Sóng thần và công nghệ

Trận sóng thần vừa quét qua Indonesia ngày 22/12 lại một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống cảnh báo sóng thần ở các đại dương, đặc biệt là khu vực dễ bị tổn thương như Indonesia.

Không báo trước, không dấu hiệu, cơn sóng thần cuồng nộ đột ngột ập tới, cuốn phăng mọi thứ. Ít nhất 373 người chết. 1.400 người bị thương. Không ai hay biết tử thần đang ập tới. Đây không phải lần đầu tiên Indonesia trải qua thảm họa sóng thần. Mới trước đó không lâu, ngày 28/9, đất nước này cũng bị một cú “đánh úp” bi kịch từ thiên nhiên.

Thảm họa chồng thảm họa. Thiệt hại nặng nhất vẫn thuộc về người dân. Các cơn sóng thần liên tiếp xảy ra đã khiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo phải lệnh cho Cơ quan Địa chất, Khí hậu và Khí tượng (BMKG) mua thiết bị phát hiện sóng thần để cung cấp cảnh báo sớm cho cộng đồng. Theo Tổng thống Widodo, cơn sóng thần quét qua Eo biển Sunda nằm giữa đảo Java và Sumatra là ngoài khả năng dự báo của Indonesia, vì thường sóng thần sẽ xảy ra sau động đất, nhưng thảm họa ngày 22/12 lại khác. Chính Giám đốc BMKG cũng phải thừa nhận hệ thống hiện tại không thể cảnh báo sóng thần trước thời điểm xảy ra.

Thế giới có nhiều công cụ cảnh báo sớm sóng thần. Các công cụ tương đối mới có thể kể đến như các hệ thống cảnh báo động đất sớm được sử dụng ở Nhật Bản và Chile. Các công cụ này bao gồm một mạng lưới cảm biến gần các khu vực đứt gãy chính. Cảm biến ghi lại thông tin khi có động đất, từ đó có thể đưa ra ước tính cường độ và vị trí động đất. Thông tin được gửi tới các vị trí xa hơn và được gửi trước khi có sóng địa chấn gây rung lắc. Cảnh báo được phát cho người dân qua điện thoại di động, còi báo động...

Chỉ cần sớm vài giây là có thể kích hoạt các phản ứng tự động, như đưa tháng máy tới tầng gần nhất, chặn tàu cao tốc, đóng hệ thống phân phối khí đốt... Chỉ cần sớm vài giây là con người có thể tìm cách cứu bản thân bằng kỹ năng đã học và bản năng sinh tồn. Chỉ cần sớm vài giây là có thể quyết định sự sống hay cái chết.

Hệ thống cảnh báo cần có ở từng quốc gia dễ bị động đất và sóng thần, ở từng khu vực và trên quy mô các đại dương. Hợp tác quốc tế trong cảnh báo sóng thần bắt đầu từ sau vụ động đất 9,5 độ richter ở Chile năm 1960. Sau thảm họa năm 2004, một hệ thống cảnh báo đã được xây dựng cho khu vực Ấn Độ Dương.

Quay trở lại thảm họa ở Indonesia, hệ thống cảnh báo sớm công nghệ cao đã được lắp đặt trong giai đoạn thử nghiệm nhiều năm nay, nhưng dự án bị trì hoãn ở khâu phối hợp liên ngành nên 12 năm qua vẫn chỉ ở giai đoạn thử nghiệm.

Trước con số thương vong đau xót trong hai trận sóng thần gần đây, hệ thống này cần phải khẩn trương được hoàn thành, nếu không muốn nói là nhất thiết phải hoàn thành, để không may nếu có sóng thần lần nữa, không ai phải nghẹn lòng trước con số thống kê những sinh mạng bị mất đi vì bị động, vì bất lực trước thiên tai.

Ông Louise Comfort, chuyên gia Đại học Pittsburgh về quản lý thảm họa và là người phụ trách phối hợp với Chính phủ Indonesia trong dự án bị đình trệ 12 năm qua, nói: “Với tôi, đây là một thảm kịch cho khoa học. Thật đau lòng khi chứng kiến thảm kịch khi mà ta có sẵn mạng lưới cảm biến lẽ ra có thể cung cấp thông tin quan trọng”.

Quả thật, đó đúng là một thảm kịch của khoa học. Khoa học và công nghệ thời 4.0 hoàn toàn có thể cứu mạng sống con người, thậm chí đóng vai trò quyết định trong giảm thiểu thiệt hại. Vậy nhưng thật đáng buồn khi những chiếc phao cảm biến dọc bờ biển Indonesia trị giá hàng trăm nghìn đô la lại không phát huy tác dụng, vì bị phá hoại, vì bị trộm cắp, vì thiếu tiền bảo trì.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều rằng, cho dù hệ thống phao cảm biến hoạt động tốt thì Indonesia cũng bất lực trước trận sóng thần bất bình thường ngày 22/12. Nguyên nhân là Indonesia không có công nghệ phát hiện sóng thần bị kích hoạt bởi lở đất, núi lửa dưới nước.

Do đó, lời kêu gọi của người phát ngôn Ban Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia về xây dựng một hệ thống mới để giám sát những cơn sóng thần bất bình thường như ở Eo Sunda là đúng thời điểm và cần được hiện thực hóa nhanh chóng.

Vì chắc chắn một điều rằng nếu trì hoãn hoặc không đầu tư vào công nghệ cảnh báo sớm sóng thần, Indonesia nói riêng và các quốc gia nằm trong vùng bị ảnh hưởng nói chung sẽ phải trả giá đắt, lần này có thể là hàng trăm sinh mạng, lần sau có thể là hàng nghìn, hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn…

Còn nhớ trong trận động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, người ta phát hiện ra một điều rằng động vật hoang dã và gia súc được thả rông hầu như không chết trong thảm họa tự nhiên khiến 240.000 người thiệt mạng này. Hình ảnh vệ tinh cho thấy trước khi xảy ra sóng thần, động vật đều chạy ngược hướng biển.

Động vật dựa vào giác quan để cảm nhận thảm họa đang đến gần. Còn con người, vốn không có giác quan nhạy bén như vậy, buộc phải dựa vào công nghệ để bảo vệ mạng sống.

Thùy Dương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/song-than-va-cong-nghe-20181225140036078.htm