giác lắm. Nhà nọ có khách thì nhà kia gọi cho để xe nhờ rồi còn trông chừng giùm. Chật hẹp đã cực rồi, nương vào nhau mà sống cho vui vẻ chứ”, bà Hoa - một người dân lâu năm trong hẻm 156 Lê Lai, chia sẻ.

H.THU - T.MAI - L.DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/song-trong-sieu-hem-587327.html