Sóng thần do núi lửa ở Indonesia: Rất nguy hiểm và khó dự báo

Các chuyên gia về địa chất nhận định, thảm họa sóng thần xảy ra ở Indonesia vào cuối tuần trước bất ngờ và không kịp trở tay do nó không được kích hoạt bằng động đất, mà có thể do hoạt động bất ổn của núi lửa Anak Krakatau.

Vì cơ sở vật chất bị tàn phá, nên công tác cứu chữa cho người bị thương diễn ra ở những địa điểm tạm bợ

Sóng thần đã tràn qua đảo Sumatra và Java (Indonesia) vào 21h30 hôm 22-12. Khi sóng thần xảy ra, không hề có cảnh báo trước nào về bức tường nước khổng lồ đáng sợ này. Và lý do khiến cho giới chức Indonesia thất bại trong công tác cảnh báo trận sóng thần này là do nguồn gốc hình thành quá bất ngờ của những cơn sóng. Đó chính là sự sụp đổ của núi lửa Anak Krakatau, ngoài khơi Indonesia gây ra.

Thông thường, động đất có thể báo trước nguy cơ sóng thần, tuy nhiên lở đất lại không thường xuyên sinh ra các rung chấn. Các nhà nghiên cứu đã thu được những tiếng động ầm ầm với tần số thấp quanh thời điểm xảy ra sóng thần ở Indonesia, do đó có thể sạt lở đất có thể là nguyên nhân chính gây ra thảm họa kinh hoàng này.

Bên cạnh đó, theo phân tích của các nhà địa chất và địa vật lý dựa trên hình ảnh từ vệ tinh trong mấy ngày qua, một phần lớn của sườn núi lửa Anak Krakatau đã bị biến mất, cho nên họ càng chắc chắn rằng nguyên nhân chính của trận sóng thần này là do lở đất.

Cảnh báo sóng thần đã không kịp đưa ra khiến cho Indonesia một lần nữa chìm trong tang tóc khi có tới hơn 220 người thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương sau thảm họa. Sự sống sót thần kỳ của cậu bé Ali, 5 tuổi trong chiếc xe hơi nằm dưới đống đổ nát được coi là điều kỳ diệu le lói giữa khung cảnh tang thương vì sóng thần ở Indonesia.

Theo thông tin từ ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Trung tâm cảnh báo thiên tai quốc gia Indonesia, có tới 13% tổng số núi lửa của thế giới nằm trên lãnh thổ Indonesia. Do đó, quốc gia này rất cần có những hệ thống cảnh báo sóng thần tốt nhất thế giới.Mặc dù vậy, hiện tại Indonesia đã không còn có hệ thống cảnh báo sóng thần nào hoạt động kể từ năm 2012.

Trong khi đó, các chuyên gia về địa chất cảnh báo sóng thần có thể tiếp tục ập đến Indonesia bất kỳ thời điểm nào, bởi núi lửa Anak Krakatau đang trong thời gian “thức giấc”, có thể gây sạt lở ngầm dưới đáy biển. Núi lửa Anak Krakatau nằm ở eo biển Sunda, giữa đảo Java và Sumatra, nơi có đông dân cư sinh sống nên dù là sóng thần nhỏ nhưng cũng có thể gây thảm họa cho cộng đồng dân cư ven biển.

Trần Biên (Theo ABC/SCMP/Forbes)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/song-than-do-nui-lua-o-indonesia-rat-nguy-hiem-va-kho-du-bao/794379.antd