Sống tối giản và làm hòa với bản thân

'Sự sung túc là một trái tim tràn đầy, không phải một căn nhà đầy tràn'. Courtney Carver, blogger chuyên viết về trào lưu sống tối giản khẳng định việc loại bỏ mọi thứ dư thừa giúp ta từ bỏ quá khứ cồng kềnh nặng nhọc; song không vì thế mà khiến hiện tại trở nên nghèo nàn buồn tẻ. Sống tối giản giúp ta tìm lại chính mình cùng một tâm hồn phong phú rộng mở.

Tác giả bài báo trong một lần "xách ba lô lên và đi"

Tác giả bài báo trong một lần "xách ba lô lên và đi"

Sống tối giản là một nghệ thuật

Hơn 10 năm trước trong chuyến du ngoạn Caribe lần đầu, tôi gặp một cặp tình nhân người Nhật trên một hòn đảo nhỏ không có internet. Cả hai đều đi giày vải và đeo một túi vải mỏng nhẹ. Họ đã đi ròng rã nhiều tháng trời, vượt núi cao biển lớn, chỉ tòng teng túi vải ấy trên vai.

Trong túi có bộ quần áo, bàn chải, thuốc đánh răng và một tấm khăn chất liệu giặt mau khô vừa rửa mặt vừa quàng cổ vừa để làm chăn đắp. Người Nhật nổi tiếng thích chụp ảnh, nhưng cặp này không có cả máy ảnh.

Cô gái bảo: “Em không cần chụp. Ảnh trên mạng về bất kỳ miền đất nào cũng có. Ðể ghi lại mọi chuyện xảy ra ư? Cũng không cần nốt, vì cái gì cần nhớ tự nó sẽ ghi vào lòng. Chị thử đi, sống tối giản rất nhẹ và đem lại nhiều tự do, trong đó có tự do thời gian và tiền bạc. Tuy mình ít đồ nhưng có thêm nhiều thứ khác”.

Ngay lúc ấy tôi chẳng mấy tin, dù thấy cặp này trông thật đẹp và thư thái. Trong đầu khăng khăng nghĩ rằng chỉ có những kẻ thật sự giàu tiền mới có thể giữ ít của như vậy. Vài năm sau khi viết câu chuyện thời trang bàn về tối giản và một bài báo về nhân vật du lịch với hành lý chỉ 5 cân, tôi cũng không mường tượng nổi rằng chỉ trong hơn một thập kỷ, lối sống xuất phát từ một trào lưu trong nhiều loại hình sáng tạo - kiến trúc hội họa thời trang âm nhạc điện ảnh – lại trở nên thịnh hành ở Nhật Bản và nhiều nước phương Tây.

Tra từ khóa “tối giản” hay “minimalism” sẽ ra vô vàn liên kết mạng giới thiệu nhiệt tình các kỹ năng sống “less is more” (it đi để nhiều thêm). Một căn phòng tường trắng tinh có tấm nệm trên sàn gỗ, hay một chiếc bàn hình chữ nhật khẳng khiu với ghế hình tam giác. Thêm vào có thể một vài chậu cây nhỏ.

Nhiều người thở dài: "Sao đến tuổi này mới biết đến sống nhỏ gọn đẹp?" Xin đừng tiếc nuối, vì người sống đủ chín mới biết mình cần và vui với điều gì.

Tôi tin tối giản không quá định lượng một cách cứng nhắc như vậy. Nói cho cùng tôi không phải người Nhật người Hàn để thích ngủ trên sàn. Màu trắng đôi khi làm tôi thư giãn nhưng môi hồng móng tay đỏ mới làm tôi vui. Tối giản vốn là một qui tắc định tính trong thiết kế. Một trong những điểm quan trọng nhất của qui tắc này là đưa tất cả các vật dụng và lề lối trở về với hình thái và ý niệm thiết yếu nhất, không dư thừa - cả về tính năng thực dụng lẫn những cảm xúc kèm theo.

Những chiếc smartphone xinh xắn, ghế Barcelona có khung inox do Ludwig Mies van der Rohe chế tác, những ngôi nhà một tầng vuông vắn do Joseph Eichler vẽ hay chiếc giường có nệm nhồi lông ngựa của hãng Hästens. Sự tối giản của chiếc giường này thể hiện ở tính năng “hút ráo mồ hôi” của lông ngựa, giúp tạo ra chỉ một, nhưng là một hiệu ứng quan trọng nhất của giường - giấc ngủ sâu không mộng mị.

Sống tối giản vì vậy là nghệ thuật chứ không chỉ là giải pháp tình thế nhằm thoát khỏi quá khứ hỗn độn tuyệt vọng. Goodbye, things và nhiều sách truyền cảm hứng tối giản khác dường như mới dừng lại ở phần bắt đầu của hành trình sống tối giản – phần loại bỏ. Người đàn ông Nhật Fumio Sasaki tự hỏi trong Xin chào nhé các đồ vật: “tại sao tôi sở hữu nhiều thứ không cần thiết đến thế?”. Cách loại bỏ không thương tiếc thường khá cực đoan.

Ngôi nhà tối giản nam California do Josepth Eichler thiết kế.

Marie Kondo, một phụ nữ cũng người Nhật nổi tiếng như cồn nhờ cả sách và show về sống tối giản, khuyên: “Những gì không làm bạn vui sướng và hạnh phúc thì nên vứt đi”. Song không phải lúc nào cũng có thể biết thứ gì làm ta buồn hay vui. Nói như một nhà truyền cảm hứng tối giản: quay quắt nghĩ nên sống thế nào cho tối giản là không thực sự sống. Ngồi giữa một căn phòng trống hoác nhưng đầu óc rối rắm đầy ám ảnh không biết mình đã tối giản hay chưa còn tệ hơn cả khi chưa vứt bỏ thứ gì.

Những kẻ tối giản cực đoan thường với mình thì trống trải nhạt nhẽo, với người thì có đi có lại, phân minh không ai nợ ai. Có người bạn bảo đừng tặng anh quà sinh nhật, vì anh không thích tặng quà lại, và cách làm anh vui nhất là đến nhà anh lấy một món gì đó mang đi. Mọi tin nhắn, email, thư tín đều bị xóa bỏ ngay sau khi đọc và trả lời. Báo qua ngày đem thả vào sọt rác, sách đọc xong đem cho, đồ đạc mua về nếu dùng vài lần không ưng ý mua lại món khác, món cũ phải ra đi. Mua một đôi giày hay một chiếc áo mới thì bỏ hai món cũ. Không trả tiền thuê cáp truyền hình hay tải ứng dụng trên điện thoại thông minh, nếu thèm xem bóng đá hay bóng chày thì thuê tạm vài tháng rồi hủy ngay. Cả một chút mỡ thừa cũng không được phép. Nếu uống chai bia 180 calories thì phải chạy bộ sao cho mất 200 calories.

Ðèn theo phong cách Arco và ghế theo phong cách Barcelona - tối giản thư giãn.

Cứ thế sau một thời gian đầu óc nhà cửa trống trải dần, tiền bạc bỗng nhiên dư giả. Với một số người như anh bạn tôi, đó là đời sống tối giản mong muốn. Nhưng với nhiều người khác thì máy móc làm điều gì cũng là gánh nặng. Tiếp tục sống thế nào, rước gì vào đời mình sau cuộc loại bỏ sao cho nhẹ nhàng thông thoáng mới quan trọng. Nghệ thuật sống tối giản chính là ở bước tiếp theo này - tạo một không gian vừa đủ cho mình và những mối liên hệ thân sơ quan thiết nhất.

Từ mối quan hệ với bản thân

Các nhà tối giản học (cả tác giả sách lẫn blogger) đều nhấn mạnh đến sự vừa đủ và tối cần và nhiều ví dụ gây sốc như “nếu ta không đụng đến món quần áo nào trong sáu tháng thì loại bỏ ngay”; song hầu như không có hướng dẫn riêng cho từng cá nhân. Sự vừa đủ và tối cần với mỗi người một khác “tùy theo sức của mình”. Mối quan hệ với bản thân có lẽ luôn quan trọng nhất. Biết thế nào là tối cần và vừa đủ, là biết thỏa hiệp hay làm hòa với chính mình, để sẵn sàng điều chỉnh những mối quan tâm cũ cho một cuộc sống mới “đúng như mình muốn”. Không ít người thở dài “tại sao đến tuổi này mới biết đến sống nhỏ gọn đẹp?!”. Xin đừng tiếc nuối, vì “rau quả có vụ”, người sống đủ chín mới biết mình thực sự cần và vui với điều gì.

Sống tối giản quá liệu có ảnh hưởng đến nhu cầu tiện nghi, an ninh (cất trữ đồ ăn thức uống), nhu cầu giữ thể diện (xuề xòa quá bị chê nghèo hèn) hay sưu tập các món quí giá và đồ lưu niệm (kỷ niệm bao giờ cũng đẹp), những nhu cầu bao lâu nay ta tưởng tối cần cho bản thân ta? Hãy làm phép thử xem cuộc từ bỏ món cũ và đón nhận món mới đến đâu nên dừng lại, nhưng luôn nhớ rằng “của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Sách Phúc âm Matthew 6:21); nhiều của cải ở nhiều nơi quá sẽ chẳng có lòng nào kham nổi.

Quán trà Spiritea (Hồn trà) - tối giản kiểu uống chỗ ngồi.

Thân thể chỉ có một thì nhà cũng nên chỉ một. Nếu coi hai nơi khác nhau là nhà, trái tim phải phân đôi mệt nhọc. Nhiều người sống ở một nơi nhưng bám víu hoài niệm quá khứ “nhà tôi ở nơi ấy cơ” hoặc trông chờ ở tương lai “tôi sẽ ở nơi kia cơ”, để rồi không biết ngay bây giờ đâu mới là nhà. Khi có nhà rồi thì tôi phải có đủ bộ phòng ăn sáng, ăn tối và phòng tiệc, phòng khách gia đình và phòng khách xã giao. Ðể cả năm không bước vào những chốn ấy một lần. Nhà là nơi ở, phải thực sự sống với nó. Lắng nghe bản thân để biết chọn một mái ấm vừa cho mình, để mình sống mỗi ngày trong mọi ngóc ngách của nó. Có khi không cần sân vườn mà chỉ cần view đẹp. Cũng thế, dự trữ sao cho đừng như bọn sóc chồn cả mùa hè lo cất giấu hạt cho mùa đông rồi quên đi hầu hết các kho tàng đó. Và kỷ niệm thì như cô gái Nhật đã nói – cái gì cần phải nhớ sẽ nhớ, không nên lưu giữ quá nhiều. Tất cả vì một không gian hiện tại trôi chảy và dễ thở, để tập trung vào những việc cần nhất. Với tôi là thời gian chăm sóc sức khỏe, ăn uống lành mạnh, rèn luyện thân thể, xây đắp tình cảm với gia đình và bạn thân. Khi đồ đạc nhỏ gọn hơn, chỉ với một valise nhỏ (chứ không đến mức một túi vải), tôi sẽ đi thêm nhiều nơi mới.

Sống tối giản góp phần làm thế giới trong sáng yên bình hơn

Theo lời dạy của Khổng Tử ghi lại trong sách Tứ thư Trung dung, “trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên”, luôn cần có sự cân bằng hòa hợp trong đời sống. Không nên từ thái cực cuồng mua sắm tích trữ nhảy sang thái cực khổ hạnh bần tiện. Làm hòa với bản thân không bao giờ là cuộc rũ bỏ cực đoan hay mơ hồ để sống trong những không gian khô cứng vô hồn (như trong cửa hàng nội thất) được trình bày trong rất nhiều trang mạng về sống tối giản. Nếu hiểu được mình, sẽ tìm được cách sống tối giản thanh thoát như ý.

Nhiều người nói tôi chỉ mua đồ Ikea và Muji là tối giản rồi mà không thực sự hiểu rằng tối giản thực thụ luôn mang bản sắc cá nhân. Lại không ít mối lo rằng nếu quá nhiều người chỉ mặc sơ mi trắng hay áo thun xám, vì mê kiểu cách của Steve Jobs quá cố, thì thế giới này có nhàm chán quá không? Xin đừng quá lo. Sáng nay tôi vừa vội pha một gói café hòa tan rất thơm ngon của Starbucks để kịp ra đường trước giờ kẹt xe, vừa đọc lướt tin một chị khá giả ăn sáng nhẩn nha và phóng trực thăng đến sở.

Thế giới chúng ta đang sống rất sung túc và phong phú. Sống an hòa với chính mình sẽ làm cho nó ngày một đẹp hơn. Hãy tin thế có hơn không?

Tra từ khóa “tối giản” hay “minimalism” sẽ ra vô vàn liên kết mạng giới thiệu nhiệt tình các kỹ năng sống “less is more” (it đi để nhiều thêm).

Fumio Sasaki tự hỏi trong Xin chào nhé các đồ vật: “Tại sao tôi sở hữu nhiều thứ không cần thiết đến thế?”. Marie Kondo, một phụ nữ Nhật khác nổi tiếng như cồn nhờ cả sách và show về sống tối giản, khuyên: “Những gì không làm bạn vui sướng và hạnh phúc thì nên vứt đi”. Song không phải lúc nào cũng có thể biết thứ gì làm ta buồn hay vui. Nói như một nhà truyền cảm hứng tối giản: quay quắt nghĩ nên sống thế nào cho tối giản là không thực sự sống.

LÃ HOA

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te-doanh-nhan/song-toi-gian-va-lam-hoa-voi-ban-than-1473033.tpo