Sông Tô Lịch cạn đáy, nổi váng đen kịt bất chấp máy lọc công nghệ Nano hoạt động hết công suất

Sau khoảng một tháng thử nghiệm, đoạn thượng lưu sông Tô Lịch cạn đáy, nổi váng, vẫn bốc mùi hôi thối, mặc cho máy xử lý nước thải ô nhiễm bằng công nghệ Nano hoạt động hết công suất.

Thời gian gần đây, một vài chiếc máy xử lý nước thải ô nhiễm bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản được đặt dưới lòng sông Tô Lịch.

Theo thuyết minh kỹ thuật từ chuyên gia Nhật Bản, các máy xử lý chạy bằng năng lượng điện, được đặt chìm dưới lòng sông, tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng ôxy, xử lý bùn thải, tạo nên dòng nước trong lành hơn.

Mặc dù có thiết kế khá đơn giản và nhỏ gọn, thế nhưng những chiếc máy này lại có khả năng xử lý tới 1,35 triệu m3 nước thải trên một ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải mà sông Tô Lịch phải tiếp nhận trong cùng thời gian. Từ đó, có thể kỳ vọng nước thải luôn được xử lý triệt để mà không có tình trạng lưu lắng, gây bốc mùi ở sông Tô Lịch.

Từ những ưu điểm vượt trội trên, cư dân Thủ đô đã không khỏi mong mỏi, chờ đợi điều kỳ diệu sẽ diễn ra ở đoạn sông này.

Tuy nhiên, ngày 3/6, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, mặc dù nước sông có dấu hiệu khởi sắc sau khoảng một tuần đặt các cỗ máy xử lý nước ô nhiễm thí điểm nhưng cho đến nay, sau khoảng một tháng máy hoạt động, đoạn sông đang cạn đáy, nổi váng và bốc mùi hôi thối.

Anh Nguyễn Văn Hân (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) cho biết: “Thời gian đầu khi đặt máy, nước ở khu vực thượng lưu này có khởi sắc, nước trong hơn, bề mặt nước ít váng đi. Nhất là cách đây vài hôm có trận mưa, nước ở Hồ Tây đổ về nhiều nên nước đoạn sông này khá trong, thậm chí nhiều người dân ra đây câu cá là chuyện bình thường. Nhưng một hai ngày nay, lượng nước ở khu vực sông này cạn đáy. Có thể cạn đáy, lượng nước về ít nên xuất hiện nhiều váng bóng trên bề mặt”.

Bà Lưu Ngọc Lan, một người dân đang đi bộ tại khu vực này cho hay: “Nếu như dòng sông giữ được lưu lượng nước để có thể luân lưu dòng nước thì kết quả đem lại từ máy xử lý sẽ khả thi hơn. Còn dòng sông cạn đáy thì ắt bùn sẽ lộ thiên, váng cũng nổi, nước ít sẽ khó khăn cho máy xử lý nên hiện tượng mùi hôi vẫn bốc lên là khó tránh khỏi”.

Chùm ảnh PV Báo Gia đình & Xã hội ghi nhận dòng sông nổi váng, đen kịt, vẫn bốc mùi hôi thối mặc cho máy lọc nano hoạt động hết công suất:

Những chiếc máy xử lý nước thải ô nhiễm bằng công nghệ Nano được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đoạn sông Tô Lịch ô nhiễm nhiều thập kỷ qua.

Những chiếc máy xử lý nước thải ô nhiễm bằng công nghệ Nano được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đoạn sông Tô Lịch ô nhiễm nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, ngày 3/6, ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, sau khoảng một tháng máy hoạt động, đoạn sông đang cạn đáy, nổi váng và bốc mùi hôi thối.

Váng nổi và kết đọng tại khu vực máy xử lý nước ô nhiễm.

Mặc cho máy xử lý nước thải hoạt động hết công suất, đoạn sông được thí điểm xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano Nhật Bản vẫn đen kịt, nổi váng cô đặc sau khoảng một tháng thí điểm.

Đoạn sông cạn đáy, mùi hôi tiếp tục phát tác, mặc dù máy xử lý thí điểm vẫn đang hoạt động ngày đêm.

Trước đó, trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia môi trường Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam đã có những lo ngại về hiệu ứng của những chiếc máy xử lý nước thải công nghệ Nano.

Chuyên gia Đỗ Thanh Bái cho rằng, về mặt nguyên tắc, việc xử lý chất ô nhiễm nói chung và nước thải nói riêng phải "chặt" được nguồn ô nhiễm từ đầu nguồn là các dòng thải, nhánh thải vào sông Tô Lịch. Thứ hai là việc duy trì máy xử lý nước thải khi nguồn ô nhiễm của thành phố không ngừng đổ về; thứ ba là việc xử lý màng lọc và kinh phí cho dự án xử lý nước thải ô nhiễm bằng công nghệ Nano.

Hình ảnh ô nhiễm được PV ghi lại ngay cạnh các máy xử lý nước thải công nghệ Nano Nhật Bản.

Công tác nạo vét lòng sông Tô Lịch vẫn diễn ra, cách đoạn thượng lưu đặt máy xử lý nước ô nhiễm không xa.

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/song-to-lich-can-day-noi-vang-den-kit-bat-chap-may-loc-cong-nghe-nano-hoat-dong-het-cong-suat-20190603121235597.htm