Sóng thần tấn công Indonesia, hơn 1000 người thương vong

Một đợt sóng thần kinh hoàng, nghi do một đợt phun trào núi lửa gây ra, đã khiến gần 250 người thiệt mạng (tính tới 20h ngày 23/12) ở eo biển Sunda của Indonesia, với những 'bức tường nước' cao tới 20 m, quét sạch hàng trăm nhà cửa, khách sạn - Chính phủ Indonesia và một số nhân chứng hôm 23/12 cho hay.

Cảnh hoang tàn sau trận sóng thần đáng sợ xảy ra tối thứ Bảy tuần trước. Nguồn: AP.

“Quét sạch mọi thứ”

Khoảng 850 người đã bị thương khi trận sóng thần đổ bộ vào bờ biển vào lúc 9h27 tối hôm thứ Bảy (giờ địa phương) - Cơ quan Kiểm soát Thảm họa Indonesia cho hay, và ít nhất 20 người khác đang mất tích.

Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khí tượng và Địa chất Indonesia cho hay đợt sóng thần vừa qua có thể gây ra do sạt lở đất dưới đáy biển, sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào. Đây là một ngọn núi lửa nằm trên hòn đảo cùng tên, được hình thành sau nhiều năm tích tụ bụi tro núi lửa. Thêm vào đó, giới khoa học cũng cho rằng đợt trăng tròn là nguyên nhân khiến các ngọn sóng thần cao hơn.

Một số đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một ban nhạc có tên Seventeen” đang biểu diễn trên bờ biển, hàng chục khán giả bên dưới đang xem, thì bất ngờ một luồng ánh sáng lóe lên trên sân khấu. Sau đó, con sóng dữ ập tới, cuốn trôi cả ban nhạc, các nhạc cụ trên sân khấu và cả khán giả phía bên dưới.
Hôm 23/12, ban nhạc này nói trong một tuyên bố rằng tay chơi trống và người quản lý của họ đã thiệt mạng, trong khi 4 thành viên khác hiện vẫn đang mất tích.
“Sóng thần đánh lên bờ và kéo theo mọi người đang có mặt ở đó” - tuyên bố của Seventeen cho hay - “Không may thay, khi nước rút đi, nhiều thành viên của ban nhạc đã không thể tự cứu mình, trong khi những người may mắn hơn thì sống sót”.

Các du khách đang có mặt ở eo biển Sunda để hưởng kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh cũng bị ảnh hưởng bởi đợt sóng thần.

“Tôi phải chạy thục mạng, trong khi ở phía sau con sóng cao tới 20 m đổ tới bờ biển và tràn vào đất liền” - Oystein Lund Andersen, một du khách Na Uy, viết trên Facebook, kể thêm rằng ông đang chụp cảnh núi lửa phun trào thì bất ngờ trông thấy ngọn sóng lớn kéo về phía mình.

“Đợt sóng tiếp theo đánh trúng khu vực khách sạn nơi tôi đang ở, kéo theo nhiều xe hơi theo nó. Tôi cố gắng cùng gia đình mình băng qua rừng để chạy lên vùng đất cao hơn, và sau đó được người dân địa phương chăm sóc. May là chúng tôi không làm sao” - ông Andersen nói thêm.

Núi lửa hoạt động trở lại

Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là Pandeglang, thuộc tỉnh Banten, Java - nơi có công viên quốc gia Ujung Kulon và nhiều bãi biển nổi tiếng thế giới. Trong tổng số người chết tính đến thời điểm này, có 33 người ở Pandeglang. Ở thành phố Bandar Lampung, phía Nam quần đảo Sumatra, hàng trăm cư dân đã phải chạy vào Văn phòng Thị trưởng để trú ẩn.

Alif - một cư dân sống ở Pandeglang - nói với kênh MetroTV rằng, có rất nhiều người vẫn đang cố gắng tìm kiếm người thân bị mất tích sau đợt sóng thần.
Khu vực núi lửa Anak Krakatau trên eo biển Sunda kết nối Ấn Độ Dương và Biển Java phun trào chỉ 24 phút trước khi đợt sóng thần đổ bộ - các cơ quan khí tượng và địa chất ở Indonesia cho biết.

Ngọn núi lửa cao 305 m này, cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 200 km về phía Tây Nam, đã bắt đầu phun trào trở lại từ hồi tháng 6/2018. Đến tháng 7 cùng năm, chính quyền đã phải mở rộng khu vực cấm xung quanh ngọn núi lửa này lên bán kính 2 km.

Gegar Prasetya, đồng Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Sóng thần Indoneisa, nói rằng các đợt sóng thần này có thể được tạo ra khi một vạt lớn của ngọn núi lửa sạt xuống. Ông nói rằng, dù là phun trào núi lửa hay hiện tượng sạt lở bên dưới đại dương cũng có thể gây ra sóng thần.

“Thực tế thì sóng thần gây ra do hiện tượng không hẳn là lớn, chỉ trên 1 m” - Prasetya, một chuyên gia nghiên cứu núi lửa Anak Krakatau, cho hay - “Vấn đề là mọi người thường có xu hướng xây dựng nhà cửa quá sát vùng bờ biển”.

Tổn thất do sóng thần tính đến thời điểm này là 430 ngôi nhà bị thiệt hại nặng, 9 khách sạn bị hư hại và 10 phương tiện hỏng hóc. Một số đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hậu quả của đợt sóng thần: Đường phố ngập trong nước, xe cổ lật ngửa...

Hồi tháng 9 vừa qua, hơn 2.500 người đã thiệt mạng trong trận động đất-sóng thần đổ bộ vào thành phố Palu trên đảo Sulawesi, Indonesia. Tháng 12/2004, một trận động đất cường độ 9,1 độ Richter xảy ra trên đảo Sumatra, làm dấy lên đợt sóng thần khiến 230.000 người ở nhiều quốc gia thiệt mạng.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/song-than-tan-cong-indonesia-hon-1000-nguoi-thuong-vong-tintuc426100