Sống thấp thỏm dưới chân đồi

Nhiều lần được chính quyền địa phương tổ chức di dời khẩn cấp khi có mưa lớn nhưng đến nay, ở khu vực dưới chân đèo Phú Gia, thuộc địa phận thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) vẫn còn 14 hộ dân sinh sống.

Những ngôi nhà cấp 4 được người dân xây dựng tựa lưng vào đồi núi từ nhiều năm về trước là nơi ở của hàng chục nhân khẩu. Chưa bao giờ người dân nơi đây lại lo lắng sạt lở núi như hiện nay, nhất là sau những vụ sạt lở đồi núi liên tiếp xảy ra ở các tỉnh thành miền Trung…

Sống thấp thỏm dưới chân đồi

Sống thấp thỏm dưới chân đồi

Từ tuyến QL1A có thể nhìn thấy rõ điểm đứt gãy ở khu vực sườn núi Phú Gia với nguy cơ sạt trượt cao khi có mưa lớn. Chúng tôi tìm đến căn nhà của ông Ngô Trữ (52 tuổi, ở thôn Phú Gia) nằm sát chân đèo Phú Gia đúng lúc ông Trữ vừa đi rừng trở về nhà. Ông Trữ cho biết, vì không có nơi nào khác nên bất đắc dĩ vợ chồng ông mới tìm đến khu vực chân đèo Phú Gia để làm nhà ở và mưu sinh bằng nghề trồng rừng, chăn nuôi gia súc gia cầm. “Chúng tôi đã chứng kiến 2 vụ sạt lở đất xảy ra ở khu vực này, đó là vào mùa mưa lũ năm 1999 và năm 2013. Căn nhà bên cạnh nhà tôi cũng bị đất đá từ trên đồi núi sạt xuống vùi lấp. Giờ thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, thất thường nên mỗi khi có mưa lớn, gia đình tôi phải chạy đến nhà người thân tá túc vì lo núi sạt lở”, ông Trữ nói. Cách căn nhà của ông Trữ không xa là nhà của gia đình bà Trần Thị Hoàng Phương. Từ 11 năm về trước, 7 người trong gia đình bà Phương chuyển về ở căn nhà được xây dựng chỉ cách chân núi Phú Gia hơn 150m. Theo lời bà Phương, từ khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoang ở thủy điện Rào Trăng 3 thì gia đình bà và các hộ dân trong thôn có nhà ở khu vực chân đèo Phú Gia luôn trong tình trạng thấp thỏm, đứng ngồi không yên với nỗi lo sạt lở núi ập đến…

Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến trao đổi cho biết, hiện khu vực dưới chân đèo Phú Gia có 14 hộ dân với 65 nhân khẩu sinh sống. Từ nhiều năm nay, khu vực đèo này luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi khi từ năm 2008 bắt đầu xuất hiện vết gãy nứt lộ rõ với chiều dài 200m, bề ngang 1,5m do trước đó đơn vị khai thác đất, đá đã đào làm hỏng chân núi. “Qua theo dõi của chính quyền xã, từ nhiều năm qua, vết nứt gãy này không kéo dài và rộng thêm nhưng vẫn có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão. Vì thế trong mùa mưa năm 2020, xã đã 4 lần có lệnh di dời khẩn cấp 14 hộ dân ở dưới chân núi Phú Gia đến nơi an toàn”, ông Cường thông tin. Điều đáng nói, trước đó UBND xã Lộc Tiến có phương án hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ dân để di dời các hộ ở dưới chân núi Phú Gia đến khu tái định cư Phước Lộc. Tuy nhiên đến nay, các hộ dân không đồng ý do kinh phí hỗ trợ quá ít, người dân không đủ tiền xây nhà mới và khu tái định cư nằm xa khu vực sản xuất khiến việc đi lại khó khăn. Ngoài các hộ dân ở dưới chân núi Phú Gia, xã Lộc Tiến còn có 25 hộ dân khác ở các thôn Thổ Sơn, Trung Kiền cũng sống gần chân núi có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão.

Theo ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế, địa bàn tỉnh có lượng mưa trung bình hàng năm cao, trên 2.700mm, có nơi trên 4.000mm như Bạch Mã, Thừa Lưu. Qua nghiên cứu, tỉnh có đến 48 điểm xảy ra lũ quét với mật độ 0,0096 điểm/km2, thuộc loại rất cao. Để ứng phó lũ quét và trượt lở đất đá đồi núi, ngoài tăng cường khả năng thoát lũ của lòng dẫn, xây tường chắn, hồ chứa kiểm soát lũ cần lắp đặt, vận hành các hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số khu vực dân cư và các khu vực có hoạt động kinh tế tập trung; quy hoạch, điều chỉnh khu dân cư tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét và trượt lở đất; cắm biển báo, tăng độ che phủ mặt đệm bằng cách trồng rừng kết hợp với phương thức canh tác hợp lý bảo đảm độ ổn định của kết cấu đất. Đặc biệt cần tăng cường công tác tuyên truyền, diễn tập các phương án phòng tránh lũ quét và trượt lở đất để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra...

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/song-thap-thom-duoi-chan-doi-622962/