Sông Tô Lịch thành công viên: Đừng gắn chữ 'tâm linh'

Theo chuyên gia, doanh nghiệp hãy tập trung vào việc làm sạch, làm đẹp sông Tô Lịch, không cần gắn hai chữ 'tâm linh' vào dự án làm gì.

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh của Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đang thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và dư luận.

Hoan nghênh đề xuất làm sạch sông Tô Lịch của JVE, song ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng việc doanh nghiệp gắn chữ "tâm linh" vào đề xuất của mình là không phù hợp, điều quan trọng là doanh nghiệp cần đưa ra các giải pháp công nghệ chặt chẽ, chắc chắn để các nhà khoa học và người dân cho ý kiến.

"Ở Việt Nam vẫn có tình trạng công trình gì cũng gắn chữ "tâm linh" mà không cần biết nó có phù hợp hay không.

Sông Tô Lịch có nhiều truyền thuyết nhưng đã làm khoa học thì không cần viện đến chữ "tâm linh", mục đích quan trọng nhất phải là làm sạch, làm đẹp con sông, sau đó cải tạo thành công viên thì cũng tốt, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Theo tôi, tâm linh chính là cái tâm của người làm công trình làm sao cho phục vụ đồng bộ cho người dân, nâng cao đời sống người dân, không cần phải viện đến thần thánh.

Cho nên, hãy hoàn thiện các phương án khoa học, trình thành phố, nếu được đồng ý thì xin ý kiến nhân dân rồi hẵng làm.

Tôi nghĩ nếu làm một cách nghiêm túc, tôn trọng các nhà khoa học, tôn trọng các giải pháp công nghệ thật sự tốt, được người dân ủng hộ thì đã đủ đảm bảo cho dự án thành công, không cần đưa "tâm linh" vào làm gì", ông Trần Quang Hưng bày tỏ quan điểm.

Hình ảnh mô phỏng sông Tô Lịch sau khi được cải tạo thành công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh. Ảnh: JVE.

Hình ảnh mô phỏng sông Tô Lịch sau khi được cải tạo thành công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh. Ảnh: JVE.

Theo nguyên Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việ Nam, xử lý ô nhiễm, hồi sinh những con sông “chết” vẫn luôn là nỗi trăn trở lớn của Hà Nội cũng như các cấp bộ, ngành liên quan. Nhiều giải pháp nhằm xử lý ô nhiễm cho các con sông đã được đưa ra, thế nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện. Nguyên nhân, một phần do hạn chế về kinh phí, nhưng phần nhiều là do quy hoạch không chú trọng đến môi trường.

"Nhà cao tầng cứ xây thật nhiều, đưa thật nhiều dân vào trong nội đô thì làm sao các con sông không "chết"?

Đã vậy, nhà cứ làm, nước cứ thải, rác cứ vất ra, nhưng giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề nước thải, giải quyết ô nhiễm thế nào, làm sạch các con sông ra sao thì lại không đến nơi đến chốn, cứ manh mún, nhỏ lẻ, vừa tốn kém, lãng phí tiền bạc vừa không giải quyết được tình trạng ô nhiễm", ông Hưng nhận xét.

Vị chuyên gia nhắc lại sự kiện nhiều tuyến phố quanh Hồ Gươm của Hà Nội bị ngập sâu sau trận mưa lớn hồi giữa tháng 8 làm ví dụ. Đây là lần đầu một nơi có cốt nền cao, nằm ở trung tâm thủ đô bị ngập sâu như vậy. Nguyên nhân chính, theo ông, là do quá trình đô thị hóa, bê tông hóa nhanh trong khi hệ thống thoát nước lại không được đầu tư đúng mức, không theo kịp với tốc độ đô thị hóa.

Cũng theo ông Trần Quang Hưng, Hà Nội từng thực hiện nhiều biện pháp xử lý ô nhiễm cho các dòng sông nhưng chưa hiệu quả là vì thiếu tính đồng bộ, các giải pháp còn mang tính manh mún, thiếu căn cơ, bài bản. Đề án bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây rồi đẩy sang sông Tô Lịch là một ví dụ.

"Không thể giải quyết tình trạng ô nhiễm cho các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch theo cách “đẩy nước thải từ nơi này sang nơi khác”, như vậy được. Quy định là không hòa loãng nước thải, đằng này đem đẩy nước sông Tô Lịch đẩy ra ngoài sông Hồng có khác nào làm loãng nước thải? Cách làm như vậy là loanh quanh, luẩn quẩn", ông Hưng thẳng thắn.

Bởi vậy, vị chuyên gia nhấn mạnh, đối với sông Tô Lịch cũng như các con sông khác, làm gì thì làm nhưng cần có một quy hoạch tổng thể giữa xây dựng với đảm bảo môi trường, kết hợp với việc nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt đã là khoa học thì đừng bao giờ gắn chữ "tâm linh" vào bất cứ công trình nào, từ một khu nhà đến một cây cầu, một con đường...

"Các nước tách được nước mưa với nước thải, nước mưa đẩy ra các con sông, nước thải thì đưa vào các khu xử lý trước khi trả lại cho sông, nhưng Hà Nội chưa làm được.

Giờ có doanh nghiệp đề xuất giải pháp tổng thể để cải tạo sông Tô Lịch là rất tốt, song giải pháp của họ phải được đưa ra để các nhà khoa học tham gia ý kiến, nếu chấp nhận được thì làm thử. Trên thế giới, nhiều nước đã thành công trong việc làm sạch các con sông, như Đức làm sạch sông Elbe, Nhật làm sạch một con sông quanh Tokyo...

Chúng ta có thể làm được nếu có giải pháp tốt, quan trọng nhất là quy hoạch phải phù hợp, đồng bộ.

Chẳng hạn, một trong những công việc khi làm sạch sông Tô Lịch là phải tách được nước thải đổ vào sông, xử lý nó trước khi trả lại cho sông. Người ta phải tính lượng nước thải đổ vào sông trong 1 ngày, thế nhưng nếu cứ xây một loạt nhà cao tầng, nước thải chảy vào sông lại tăng lên thì không hệ thống nào đồng bộ được, không thể nào xử lý ô nhiễm được", ông Hưng chỉ rõ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/song-to-lich-thanh-cong-vien-dung-gan-chu-tam-linh-3419254/