'Sống' theo một nghĩa khác ở Melbourne

Trong vỏn vẹn gần một tuần ở Melbourne, tôi thực sự cảm nhận được ý nghĩa cụm từ 'thành phố đáng sống'.

Trên đường di chuyển từ sân bay vào trung tâm Melbourne, sau 9 tiếng đồng hồ trên máy bay và được đón chào bằng một bầu trời mưa lâm thâm, lòng tôi như chùng xuống. Trong đầu không có gì ngoài một chuyện công việc chưa giải quyết xong trước khi bước lên máy bay. Chuyến đi tới thành phố phồn hoa và lãng mạn bậc nhất nước Úc đã có một khởi đầu như vậy. Tôi vẫn chưa thể là một du khách “full-time” vào lúc này được.

Chiếc lá lang thang

Chuyện này có lẽ không có gì lạ. Trong một ngày, bạn thường phải chấp nhận việc phải đóng nhiều vai, và thấy mình không nhất quán: Bạn ăn sáng trong khi phải nghĩ về lịch làm việc mới trong ngày, ngủ trưa trong lo lắng vì tư duy về cuộc hẹn tiếp theo, và nghĩ về ngày mai ngay từ khi còn trên đường về nhà tối nay. Các mảnh tâm hồn bị xô lệch, và chúng ta, nhiều khả năng là cứ mặc kệ chúng xộc xệch như vậy thôi. Cuộc sống giờ vậy rồi!

Trung tâm Melbourne, nơi bạn có thể đi bộ hàng tiếng đồng hồ mà không hề cảm thấy đuối sức, hay nhàm chán.

Trung tâm Melbourne, nơi bạn có thể đi bộ hàng tiếng đồng hồ mà không hề cảm thấy đuối sức, hay nhàm chán.

Nhưng rồi sẽ có những nơi, như Melbourne chẳng hạn, được tạo ra như để xếp lại những mảnh ghép chìa ra thụt vào ấy thành một khối ngăn nắp, rồi còn tiện thể ép chúng dẹt lại mỏng như một chiếc lá, và thả xuống, để nó lang thang theo gió. Một cách tự do.

Cất hành lý, bước ra khỏi cửa khách sạn và bắt đầu rảo bước trên những con phố ô bàn cờ, và từ đấy, tôi đột nhiên thấy mình như một chiếc lá lông bông kiểu vậy. Như là tạm đặt mấy thứ ưu tư xuống đây đã, và cứ thế mà đi nhé. Trên đầu, thời tiết cũng tự dưng thay đổi: Những cụm mây xám đột nhiên rẽ đôi, rồi tan đi đâu mất, như thể nhiệm vụ gieo một nỗi buồn xuống thành phố đã xong, để nắng bừng lên, ươm vàng lên bóng khách bộ hành…

Phương tiện công cộng phổ biến nhất ở Melbourne là tàu điện, cứ vài phút lại có một chuyến chạy qua. Du khách có thể bắt bất cứ chuyến nào để di chuyển trong thành phố miễn phí ở khu vực free zone.

Từ phố Bourke, nơi khách sạn tôi ở, đi xuống ngã tư lớn, ngoặt sang đường Collins, thẳng xuống khu nghệ thuật East End nổi tiếng, dễ cũng phải gần hai cây số. Bình thường thì với khoảng cách này, bạn có thể sẽ thấy chính tôi vừa hì hục cuốc bộ vừa lấm tấm mồ hôi.

Nhưng ở Melbourne thì khác: Tôi hoàn thành "bài thi" thể lực dễ dàng, ngay từ buổi đầu và cả nhiều buổi sau. Thời tiết, sự quang đãng, và cả sự nhẹ nhõm hiện diện như một yếu tố cấu thành không khí của nơi này, làm đôi chân bạn nhẹ đi thật nhiều. Cứ chốc lát, xe điện lại leng keng gọi mời, nhưng tôi không thật sự cần sự trợ giúp ấy.

Đôi chân còn nhẹ hơn nữa, khi tôi băng qua một con hẻm (laneway) đầy hình graffiti của khu East End, và thấy một hàng dài dễ phải trăm người đứng từ phố Elizabeth cắt qua, đứng chờ một cựu ngôi sao bóng rổ ký tặng. Không có thứ không khí bạn thường thấy ở các cuộc xếp hàng, kiểu như sự sốt ruột, căng thẳng, hay cau có.

Những người trẻ, trên tay là điếu thuốc hoặc một đồ uống nào đó, đứng tươi cười trò chuyện trên phố, theo một hàng nối đuôi nhau cả cây số, nhích lên rất chậm. Tôi nhìn mà thấy sốt ruột thay cho họ, nhưng chính họ lại rất bình thản, nhâm nhi sự chờ đợi, như một thú vui chậm rãi.

Nhưng thôi, một chiếc lá không nên nghĩ quá nhiều. Tạt vào một quán cà phê vỉa hè trên đường Collins, tôi gọi một ly long-black rồi ngồi ngắm dòng người qua lại. Bên kia đường, hai nghệ sĩ đường phố đang đàn và hát, bài Fix You của Coldplay:

Khi nước mắt tuôn trên mặt em

Khi em mất đi điều không thể thay thế

Khi em yêu ai đó mà không được đáp lời

Có gì tệ hơn thế nữa không?

Ánh sáng sẽ dẫn lối em về

Nạp lại lửa sống cho cơ thể

Còn tôi sẽ cố chữa lành em

Anh chàng tóc vàng hát say sưa, bằng một giọng không cao vút như Chris Martin, nhưng tình cảm hơn. Khi bài hát cuốn đi, anh cứ như không để ý gì tới hiệu quả "làm ăn": Phố vẫn vắng quá, và cái hộp gỗ vẫn chưa có tiền. Nhưng anh cứ thế mà hát thôi, với một nụ cười bừng sáng.

Những khuôn mặt kiểu vậy ở Melbourne, dưới ánh mặt trời, đẹp thuần khiết, vì tôi không tìm thấy sự ưu tư trên đó. Cứ như thể cuộc đời ở đây cất những nét từ bể khổ đi đâu cả. Đôi lúc tôi tự dưng cũng muốn đột ngột phỏng vấn nhanh một khuôn mặt như thế ngay trên phố, xem cuộc sống của anh/chị thế nào, sao mà mọi thứ nó cứ có vẻ nhẹ nhõm thế, nhưng rồi kìm lại được.

Tòa nhà Yarra nằm trong khu Quảng trường Liên bang, nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật ở Melbourne.

“Sống” theo một nghĩa khác

Trong nhiều năm, Melbourne lọt top đầu những thành phố đáng sống bậc nhất trên thế giới, theo bầu chọn thường niên của Economist Intelligence Unit (EIU), một tổ chức khảo sát và phân tích thuộc tạp chí Economist, nhờ “chất lượng sống, sự hiện diện của nhiều trường đại học tên tuổi, tỷ lệ tội phạm cực thấp, và nghệ thuật đường phố đa dạng”.

Mấy dòng đấy, giờ đây đã được nhân bản trong hàng nghìn bài viết khác nhau về Melbourne, bạn có thể tìm được trên Google, chỉ mất vài giây gõ thôi. Nhưng chắc chắn nhiều người vẫn sẽ cảm thấy mơ hồ: Chính từ "đáng sống" cũng đã rơi tõm vào một vực thẳm không đáy của ngôn ngữ, chứa những từ được nhân lên nhiều về mặt số lượng đến mức đã đẩy các cảm xúc về mốc 0.

Nôm na là khi một người nói/viết một nơi là “đáng sống”, thì nhiều khả năng là người nghe đã đủ trơ lì đến mức không còn cảm nhận nổi độ vang của từ ấy nữa.

Melbourne về đêm, với tầm nhìn trên tòa nhà cao nhất thành phố, Melbourne Skydeck.

Nhưng trong vỏn vẹn gần một tuần ở Melbourne, cụm từ tưởng như trở thành sáo rỗng này đã dội vào tâm hồn tôi nhiều lần. Tôi đã sống ở nhiều đô thị khác đủ lâu để hiểu “đáng sống” chẳng dễ dàng gì.

Bước ra khỏi nhà mỗi sáng, đa số thị dân chúng ta lao vào một guồng quay với các mô-đun khốc liệt được sắp đặt sẵn, để chạy đua, cạnh tranh, và đôi khi, sinh tồn. Chúng ta thường không có thời gian đủ để thực sự ngắm nhìn hay kiên nhẫn chờ đợi một điều gì đó.

Nhưng Melbourne như một cái cầu dao tổng dập tắt nguồn điện nuôi khái niệm kiểu này. Các trung tâm thương mại ngừng buôn bán (trừ quán ăn và bar) từ 6-8 giờ tối, và chỉ thực sự mở cửa vào 9-10 giờ sáng. Ở đây, bạn có thể hiểu “sống” theo một nghĩa khác.

Lang thang không mục đích, ngước lên nhìn nắng vàng tung tóe trên những tòa nhà, dừng lại trước một ga tàu hoặc nhà thờ có kiến trúc từ thời Victoria, băng qua cây cầu bắc qua sông Yarra, nhìn nắng dần tắt…

Chúng tôi đã sống như thế, trong suốt một tuần ở đây. Đi mà chỉ để đi, và dừng lại bất kỳ lúc nào thấy cần ngắm nhìn. Một tuần chẳng có sự kiện gì giật gân cho đời bạn. Cảm tưởng như những phù du trôi qua thành phố kỳ lạ này, thu vào tầm mắt mọi chuyện, nhưng rồi chẳng có chuyện gì quan trọng cả.

Cung đường Great Ocean Road đẹp bậc nhất nước Úc, khu vực bãi đá 12 Tông Đồ, cách Melbourne khoảng hơn 200km.

Vĩ thanh

Đêm cuối ở Melbourne, khi chúng tôi đang ngồi nhâm nhi trong một quán bar, thì một cô gái bản địa thân thiện đến bàn bắt chuyện và xin nhập hội. Cô nói hôm nay mình có chuyện hơi buồn, và vì thấy chúng tôi rôm rả quá, cô muốn ngồi cùng để "lấy chút không khí". Thế là chúng tôi cùng nhau uống vài ly, nói với nhau vài câu chuyện không đầu không cuối, mà thậm chí còn không hỏi tên nhau.

Để rồi khi ra về, cánh cửa bar đóng lại phía sau lưng, cô gái tạm biệt và bước về một hướng ngược lại, tôi tự nhủ có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại người bạn ấy nữa, hay thậm chí không thể nhớ nổi đã nói với nhau những gì. Một chuyện không lạ lẫm gì trên nhiều khúc quanh co của đường đời, nhưng có một điều chắc chắn: Tâm hồn của cả hai phía có thể đã nhẹ nhõm đi một chút, vì cuộc giao tiếp thoáng qua ấy.

Ngay cả lúc này, khi tôi ngồi gõ lại ký ức của mình để gửi tới bạn đọc, vẫn có gì đấy ngọt ngào dâng lên trong lòng, và cảm thấy chính mình bỗng nhẹ đi.

Melbourne dường như chứa một cơ chế gì đó cài trong tâm trí có thể kích hoạt một lời thì thầm chỉ bằng kỷ niệm nho nhỏ, nhắc đi nhắc lại rằng tâm hồn tôi lúc nào cũng có thể nhẹ như một chiếc lá, và thậm chí không cần một cơn gió nào, để nâng nó nhẹ bay lên.

Phải, tâm hồn chúng ta, lúc nào cũng có thể chỉ là một chiếc lá thôi.

Giờ đây, bạn có thể bay thẳng đến Melbourne trên máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner của hãng hàng không Bamboo Airways, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian di chuyển so với việc phải qua đường bay trung chuyển.

Đường bay thẳng TP.HCM – Melbourne hiện được hãng khai thác với tần suất 2 chuyến khứ hồi/tuần. Đường bay thẳng Hà Nội – Melbourne có tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần và Bamboo Airways là hãng bay Việt đầu tiên bay thẳng chặng này.

Melbourne chứng kiến sự giao thoa tuyệt vời của nhiều nền ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới. Bạn có thể thử đồ ăn của mọi quốc gia ở đây, có thể là một tối trong tiệm Sezar (bán đồ Armenia), và tối tiếp theo ăn đồ Peru ở quán Pastuso, vào Movida thử đồ Tây Ban Nha, hay đến Chin Chin để thưởng thức ẩm thực châu Á.

PHẠM AN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/song-theo-mot-nghia-khac-o-melbourne-ar707929.html