Sông Tiền giữa Chợ Mới và từ Thanh Bình đến Cao Lãnh

Những thay đổi sâu sắc của đoạn sông và của Cù lao Giêng từ gần 150 năm qua được làm rõ.

Dưới đây là toàn văn bài viết của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân:

SÔNG TIỀN GIỮA CHỢ MỚI VÀ TỪ THANH BÌNH DẾN CAO LÃNH

Nguyễn Ngọc Trân [1]

Tóm tắt: Bài viết này tiếp tục khảo sát diễn biến của đoạn sông Tiền từ cuối Cù lao Tây đến cuối Cù Lao Giêng và thành phố Cao Lãnh, một đoạn sông cũng rất biến động, chảy qua một địa bàn mà mật độ dân số thuộc loại cao nhất đồng bằng và ở giai đoạn sắp đi vào phân ra sáu nhánh sông của châu thổ. Những thay đổi sâu sắc của đoạn sông và của Cù lao Giêng từ gần 150 năm qua được làm rõ.

1. Địa bàn và đoạn sông

Đoạn sông Tiền mà bài viết này đề cập được thể hiện trong Hình 1, trích từ ảnh vệ tinh Landsat ngày 06/11/2000 năm lũ lịch sử.

Vì tính hệ thống thủy văn, tình hình bồi lở dọc tuyến sông chảy bọc phía Nam Cù lao Tây để tái hợp với nhánh Đông trước khi xuôi về hạ du được nhắc lại [2].

Hình 2 nhìn cận cảnh tuyến sông. Các xã bên bờ trái là Tân Huề và Tân Long thuộc huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), bên bờ phải là Kiến An, thị trấn Chợ Mới và Long Điền A thuộc huyện Chợ Mới (An Giang).

Ở vị trí 1 xã Tân Huề được bồi trong khi đối diện doi đất ở ngã ba sông của xã Kiến An bị xói lở. Ở vị trí 2 xã Tân Long bị xói lở trong khi phía đối diện, vị trí 5, xã Kiến An được bồi. Ở các vị trí 3, 4 thuộc xã Tân Long, được bồi. Vị trí 6, xã Long Điền A được bồi trong khi trước đó, giáp với thị trấn Chợ Mới, xã bị lở.

Tình hình bồi lở hai bên bờ của tuyến sông phù hợp với số liệu diện tích đất tự nhiên các xã. Diện tích của bốn xã và thị trấn tăng nhờ được bồi, diện tích xã Long Điền A giảm do bị xói lở trên tuyến sông này và trên đoạn sông Tiền sẽ thấy sau đây.

Sự bồi lở dẫn đến đường phân ranh giữa hai tỉnh đã được phân định trước đây không còn phù hợp. Để đơn cử như một ví dụ, xã Tân Long, có một phần đất nằm bên kia sông bên cạnh đất của xã Kiến An, Hình 3.

Mặt cắt Kiến An ở đầu tuyến cho thấy lòng sông rộng 160 mét, đáy sâu nhất là -9 mét, dòng chảy áp sát bờ Kiến An và đáy sông thoải về phía bờ Tân Huề. Ở giữa tuyến, tại đầu xã Long Điền A tiếp giáp với thị trấn Chợ Mới, dòng sông hẹp lại (91 mét), sâu hơn (-13 mét) ở cách bờ Long Điền A 34,5 mét. (Hình 4 a, b).

Các mặt cắt được đo từ năm 2018 đến 2020 mỗi năm hai lần, cho thấy đáy sông ở mặt cắt Kiến An biến động nhiều hơn từ 1/4 chiều rộng sông sang bờ Tân Huề.

Hiện nay chưa tìm được mặt cắt tại cuối tuyến sông nơi nó trổ ra Sông Tiền nhánh Đông, và địa hình đáy của nó.

2. Đoạn I: sông Tiền từ Long Điền A / Tân Thạnh đến Mỹ Hiệp / Bình Thành

Tiếp giáp với đoạn sông này, bên hữu ngạn là huyện Chợ Mới với ba xã Long Điền A, Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp, bên tả ngạn lần lượt là xã Tân Thạnh, thị trấn Thanh Bình và xã Bình Thành thuộc huyện Thanh Bình. Hình 5.

Đặc điểm thủy văn của đoạn sông là sau khi hợp nhất với tuyến Kiến An - Long Điền A, sông Tiền đi vào đoạn sông với bề rộng thắt hẹp lại tại đầu xã Long Điền A rồi mở rộng dần ra đến đầu Cù lao Giêng nơi bề ngang sông rộng nhất, rồi dần khép hẹp lại ở cuối Cù lao này trước khi rẽ ngoặc sang phải tại xã Bình Thành (Đồng Tháp). Tại nơi bề rộng sông Tiền lớn nhất, ở đầu Cù lao Giêng một nhánh sông Tiền lại rẽ phải. Đặc điểm thủy văn này giải thích địa hình đáy đoạn sông trong Hình 6.

Trong các Hình 5a, 5b là đoạn sông nhìn từ ảnh vệ tinh năm 1988 và 2016 trên đó có vị trí bốn mặt cắt (∃T7, 8, 9, 10) tại ba xã Long Điền A, Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Trên ảnh năm 1988, phía tả ngạn sông Tiền, Cồn Én hãy còn tách biệt. Cả vùng trong đó có Cồn tiếp tục được bồi và ngày càng áp sát thị trấn Thanh Bình (ảnh vệ tinh năm 2016, Hình 5b). Tuy vậy theo phân định ranh giới hành chính, Cồn Én thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hình 5c.

Địa hình đáy của tuyến sông cùng với vị trí 4 mặt cắt được thể hiện trong Hình 6.

Dọc bờ xã Long Điền A đáy sâu nhất là từ -22 đến -31 mét, và dọc bờ xã Bình Thành là từ -28 đến -38 mét.

Trong Hình 7 là 4 mặt cắt (∃T7, 8, 9, 10). Tại các mặt cắt (∃TT7, 8) sông có vách đứng, đáy sông sâu -25 mét và -20 mét. Mặt cắt (∃T8) còn cho thấy việc khai thác cát đã diễn ra trước đợt đo tháng 4 năm 2018, cách bờ An Giang khoảng 560 mét.

Tại mặt cắt ($T9) xã Tấn Mỹ vách dốc về phía bờ Tấn Mỹ, đáy sông chỉ sâu khoảng 8 mét. Việc khai thác cát diễn ra cách bờ khoảng từ 400 đến 900 mét. Tương tự ở xã Mỹ Hiệp dù đáy sông sâu hơn. Các số liệu này phù hợp với địa hình đáy sông trong Hình 6.

Tình hình bồi lở dọc theo tuyến sông từ 1989 đến 2020 được thể hiện trong Hình 8, hình chập hai ảnh vệ tinh Landsat ngày 16/01/1989 và Landsat ngày 07/02/2020, và cận cảnh các Hình 8(a, b, c).

Xã Long Điền A được bồi ở hai ngã ba với sông Tiền, nhưng bị lở dọc theo sông. Phía đối diện xã Tân Thạnh được bồi. Xã Tấn Mỹ và xã Mỹ Hiệp bị lở dọc theo sông Tiền nhưng bù lại Tấn Mỹ được bồi phía Cồn Én, và sau khúc quanh Mỹ Hiệp được bồi (Hình 8a, 8b), trong khi phía đối diện xã Bình Thành bị lở, đăc biệt tai Ấp Bình Hòa, mặc dù đã được kè cứng tháng 4/2017, Hình 8d.

3. Sông Tiền và Cù lao Giêng

Là cù lao thứ ba sau Cù lao Long Khánh và Cù lao Tây trên sông Tiền từ biên giới về, Cù lao Giêng được bao quanh bởi hai nhánh của sông này. Nơi phân nhánh là đầu xã Tấn Mỹ. Nơi hợp nhất trở lại là cuối xã Bình Phước Xuân. Hình 9. Nhánh 1 là sông Tiền chảy tiếp về Cao Lãnh. Nhánh thứ hai chảy qua thị trấn Mỹ Luông, Mỹ An, Hội An và hợp nhất lại với sông Tiền ở cuối xã Bình Phước Xuân.

Khác với Cù lao Long Khánh và Cù lao Tây, hiện nay nhánh 2 hẹp hơn, chỉ bằng 1/7 của nhánh 1 ở đầu vào. Hiện tượng xói lở ở đầu Cù lao nơi phân nhánh vẫn diễn ra, tuy nhiên trên nhánh 2, xói lở chỉ đến thị trấn Mỹ Luông (Hình 8c), sau đó bồi ở bờ Mỹ An, rồi ở bờ Tấn Mỹ cuối xã và cuối xã Bình Phước Xuân (Hình 9).

Trên địa bàn Cù lao Giêng có bốn mặt cắt sông tại các vị trí (∃T9, 10, 11, 12). Các mặt cắt (∃T9, 10) đã được đề cập trên đây. Mặt cắt (∃T11) ở đầu thị trấn Mỹ Luông. Bảng dưới đây so sánh bề rộng sông và đáy các mặt cắt ($T8) Long Điền A 2, ($T9) Tấn Mỹ và ($T11) TT Mỹ Luông (Hình 10a):

Dọc bờ phải sông Tiền, hình chập hai ảnh vệ tinh Landsat ngày 16/01/1989 và LS 07/02/2020 cho thấy bờ sông được bồi từ đầu xã Mỹ Hiệp đến trước cửa của Kênh Ngang (xã Bình Phước Xuân). Từ đây đến cuối xã Bình Phước Xuân, bờ bị xói lở được xem xét trong phần tiếp theo.

4. Đoạn II: sông Tiền giữa Cù lao Giêng và từ huyện Thanh Bình đến Tp. Cao Lãnh

Các Hình 11(a, b) thể hiện tình trạng bồi lở trên đoạn sông Tiền giữa Cù lao Giêng bên bờ phải và xã Bình Thành (huyện Thanh Bình) và Thành phố Cao Lãnh bên bờ trái, trong 31 năm 1989 - 2020.

Khi sông Tiền đi vào khúc quanh, ở đầu xã Mỹ Hiệp không còn sạt lở. Đối diện, từ ấp Bình Hòa dọc dài bờ trái là một dải hố sâu (Hình 6). Một kè cứng đã được xây tại ấp Bình Hòa tháng 4/2017 nhưng nguy cơ sạt lở tiếp là rõ rệt theo quy luật. Ở vị trí *1, Hình 11a, dọc bờ phải, xã Mỹ Hiệp được bồi đến cuối xã trong khi bên bờ trái, từ xã Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh) đến Phường 11 (Thành phố Cao Lãnh), tình hình lở giảm đáng kể. Ở vị trí *2, bên bở phải, từ cuối xã Mỹ Hiệp đến đầu Kênh Ngang xã Bình Phước Xuân không còn tình trạng bồi.

Trong Hình 11b, vị trí *3, bên bờ phải từ cửa Kênh Ngang đến cuối xã Bình Phước Xuân là tình trạng sạt lở. Bên bờ trái, ở vị trí *4 và vị trí *5.1, xã Tân Thuận Tây được bồi, trong khi đó, ở vị trí *5.3, phía Bắc xã Tân Thuận Đông bị sạt lở. Ở vị trí *5.2, Hình 11b, cồn thứ 2 của xã Tân Thuận Đông được bồi về phía Tây, thu hẹp luồng sông Tiền chảy giữa xã Bình Phước Xuân và cồn này. Luồng sông Tiền chảy giữa hai cồn *5.2 và *5.3 sạt lở. Hòa An và Phường 6 bồi lở không đáng kể.

Ở vị trí *5.4, xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), bờ phải bị bào mòn và sạt lở trong khi bờ trái, xã Tân Thuận Đông được bồi. Hình 11b 11c.

5. Nhận xét, thảo luận và đề xuất

(1) Nhận định về bồi lở qua ảnh vệ tinh phù hợp số liệu thống kê về diện tích đất

Nhận định về bồi lở qua ảnh vệ tinh đã được đối chiếu với số liệu thống kê về diện tích tự nhiên của các xã, phường, thị trấn nằm dọc theo đoạn sông Tiền, bên tả ngạn cũng như bên hữu ngạn giữa hai thời điểm 2010 và 2019.

Bảng T là bảng số liệu diện tích đất tự nhiên của 9 xả, phường, thị trấn bên bờ trái, toàn bộ nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Tổng diện tích của 9 đơn vị trong Bảng T tăng 121 hecta trong 10 năm.

Bốn đơn vị có diện tích tăng, đáng kể là các xã Tân Thạnh, Tân Thuận Tây. Xã Tân Thuận Đông chỉ tăng tổng 7 ha nhưng những bồi và lở có ảnh hưởng sâu sắc đến luồng chủ lưu. Năm đơn vị có diện tích giảm, giảm dần từ xã Bình Thành đến Phường 11. Diện tích của Phường 6 giảm có liên quan đến sự biến dạng của Cồn Tân Thuận Đông.

Trong 4 xả nằm bên bờ phải, 2 xã có diện tích tăng là Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp, 2 xã có diện tích giảm là Long Điền A và Bình Phước Xuân (Bảng P). Tổng diện tích của 4 đơn vị tăng 6 hecta trong 20 năm.

(2) Cù lao Giêng sẽ nhanh chóng “gắn” vào huyện Chợ Mới?

Bảng P cho nhánh 2 dưới đây là cơ sở cho câu hỏi nêu lên.

Phần của xã Tấn Mỹ và của xã Bình Phước Xuân được liệt kê nhưng tham gia vào tính toán là không sát hợp vì con số tăng/giảm của xã là tổng và không tách ra được phần tăng/giảm trên mỗi nhánh.

Trong hai mươi năm, trên nhánh 2, một diện tích 481 hecta đã tăng dọc theo TT Mỹ Luông, Mỹ An và Hội An. Số liệu này đang được rà soát với huyện Chợ Mới và với 3 xã.

Trong quá trình thu thập và xử lý số liệu, vì "con người là trung tâm của sự phát triển", tác giả không thể không quan tâm đến dân số trung bình và qua đó thấy được từ cơ sở, các xã, thể hiện cụ thể của sự sụt giảm dân số liên tục của An Giang và Đồng Tháp trong 10 năm từ 2010 đến 2020. Đây là một vấn đề lớn của đồng bằng sông Cửu Long mà tác giả sẽ trở lại.

(3) Diễn biến bồi lở dọc đoạn sông là một khẳng định việc liên kết cần thiết giữa An Giang và Đồng Tháp

Đoạn sông trong bài viết này là một chuỗi co thắt, giãn nở bề ngang của sông và những khúc quanh. Mỗi sự kiện kéo theo thay đổi về độ sâu của đáy, tăng giảm tốc độ của dòng chảy, bồi lở dọc theo hai bờ theo quy luật. Điều này cần có sự liên kết giữa hai tỉnh để khai thác vì lợi ích của hai tỉnh và của các tỉnh ở hạ lưu, một sự liên kết cần thiết đã được đề cập trong hai bài viết 2, đặc biệt bài về Cù lao Tây.

Sự liên kết, phối hợp trong bài viết này còn cần thiết khi mà hai tỉnh cùng quản lý, khai thác Cồn Én ở đó 87 hecta và 220 hô thuộc về thị trấn Thanh Bình (Đồng Tháp), và phần còn lại, 271 hecta và 760 hộ, thuộc xã Tấn Mỹ (An Gang).

(4) Cần nhìn xa hơn nữa về quá khứ để hiểu sông Tiền hiện tại

Tại sao “Mekong River” vẫn được dùng để chỉ dòng chảy rất hẹp giữa Cồn Én và thị trấn Thanh Bình trên bản đồ ảnh vệ tinh của Google Maps hiện tại? Hình 13.

Nếu Cồn Én là đất mới được bồi tại vị trí hiện nay thì khó mà có một Giáo xứ đã được thành lập cách đây ít nhất 90 năm!

Tác giả nghĩ rằng lời đáp hợp lý có lẽ đã được tìm thấy từ các bản đồ của Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mà chính quyền thuộc địa đã thực hiện. (Hình 14 năm 1878, và Hình 15 năm 1901). Lúc đó Cồn Én là một cồn ngay ở phía Bắc Cù lao Giêng (vòng khoanh 1). Dòng chảy sông Tiền đã tách dần dần Cồn Én với xã Tấn Mỹ và sự dịch chuyển của Cồn đi đôi với bồi lở và từ đó có sự phân ranh giữa An Giang và Đồng Tháp ngay tai Cồn.

Các bản đồ thời bấy giờ còn cho thấy Cù lao Giêng, cũng như Cù lao Tây, nằm ở giữa sông Tiền được phân ra hai nhánh ở đầu cù lao, hợp nhất với nhau ở cuối cù lao. Như vậy dự báo Cù lao Tây và Cù lao Giêng sẽ ngày càng “gắn vào” huyện Chợ Mới là có cơ sở.

Tác giả đã quan tâm “ôn cố” với ảnh vệ tinh và xa nhất là năm 1979. Rõ ràng, để hiểu sông Tiền hiện nay cần nhìn xa hơn nữa về quá khứ.

(5) Ngành Địa lý sẽ phát triển mạnh và sâu sắc hơn nữa nếu tiếp cận lãnh thổ với quan điểm hệ thống và động. Đó là một đề xuất từ bài viết này.

Hệ thống trong bản thân ngành. Không tách biệt nhau, địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn sẽ phát triển vững chắc và mạnh mẽ hơn.

Hệ thống trong không gian vì khí quyển, thủy quyển và địa quyển không bị ngăn cách bởi ranh giới hành chính giữa các tỉnh, các huyện, các xã, …

Nếu còn cần thuyết phục thì những thay đổi trong bài viết này là một minh chứng cho sự cần thiết tiếp cận vùng lãnh thổ với quan điểm động.

Quan điểm hệ thống và động càng cần khi vùng lãnh thổ có khả năng chịu nhiều biến động (một châu thổ trẻ, sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống vì nạn mất rừng, …) từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Con người không ngăn cản được thiên tai nhưng có thể giảm thiểu nhân tai do mình tạo ra.

(6) Tiến bộ khoa học công nghệ trong viễn thám, trong lưu trữ và xử lý nhanh các thông tin được số hóa, trong kết nối vạn vật, là thời cơ cho ngành Địa lý phát triển.

CHÚ THÍCH:

[1] Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI (1992-2007).

[2] Nguyễn Ngọc Trân, Sông Tiền từ Cù lao Long Khánh đến Cù lao Tây, Báo Đất Việt online, 19/02/2021, https://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/song-tien-tu-cu-lao-long-khanh-den-cu-lao-tay-3427788/

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/song-tien-giua-cho-moi-va-tu-thanh-binh-den-cao-lanh-3428472/