Sống trong lòng dân

Năm 1980, Thượng úy Hoàng Ngọc Trung được Chỉ huy Trung đoàn 690 quân tình nguyện Biên phòng Việt Nam ở Campuchia giao phụ trách một Tổ phái viên xuống xã Bênh, huyện Am-pin, giúp nhân dân và chính quyền bạn xây dựng phong trào bảo vệ an ninh biên giới và 'bóc gỡ' những cơ sở ngầm của địch cài lại. Xã Bênh tiếp giáp với Thái Lan, có địa hình rừng núi hiểm trở, dài hơn 30km, chính diện 16km, các phum cách xa nhau hàng chục ki-lô-mét.

Quân tình nguyện Việt Nam trong tình thương yêu, kính trọng của người dân Campuchia. Ảnh: Tư liệu

Con đường mà Trung và đồng đội đi tới lòng dân ở đây thật muôn vàn khó khăn. Đầu tiên, người dân ở đây rất ngại gặp các anh. Hễ thấy bóng bộ đội tình nguyện Việt Nam, họ đều tìm cách lẩn tránh. Chẳng phải dân thù ghét bộ đội tình nguyện Việt Nam mà họ vừa thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn-pốt nên rất cảnh giác, phòng xa.

Họ chưa hiểu nhiều về bộ đội tình nguyện Việt Nam. Chính quyền của bạn chưa mạnh, bọn tàn quân Pôn-pốt còn lẩn trốn trong rừng, hằng ngày đe dọa cuộc sống, tính mạng của những người có quan hệ với Bộ đội Việt Nam. Bọn phỉ Pôn-pốt, Sô-rây-ca bu bám, lẩn trốn trong dân, nói xấu cách mạng Campuchia, nói xấu Việt Nam, móc nối, xây dựng cơ sở ngầm.

Bọn địch tung tin đe dọa Tổ phái viên Biên phòng. Chúng tập kích vào chỗ ở của anh em. Nhưng cái khó khăn của Tổ phái viên Biên phòng không phải là ở chuyện đánh địch mà chính là làm sao giành được lòng dân.

Biết tin cả nhà anh Phát trong xã bị bệnh, Trung đến thăm. Chị Phắt bồng cháu nhỏ đứng dưới chân cầu thang, mặt buồn rười rượi. Chị cũng đang lên cơn sốt, mặt xanh như tàu là, đầu tóc rũ rượi. Cháu nhỏ trên tay chị gầy guộc, võ vàng, mắt lờ đờ trong cơn bệnh. Trung cảm thấy thương họ vô cùng.

Anh đưa thuốc cho chị Phắt, nhưng chị lắc đầu, chỉ tay lên nhà giọng buồn buồn: “Đã có thầy mo đuổi nắc-tà rồi”. Trung lên nhà thấy một cảnh tượng thương tâm: Cháu lớn của anh chị Phắt bị bệnh nặng nằm thiêm thiếp trên giường. Lão thầy mo dùng bát nước rễ cây, vừa nhảy nhót bên cạnh cháu, vừa lầm rầm đọc thần chú. Trung và Tổ phái viên Biên phòng cố gắng giải thích cho mọi người hiểu căn bệnh của cháu, rồi tống cổ lão thầy mo bịp bợm ra khỏi nhà.

Nghe lời khuyên bảo của Trung và thầy thuốc Biên phòng trong tổ, anh chị Phắt và các cháu nhỏ đã dùng thuốc của BĐBP. Mấy ngày sau, cả nhà chị Phắt bệnh giảm dần. Trung cùng anh em sửa sang, quét dọn, làm vệ sinh căn nhà, nấu cháo, chăm sóc gia đình. Tin BĐBP Việt Nam chữa khỏi bệnh cho dân Campuchia lan ra khắp xã...

Tổ phái viên Biên phòng tìm đến các gia đình nghèo đói trong xã, giúp đỡ nhiệt tình với khả năng của mình. Anh Xrai bị Pôn-pốt bắt, chúng đánh anh thành tật. Hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ ốm yếu, không đủ cơm ăn. Trung xin nuôi hộ gia đình cháu Xa-la bé, ốm nhất nhà. Vợ chồng anh chỉ nhận quà của tổ như muối, gạo, còn chuyện giao con cho Trung, vợ chồng anh ngần ngại.

Người già trong phum đều nói: “Bộ đội Việt Nam nó tốt. Nó nuôi cháu Xa-la cho vợ chồng mày bớt khổ, đừng ngại gì cả”. Ngày đầu đưa bé Xa-la về, cả tổ bận tíu tít. Trung lấy hai mét vải hoa cất dưới đáy ba lô, món quà định biếu gia đình trong dịp nghỉ phép sắp tới, may quần áo cho “con nuôi”. Được tắm gội, được mặc xà rông hoa, áo hoa, bé Xa-la nom tươi tỉnh hẳn, không còn là một đứa bé đen đủi, bẩn thỉu. Các chiến sĩ Du, Lợi trong tổ góp tiền mua giấy bút, sách vở cho Xa-la. Mấy hôm sau, bố nuôi Hoàng Ngọc Trung dẫn Xa-la đến trường,

5 năm làm nhiệm vụ giúp bạn ở Campuchia, Thượng úy Hoàng Ngọc Trung chỉ huy anh em trong tổ phái viên Biên phòng truy quét địch 17 lần, chiến đấu 7 trận, diệt 9 tên địch, bắn bị thương 12 tên, bắt sống 5 tên, thu 5 súng, 1.500 viên đạn các loại, 10 quả lựu đạn, 2 quả mìn, gọi hàng 47 tên, thu nhiều tài liệu quan trọng. Thượng úy Hoàng Ngọc Trung được thưởng ba Huân chương Chiến công và nhiều bằng khen, giấy khen từ cấp Trung đoàn đến Bộ Quốc phòng.

Rồi Trung kể tiếp: Từ những việc làm cụ thể đó, nhân dân xã Bênh đã có thiện cảm với Tổ phái viên Biên phòng. Các gia đình đều tiếp đón anh em, không sợ địch hù dọa nữa. Gây được lòng tin của dân, tổ đã tạo chỗ dựa chắc chắn cho công tác đánh địch, bảo vệ biên giới. Tổ chọn những người dân tốt đi sâu vào căn cứ của địch để nắm tình hình hoạt động của chúng. Tổ phái viên Biên phòng còn kết hợp với chính quyền bạn phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các phum. Khí thế sản xuất, bảo vệ chính quyền, tố giác bọn phản động, bọn địch ẩn náu của nhân dân lên cao. Tổ phái viên gần gũi các nhà sư, tôn trọng tín ngưỡng của dân.

Trong các ngày lễ, Tổ phái viên gói bánh ngon, đẹp đến chùa lễ phật. Bao giờ, các anh cũng được các nhà sư tiếp đãi thân mật, mời ngồi chỗ trang trọng, bánh trái của tổ được bóc đầu tiên để mọi người cùng thưởng thức. Hoàng Ngọc Trung và anh em trong Tổ phái viên Biên phòng không bỏ qua dịp tốt này, tuyên truyền cách mạng Campuchia, tuyên truyền mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Campuchia anh em. Ngày lễ dần dần trở thành ngày học tập bổ ích của nhân dân.

Phong trào quần chúng lên cao, âm mưu thủ đoạn của địch bị vạch trần. Nhiều người làm việc cho địch đã tự nguyện ra trước nhân dân đầu thú. Hai tên lính Pôn-pốt hoạt động ở phum Tùm-lúp, mang theo vũ khí ra đầu hàng cách mạng. Tổ phái viên Biên phòng làm tham mưu cho Công an bạn, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân, phá tổ chức phản động do tên Crôi–nhem ở phum Tơ Tung Thơn cầm đầu.

Một lần khác, Trung và anh em trong tổ vừa đặt mình xuống giường ngủ, thì anh Kiêu (một người dân Campuchia) đến báo cho biết, bọn tàn quân Pôn-pốt bắt cóc ba cô gái, gồm cô Dương Ky, con ông Chủ tịch xã. Cô Sô Phi, Hội trưởng Phụ nữ xã, cô Cà Nhét, nhân viên cửa hàng thương nghiệp đi về hướng phum Thơ-mây Sa-mác-bốc.

Ngay lúc ấy, Trung hội ý chớp nhoáng anh em rồi phân công: Du chỉ huy một tiểu đội cùng với 5 dân quân của bạn đi về hướng Tây Nam phum Thơ-mây Sa-mác-bốc, còn Trung và 6 dân quân của bạn đi về hướng Đông theo suối Sà Cộp.

Đêm cuối tháng, trời tối như bưng. Cơn mưa bất ngờ đổ xuống. Mặc cho mưa rét, các chiến sĩ lần theo đường rừng, suối sâu truy kích địch. Đến phum Cà-ba thì trời sáng rõ. Phum này từ trước tới nay không có người ở, bỗng các chiến sĩ phát hiện ánh lửa và khói bốc lên. Nhận định bọn địch dừng chân ở phum này để nấu ăn, Trung hạ lệnh cho anh em bí mật triển khai đội hình bao vây chúng.

Bọn địch liền nổ súng bắn vào đội hình của ta. Trung cho anh em bắn trả. Hai tên địch xông lên bị trúng đạn chết ngay tại chỗ. Mấy tên khác bị thương chửi bới tục tĩu. Trước khi rút lui, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính thủ tiêu mấy cô gái. Trung nghe được liền bắn hai loạt đạn. Bọn địch sợ hãi, bỏ chạy. Ba cô gái đã được cứu thoát. Bà con trong Phum ăn mừng múa hát ba ngày liền. Nhiều bà mẹ và các cô gái đến buộc chỉ vào cổ tay Trung, gửi gắm tấm lòng tin yêu mến phục.

Hoàng Ngọc Trung cho xem vết thương sau gáy anh. Mảnh đạn dính xương sọ, còn găm ở đây, anh chưa có dịp đi mổ lôi nó ra. Chiến công diệt địch của anh khá nhiều. Nhưng chiến công lớn hơn của anh và Tổ phái viên Biên phòng là đã xây dựng xã tiền tiêu biên giới Bênh trở thành lá cờ đầu của huyện Am-pin và là phòng tuyến vững chắc mà kẻ thù không thể phá nổi.

M.V (Theo sách Ký ức những ngày giúp bạn)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/song-trong-long-dan/