'Song tấu' Nga-Mỹ dồn vào chân tường ở Syria: Thổ Nhĩ Kỳ 'nụ cười chợt tắt'?

Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kêu gọi Mỹ và Nga cùng giải quyết vấn đề của chính mình hoặc khiến cả hai chống lại nhau ở Syria đã thất bại.

Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công là một bước ngoặt ở Idlib.

Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công là một bước ngoặt ở Idlib.

Giờ G đã điểm

Các động thái quân sự mới nhất nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ là minh chứng cho thấy nước này đang ngày càng mất vị thế ở Syria, cũng như có những bất đồng ngày càng lớn với cả Nga và Mỹ trên nhiều mặt trận khác nhau, các nhà phân tích nói với Tân Hoa Xã.

“Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ mất chỗ đứng ở Syria khi quân đội Syria do Nga hậu thuẫn chống lại các nhóm phiến quân ở Idlib”, Cahit Armagan Dilek, chuyên gia từ viện Thổ Nhĩ Kỳ Thế kỷ 21 có trụ sở tại Ankara, nhận định.

Hồi đầu tuần này, một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib đã bị tấn công bởi máy bay Syria, giữa thời điểm quân Chính phủ chiếm lại thành công Khan Sheikhoun, một thị trấn chiến lược tại đây.

Sau cuộc tấn công nói trên, các máy bay Syria được cho là đã tung hỏa lực quấy rối gần một trạm quan sát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

“Tình thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib đang ngày càng phức tạp”, chuyên gia Dilek nhấn mạnh, Trong khi đó, Ankara cũng thất bại trong việc loại bỏ lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở phần phía Đông của sông Euphrates ở Syria.

Mặc dù có một thỏa thuận chung về vùng an toàn, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận hoàn toàn về các chi tiết quan trọng như quy mô của khu vực và ai sẽ kiểm soát nơi đây.

Ankara từng cảnh báo Washington rằng họ sẽ có động thái loại bỏ người Kurd nếu Mỹ không giữ lời hứa.

"Nhưng với tình hình ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ gần như không thể triển khai một chiến dịch xuyên biên giới ở phía Đông của Euphrates để loại bỏ người Kurd", chuyên gia Dilek nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Ankara có thể còn phải rời khỏi các khu vực mà nước này đang kiểm soát.

Mới đây, các lực lượng Syria đã chiếm được thị trấn chiến lược Khan Sheikhoun, nằm trên đường cao tốc quan trọng nối Damascus với thành phố Aleppo. Việc chiếm giữ thị trấn sẽ giúp quân đội Syria dễ dàng kiểm soát phần còn lại của Idlib ở tây bắc Syria, thành trì lớn cuối cùng của phiến quân.

“Idlib rõ ràng sẽ là nơi sẽ thiết lập các điều kiện cho việc rút quân Thổ Nhĩ Kỳ khỏi lãnh thổ Syria”, Dilek nhận xét.

Hướng đi nào cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn cách đối thoại với Damascus.

Yasar Yakis, cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng nguy cơ các mục tiêu Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib bị tấn công bởi quân đội Syria vẫn còn đó, bao gồm cả các trạm quan sát.

Các trạm quan sát quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh Idlib đã được thiết lập theo thỏa thuận đạt được tại Nga vào tháng 9 năm ngoái để giám sát lệnh ngừng bắn giữa quân đội Syria và phiến quân.

Bất chấp sự phản đối của Ankara liên quan đến cuộc tấn công ở Idlib, Moscow khẳng định các động thái quân sự sẽ tiếp tục, nhấn mạnh rằng thỏa thuận ở Sochi với Thổ Nhĩ Kỳ không cấm chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố.

Phản ứng của Nga dường như cho thấy rằng họ ủng hộ cuộc tấn công vào đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được cho là mang vũ khí cho phiến quân, ông Yakis nói.

"Trong trường hợp cuộc đối đầu này leo thang, sẽ khó khăn để bảo vệ sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ (ở Syria) khi nhắc đến luật pháp quốc tế", ông nói thêm.

"Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kêu gọi Mỹ và Nga cùng giải quyết vấn đề của chính mình hoặc khiến cả hai chống lại nhau ở Syria đã thất bại", ông Dilek nói.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Ankara và Moscow sẽ không để cho vấn đề Idlib “đầu độc” mối quan hệ đang khăng khít của cả hai, từ năng lượng đến công nghiệp quốc phòng và nền kinh tế.

"Bởi vì cả hai quốc gia đều sử dụng mối quan hệ song phương như một con át chủ bài chống lại Mỹ", chuyên gia Dilek nói.

Cả hai nhà phân tích đều đồng ý rằng, Ankara nên sửa đổi chính sách Syria và bắt đầu đối thoại chính trị với Damascus để thoát khỏi vũng lầy Syria với thiệt hại tối thiểu.

"Thổ Nhĩ Kỳ nên hợp tác với Damascus liên quan đến vấn đề người Kurd ở phía đông bắc Syria, vì lợi ích của họ tương ứng với Damascus hơn là với Washington", ông Yakis nói.

Chính sách của Ankara liên quan đến người Kurd ở Syria nên đi theo chính sách mà Damascus dự kiến sẽ theo đuổi sau khi tất cả các cường quốc nước ngoài rời khỏi Syria, nhà phân tích này lập luận.

Đặc biệt hơn, đây sẽ là một đòn chí tử đối với Mỹ. Cuộc đối thoại trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria là điều mà Washington không mong muốn nhất, vì đây sẽ là động thái mà Ankara có thể làm hỏng trò chơi ở Syria, chuyên gia Dilek nhận xét.

Ông cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ nên bàn giao các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của mình ở phía Tây Euphrates cho Damascus, do đó gây áp lực buộc Mỹ phải rời khỏi Syria.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/song-tau-nga-my-don-vao-chan-tuong-o-syria-tho-nhi-ky-nu-cuoi-chot-tat-a446818.html